Cần xây dựng đề án trạm kiểm định sâm Ngọc Linh
Chiều 23-7, Tỉnh ủy Quảng Nam có buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ do Bộ trưởng Chu Ngọc Anh dẫn đầu về tình hình hoạt động khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội Quảng Nam. Tại đây, những vấn đề liên quan đến công tác kiểm định sâm Ngọc Linh đã được đưa ra bàn luận.
Vùng trồng sâm Ngọc Linh tại xã Trà Linh, H. Nam Trà My. |
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ KHCN sớm có chủ trương về việc xây dựng trạm kiểm định Sâm Ngọc Linh tại H. Nam Trà My. Trước đó, Bộ đã làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam để nắm bắt tình hình về hoạt động mua bán sâm Ngọc Linh giả diễn ra trong thời gian qua.
Định hướng nhiệm vụ trong thời gian đến của Sở KHCN tỉnh Quảng Nam có mục tiêu triển khai quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ; xây dựng và đăng ký các Nhãn hiệu tập thể/chứng nhận sản phẩm một số sản phẩm chức năng, mỹ phẩm, thực phẩm từ sâm núi Ngọc Linh. Giám đốc Sở KHCN tỉnh Quảng Nam - Phạm Viết Tích cho biết, sau khi sâm củ Ngọc Linh được bảo hộ chỉ dẫn địa lý và được công nhận là sản phẩm quốc gia, nhu cầu sử dụng sâm Ngọc Linh tăng lên nhanh chóng. Giá sản phẩm sâm Ngọc Linh tăng cao là điều kiện dẫn đến tình trạng xuất hiện sâm giả ngày càng nhiều. Tuy nhiên, việc xác định, phân biệt sâm Ngọc Linh thật hay giả hiện nay hoàn toàn dựa vào cảm nhận chủ quan, kinh nghiệm của người trồng sâm và những người nghiên cứu về sâm. Công tác quản lý hiện đang có sự chồng chéo giữa các ngành chức năng trong việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ, kiểm tra chất lượng các sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh.
Ông Tích cho biết, Sở đang rất loay hoay về vấn đề liên quan đến Sâm Ngọc Linh. “Vấn đề an ninh an toàn sâm rất phức tạp và liên quan đến nhiều ngành, nhiều cơ quan chức năng. Đơn cử như vấn đề quản lý giống thuộc ngành nông nghiệp, sản xuất mỹ phẩm, đồ uống thuộc Y tế, chống mất trộm cắp là cơ quan công an... Hiện nay, hai vấn đề nổi cộm là kiểm định chất lượng và kiểm định thật – giả cần được lưu ý, trong đó việc phân biệt thật – giả hoàn toàn dựa vào cảm nhận chủ quan”, ông Tích cho biết.
Theo ông Tích, sâm Ngọc Linh đã được chứng nhận là sản phẩm quốc gia, có giá trị cao, vì vậy việc kiểm định một cách chuyên nghiệp để phát triển sản phẩm, đưa sản phẩm ra thị trường rộng rãi là việc cần thiết. “Hiện nay, việc đầu tư xây dựng trạm/trung tâm kiểm định sâm Ngọc Linh ở Nam Trà My là điều cần nhất. Trong vòng 5 năm tới khi vùng quy hoạch sâm phát triển mạnh, số lượng sâm nhiều mà không có sự chuẩn bị trước sẽ rất bị động”, ông Tích nói.
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Nguyễn Ngọc Quang cho biết: Hiện nay, H. Nam Trà My mới chỉ làm công tác là người trung gian giữa người trồng sâm và khách hàng. Ngoài việc khuyến khích người dân muốn mua sâm thì đến các phiên chợ sâm Ngọc Linh hằng tháng để mua và có sự trao đổi trực tiếp giữa bên bán và bên mua thì huyện còn lúng túng vì chưa có điều kiện chứng minh sâm Ngọc Linh thật hay giả. Nhiều ý kiến còn cho rằng cứ đến phiên chợ hằng tháng thì có thể thuê máy giám định, tuy nhiên đây chỉ là ý kiến tạm thời, về lâu dài cần có một đề án chi tiết, cụ thể và sự vào cuộc của Bộ KHCN.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đánh giá cao những nỗ lực của Quảng Nam trong việc ứng dụng KHKT vào phát triển KT-XH thời gian qua. Đối với việc thẩm định sâm Ngọc Linh, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương có biện pháp xử lý vấn đề này để bảo vệ thương hiệu sản phẩm quốc gia sâm Ngọc Linh trong thời gian đến.
HÀ DUNG