Cần trang bị "bức tường lửa" cho học sinh, sinh viên sử dụng Facebook
(Cadn.com.vn) - Mạng xã hội Facebook đang thu hút sự quan tâm của xã hội, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, thực trạng học sinh, sinh viên có nhận thức, thái độ thiếu tích cực trong việc sử dụng Facebook làm ảnh hưởng xấu tới kết quả học tập, phát triển nhân cách. Tình trạng học sinh, sinh viên tham gia vào những trang mạng không lành mạnh, đưa những hình ảnh không đúng sự thật, có nguy cơ dẫn tới bị lợi dụng, bị dụ dỗ gây ra nhiều hậu quả xấu cho bản thân, gia đình và xã hội. Chính vì vậy, cần phải trang bị "bức tường lửa" cho các em khi sử dụng Facebook.
Mạng ảo, hậu quả thật
Kết quả nghiên cứu ở 300 học sinh Trường THPT Thái Phiên (TP Đà Nẵng) của nhóm nghiên cứu gồm Th.S Nguyễn Thị Hồng Nhung, Th.s Tô Thị Quyên, Hà Thị Thu Thương (Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng) cho thấy có đến 96% học sinh có sử dụng Facebook và 73% học sinh truy cập Facebook hằng ngày.
Theo Th.s Nguyễn Thị Hồng Nhung, đây là một con số khá cao thể hiện sức hút của Facebook đối với học sinh THPT. Trong đó, có 20% học sinh dành từ 3 đến 5 giờ cho Facebook trong 1 ngày. Đặc biệt đáng báo động là có hơn 16% học sinh dành hơn 5 giờ/ngày để sử dụng Facebook. Việc sử dụng Facebook nhiều trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống cá nhân các em, thậm chí có thể bị nghiện. Việc nghiện Facebook có thể để lại nhiều hậu quả về mặt sức khỏe, tinh thần, mối quan hệ xã hội và năng lực học tập.
"Kết quả phân tích mối quan hệ giữa tần suất sử dụng Facebook và thành tích học tập cho thấy học sinh sử dụng Facebook càng nhiều thì kết quả học tập càng thấp. Facebook có thể ảnh hưởng xấu đến kết quả học tập của học sinh nếu các em sử dụng nhiều thời gian với các hoạt động không tích cực như chia sẻ cảm xúc, thông tin ảnh hưởng xấu đến bản thân mình hay người khác; hay việc dành nhiều thời gian để đọc Facebook người khác, xem ảnh hoặc bình luận mãi không dứt ra được. Từ đó làm các em mất đi thời gian học khiến ảnh hưởng đến thành tích học tập là tất yếu. Bên cạnh đó, có những em học nhưng vẫn mở Facebook và trông chờ các thông báo khiến giảm sự tập trung", Th.s Nguyễn Thị Hồng Nhung cho biết.
Còn Th.s Tô Thị Quyên chia sẻ: Khi sử dụng mạng xã hội, nếu các em có nhận thức, thái độ tích cực thì có thể trở thành một công cụ hữu ích để các em học hỏi, giao lưu, chia sẻ những điểu tốt đẹp và mở mang kiến thức. Ngược lại, nó sẽ ảnh hưởng xấu tới quá trình hình thành nhân cách của các em. Nhiều học sinh cho rằng Facebook hoàn toàn là môi trường ảo nên có thể thoải mái chia sẻ quan điểm cá nhân. Nguyên nhân do các em nghĩ Facebook là môi trường ảo nên các em có thể ẩn nấp vào "cái tôi ảo", ẩn nấp vào đám đông nên cảm thấy trách nhiệm giảm đi. Từ đó sinh ra việc chạy theo "cuộc sống ảo" và hiện nay không hiếm các vụ việc đã bị xử lý hình sự khi đưa thông tin hoặc quan điểm của mình một cách thoải mái, không suy nghĩ.
Việc sử dụng mạng xã hội đã trở thành một thói quen hằng ngày của mọi người, nhất là giới trẻ, học sinh, sinh viên. Ảnh: K.M |
Định hướng sử dụng Facebook
Th.s Tô Thị Quyên cho biết thêm, khi nghiên cứu về mục đích sử dụng Facebook, nhiều học sinh có chung suy nghĩ: "Mới đầu sử dụng Facebook là theo phong trào để kết nối bạn bè, sau lại thành thói quen. Mỗi lần mở điện thoại mà không vào Facebook lại cảm thấy bứt rứt không yên. Đôi khi vào Facebook chỉ viết những điều mình đang nghĩ, hay đăng những bức ảnh "tự sướng" rồi ngồi chờ like hay bình luận". Sự dễ dãi trong cách kết bạn thật sự tiềm ẩn những mối nguy hiểm cho các em. Các em rất dễ có nguy cơ bị lợi dụng trên mạng xã hội bởi lứa tuổi này còn khá non nớt, chưa đủ khả năng để nhận biết những cạm bẫy.
Trong xu thế toàn cầu hóa, với sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật, sự bùng nổ của công nghệ thông tin đã đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người. Những năm gần đây, một số mạng xã hội rất phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu kết bạn, trò chuyện của con người với nhau, như mạng Twitter, My space, Facebook, Zalo. Tuy nhiên, theo kết quả của một số nghiên cứu về hành vi sử dụng Facebook đã chỉ ra rằng, trong xu hướng gia tăng sử dụng Facebook nói chung, vị thành niên là một trong những đối tượng cần được quan tâm. Bởi vì, đối với nhiều bạn trẻ, Facebook là niềm đam mê "tìm hiểu xã hội". Nhưng khi lạm dụng thái quá sự đam mê ấy, lại trở thành tiêu cực, ảnh hưởng không ít đến thời gian học tập. Có nhiều trẻ vị thành niên mải mê Facebook đến nỗi quên cả việc nhà, trì hoãn việc học hành.
"Chính vì vậy, cần giáo dục, định hướng cho học sinh, sinh viên sử dụng mạng xã hội một cách an toàn. Nhà trường, gia đình cần phối hợp để giúp các em có xúc cảm và hành vi tích cực khi sử dụng mạng xã hội, bằng cách cho các em xem video, các bài báo hướng dẫn cách sử dụng Facebook an toàn. Và nếu có thể thì tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, dạy các em kỹ năng sử dụng Facebook. Bên cạnh đó, nhà trường có thể tổ chức những buổi dạy kỹ năng sống, xây dựng, tuyên truyền và giáo dục các giá trị sống cho học sinh, giúp các em nâng cao nhận thức, hiểu biết về hành vi và nhân cách của mình; xây dựng kế hoạch và tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa và khuyến khích học sinh tham gia vào các hoạt động này nhằm tạo điều kiện giúp các em giao tiếp, kết bạn ngoài đời thực. Cũng cần đưa ra những bài học cảnh báo cho học sinh về một số hiểm họa từ Facebook mà các em có thể gặp như bị dụ dỗ, lạm dụng, lừa đảo", Th.s Nguyễn Thị Hồng Nhung nói.
Khải Minh