Cảnh giác thủ đoạn giả danh Công an gọi điện thoại lừa đảo
Trong thời gian gần đây, nhiều vụ lừa đảo với thủ đoạn giả danh Công an đã liên tục xảy ra trên địa bàn TP Đà Nẵng. Những đối tượng lừa đảo đã lợi dụng tâm lý lo sợ của nạn nhân để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Ngày 28-11-2024, chị P.T.M.T. (2001, quê ở Quảng Ngãi, hiện đang học tập tại Đà Nẵng) nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là Công an TP Quảng Ngãi. Đối tượng cung cấp chính xác thông tin cá nhân của chị T. và thông báo chị liên quan đến một vụ án mua bán ma túy và rửa tiền. Khi chị T. bày tỏ lo ngại vì đang theo học ở tỉnh xa không thể về quê để phục vụ điều tra, đối tượng đề nghị hỗ trợ lập biên bản... online.
Sau đó, đối tượng chuyển máy cho một người khác, tự xưng là cán bộ Công an TP Hà Nội, yêu cầu chị T. cung cấp tài sản để chứng minh sự trong sạch. Đối tượng gửi qua Zalo cho chị T. các tài liệu giả mạo như: “Lệnh bắt giữ hình sự” và “Thông báo các đối tượng liên quan đến vụ án”, đồng thời yêu cầu chị chuyển toàn bộ số tiền trong tài khoản để xác minh. Lo sợ bị bắt, chị T. đã chuyển gần 1,4 triệu đồng theo yêu cầu. Chưa dừng lại, đối tượng tiếp tục yêu cầu chị T. mượn tiền từ người quen và chuyển thêm 6 triệu đồng. Tổng cộng, chị T. đã chuyển gần 7,4 triệu đồng trước khi nhận ra mình bị lừa và đến trình báo cơ quan Công an.
Trước đó, ngày 17-11-2024, anh M.M.K. (2003, quê Đắk Lắk, hiện đang sống tại Đà Nẵng) nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là cán bộ Công an quận Hải Châu. Đối tượng thông báo anh K. liên quan đến một đường dây rửa tiền và yêu cầu anh phải vay tiền qua ứng dụng MOMO để “hỗ trợ điều tra”. Do tin tưởng, anh K. đã vay số tiền 50 triệu đồng qua ứng dụng và cộng thêm số tiền trong tài khoản cá nhân của mình, tổng cộng 67.930.434 đồng, rồi chuyển vào tài khoản do đối tượng cung cấp. Sau khi hoàn thành giao dịch, anh K. bắt đầu nghi ngờ và bảo em trai đến cơ quan Công an trình báo.
Không chỉ lấy lý do “chứng minh tài sản” hoặc “hỗ trợ điều tra” để lừa các nạn nhân, các đối tượng còn sử dụng chiêu trò liên quan đến giấy tờ cá nhân. Đơn cử, ngày 12-8-2024, chị H. (1973, trú phường Nam Dương, Q. Hải Châu, Đà Nẵng) nhận được cuộc gọi từ số 0942687499. Người gọi đến tự xưng là cán bộ Công an phường Nam Dương, thông báo mã định danh của chị H. chưa được đồng bộ, gây ảnh hưởng đến việc làm căn cước công dân cho con chị. Đối tượng hướng dẫn chị H. liên hệ với một người tên “Tú”, tự xưng là cán bộ Công an quận qua số điện thoại khác để cập nhật thông tin. Sau đó, “Tú” giới thiệu chị H. tải một ứng dụng mà đối tượng khẳng định là của Chính phủ, đồng thời hướng dẫn chị kích hoạt lại tài khoản ngân hàng. Một ngày sau, khi chị H. liên hệ ngân hàng kiểm tra, chị mới phát hiện tài khoản của mình đã bị chuyển số tiền 266 triệu đồng sang tài khoản mang tên Nguyễn Xuân Hải (thuộc ngân hàng AB Bank). Ngay sau đó, chị H. trình báo cơ quan Công an.
Qua các vụ việc trên, có thể thấy những thủ đoạn chính mà kẻ gian thường sử dụng gồm: giả danh Công an gọi điện và cung cấp thông tin cá nhân chính xác để tạo lòng tin; sử dụng tài liệu giả mạo (lệnh bắt giữ, phong tỏa tài sản) đều được làm giả một cách tinh vi; yêu cầu chuyển tiền với lý do “chứng minh tài sản” hoặc “hỗ trợ điều tra” để ép buộc nạn nhân chuyển tiền; dùng ứng dụng giả mạo, không rõ nguồn gốc để chiếm đoạt thông tin tài khoản ngân hàng.
Để tránh rơi vào các trường hợp tương tự như trên, Công an khuyến cáo người dân không cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại hoặc các ứng dụng không rõ nguồn gốc; Không chuyển tiền theo yêu cầu từ người lạ, đặc biệt là người tự xưng là cán bộ Công an; Xác minh thông tin bằng cách liên hệ trực tiếp với cơ quan Công an địa phương qua số điện thoại chính thức và báo cáo ngay cho cơ quan chức năng khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo. Người dân cần nâng cao cảnh giác, thường xuyên cập nhật thông tin và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để bảo vệ tài sản và thông tin cá nhân của mình.
MAI VINH
Dòng sự kiện:Cảnh giác với tội phạm lừa đảo, trộm cắp
Thủ đoạn lừa đảo của Lê Khắc Ngọ qua lời kể của các nạn nhân
Đường dây lừa đảo của Mr. Pips lớn nhất Việt Nam về đầu tư ngoại hối trên mạng
Mr Pips và chiêu lừa kiếm tiền nhanh từ đầu tư ngoại hối
Triệt xóa nhóm đối tượng giả danh Công an, bắt giữ tài xế Grab rồi cướp tiền trong tài khoản
Lật tẩy thủ đoạn “lùa gà” của nam TikToker Mr.Pips