Cẩn trọng với dịch vụ đổi tiền mới trên mạng xã hội

Thứ hai, 06/01/2025 08:19

Tết Nguyên đán sắp đến, dịch vụ đổi tiền mới trên mạng xã hội bắt đầu rầm rộ với những lời mời chào hấp dẫn. Trong các hội nhóm mạng xã hội, xuất hiện các bài viết quảng cáo dịch vụ đổi tiền lẻ, đổi tiền mới với đủ mệnh giá, bán những tờ tiền có số serie đẹp hay ngày tháng năm sinh...

Một tài khoản mạng xã hội quảng cáo đổi tiền lẻ, tiền mới dịp Tết Nguyên đán.
Một tài khoản mạng xã hội quảng cáo đổi tiền lẻ, tiền mới dịp Tết Nguyên đán.

Theo quảng cáo, khách hàng muốn loại tiền mới nào cũng có, đủ tờ, nguyên serie, nguyên cọc, giao hàng nhanh, chi phí rẻ… Thậm chí, có thể chọn tiền số đẹp để làm quà tặng sinh nhật, lì xì người yêu dịp Tết. Mệnh giá thường đổi nhỏ nhất là 1.000 đồng, 2.000 đồng; cao là 20.000, 50.000 đồng. Mỗi mệnh giá có mức phí khác nhau. Tiền mệnh giá càng nhỏ phí chênh lệch càng cao.

Được biết, những dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới trên mạng mang tính rủi ro rất cao. Bởi, cácđối tượng có thể lợi dụng nhu cầu của người dân đang cần đổi tiền mới nên có thể sử dụng tiền bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc hay thậm chí là tiền giả để lừa người dân. Vì vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác, cẩn trọng tránh bị thiệt hại; việc giao dịch, trao đổi tiền cần thực hiện tại các điểm an toàn như tại ngân hàng.

Chỉ cần vào facebook, zalo, tiktok gõ cụm từ "đổi tiền mới lì xì" thì sẽ có hàng trăm, hàng triệu kết quả hiện ra. Theo thông tin từ một fanpage chuyên cung cấp dịch vụ đổi tiền mới, mức phí đổi tiền mới hiện nay dao động từ 3%-15%. Cụ thể, đối với tiền mệnh giá 1.000 đồng, phí đổi lên tới 15%; tiền mệnh giá 2.000 và 5.000 đồng có mức phí 12%; tiền mệnh giá 10.000 đồng là 10%; mệnh giá 20.000 đồng có phí 9%; 50.000 đồng phí 8%; 100.000 đồng phí 6%; và mệnh giá 200.000 đồng có phí thấp nhất là 5%. Ví dụ, một xấp 100 tờ mệnh giá 50.000 đồng, trị giá 5 triệu đồng sẽ phải trả phí lên đến 400.000 đồng. Ngoài tiền mới “nguyên đai nguyên kiện” thì còn có loại tiền “lướt” (loại tiền lọc lại, không cùng seri, mới 90-99%), mức phí đổi tiền lướt rẻ hơn so với tiền mới khoảng 50%.

Thực tế, việc đổi tiền lẻ, tiền mới trên mạng mỗi dịp Tết đến không phải mới xuất hiện và đã có không ít người từng bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Như trường hợp chị Hoa (quê Quảng Nam, làm việc tại TP Đà Nẵng) cho hay, năm ngoái, chị cũng lên mạng tìm đổi tiền mới về quê lì xì cho con cháu dịp Tết. Qua trao đổi với một người trong nhóm đổi tiền thì được “báo giá” ra mức phí là 10% đối với 1 triệu đồng tiền loại mệnh giá 10 nghìn đồng. Tuy nhiên, chị Hoa phải đặt cọc 300 nghìn đồng thì vài ngày sau được “ship” tiền mới đến tận tay đúng như cam kết. Hoàn tất lần giao dịch lần đầu, người đổi tiền tiếp tục nhắn tin gợi ý chị Hoa đổi thêm tiền mới mệnh giá 50 nghìn đồng với mức phí thấp. Tuy nhiên lần này, người đổi tiền yêu cầu phải đặt cọc 500 nghìn đồng mới được hưởng mức phí 5%. Cả tin, chị Hoa chuyển khoản tiền cọc thì lập tức bị chặn facebook.

Trước thực trạng trên, người dân cần nâng cao cảnh giác, cẩn trọng tránh bị lừa đảo, nhất là các giao dịch trên không gian mạng. Việc giao dịch, trao đổi tiền cần đến tại các trụ sở ngân hàng để đảm bảo an toàn, đúng pháp luật và tránh những thiệt hại không đáng có.

Theo quy định của pháp luật, chỉ có những tổ chức được Nhà nước cho phép mới được hoạt động đổi tiền. Do đó, mọi hoạt động đổi tiền của cá nhân, tổ chức khác đều là bất hợp pháp. Bất kỳ hành vi đổi tiền mới, tiền lẻ nhằm hưởng % chênh lệch, đổi tiền để thu lời đều là hành vi trái pháp luật và có thể bị xử phạt.

Đặc biệt, việc đổi tiền mới để hưởng chênh lệch giá như trên sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14-11-2019 của Chính phủ với mức từ 20 - 40 triệu đồng; đối với trường hợp tổ chức có hành vi đổi tiền không đúng quy định của pháp luật sẽ bị xử từ 40 triệu đồng đến 80 triệu đồng.

Có thể nói tội phạm lừa đảo trên mạng xã hội diễn ra với thủ đoạn hết sức tinh vi. Khi đổi tiền lẻ qua mạng, bên cạnh việc phải chịu phí đổi rất cao, người dân sử dụng dịch vụ này còn có nguy cơ bị lừa đảo. Không ít trường hợp người dân chuyển khoản xong thì chủ tài khoản trang mạng xã hội đã chặn liên lạc và mất tích, ăn chặn tiền của khách. Người dân cần đề cao cảnh giác để không "mắc bẫy" đổi tiền lẻ, tiền mới qua mạng xã hội trong dịp Tết Nguyên đán.

NGUYỄN QUANG

Người Việt mất đến 18.900 tỷ đồng trong năm 2024 vì lừa đảo trực tuyến

Theo báo cáo nghiên cứu, khảo sát an ninh mạng 2024 do Hiệp hội An ninh mạng quốc gia thực hiện, tổng thiệt hại do lừa đảo trực tuyến gây ra trong năm 2024 ước tính lên tới 18.900 tỷ đồng.

Cảnh giác thủ đoạn giả danh Công an gọi điện thoại lừa đảo

Trong thời gian gần đây, nhiều vụ lừa đảo với thủ đoạn giả danh Công an đã liên tục xảy ra trên địa bàn TP Đà Nẵng. Những đối tượng lừa đảo đã lợi dụng tâm lý lo sợ của nạn nhân để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Cảnh báo thủ đoạn cắt ghép hình ảnh, video clip “nhạy cảm” để tống tiền

Thời gian qua, tình hình tội phạm trên không gian mạng tiếp tục diễn biến rất phức tạp với những phương thức, thủ đoạn ngày càng đa dạng và tinh vi. Trên địa bàn toàn quốc xuất hiện hàng loạt vụ cưỡng đoạt tài sản với thủ đoạn sử dụng phần mềm, công nghệ để cắt ghép hình ảnh của nạn nhân vào video, clip có nội dung “nhạy cảm” để thực hiện hành vi lừa đảo, tống tiền.