Cần xem xét lại quan hệ với Trung Quốc

Thứ bảy, 24/05/2014 11:10

 Trung Quốc tiếp tục tìm cách ngụy tạo chứng cứ

(Cadn.com.vn) - Phân tích diễn biến xung quanh việc nhà cầm quyền Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển Việt Nam, ngày 23-5, các chuyên gia trong nước và quốc tế đều cho rằng, các nước nằm trong mưu đồ lấn chiếm của Trung Quốc, trong đó có Việt Nam, cần đoàn kết và xem lại quan hệ với Trung Quốc.

Chăm sóc một kiểm ngư viên Việt Nam bị thương. Ảnh chụp từ video

Trong cuộc trao đổi với TTXVN ngày 23-5, trả lời câu hỏi “ông có bất ngờ về hành động nêu trên của Trung Quốc?”, PGS – TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Đảo Việt Nam, hiện là giảng viên cao cấp của Đại học Quốc gia Hà Nội, thành viên của Diễn đàn Đại dương thế giới, nói: Sự ngang ngược và trắng trợn vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc, ngay trong thế kỷ XXI – thế kỷ văn minh này khiến cho dư luận quốc tế và trong nước không tránh khỏi ngỡ ngàng.

Và ngay sau sự ngỡ ngàng là quan ngại và bất bình sâu sắc. Tuy nhiên, từ góc nhìn theo chiều sâu nghiên cứu quản lý biển, chúng tôi không bất ngờ vì hành động trên chính là một bước trong tiến trình Trung Quốc thực hiện dã tâm của mình.

Đồng thời để chứng minh khả năng quản lý thực tế không gian đường lưỡi bò phi lý này, Trung Quốc đã triển khai hàng loạt hoạt động được che đậy và giả danh “dân sự”. Bằng cách đó Trung Quốc chiếm bãi cạn Hoàng Nham/ Scarborough do Philippines tuyên bố chủ quyền năm 2012, chiếm bãi James do Malaysia tuyên bố chủ quyền năm 2013 và lần này Trung Quốc đưa giàn khoan “khủng” Hải Dương - 981 xâm phạm trái phép vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.Để tiếp tục thực hiện “Giấc mơ Trung Hoa” – chấn hưng dân tộc với ý đồ “Độc chiếm Biển Đông” mà trước hết là “Độc quyền khai thác tài nguyên”, Trung Quốc đã triển khai nhiều bước đi và cách tiếp cận. Đáng chú ý là họ ngang nhiên công bố ra Liên hợp quốc “Yêu sách phi lý về Đường lưỡi bò 9 đoạn đứt khúc” vào năm 2009, chiếm 80% diện tích Biển Đông, vi phạm luật pháp quốc tế và chủ quyền của các quốc gia láng giềng quanh Biển Đông, trong đó có Việt Nam.

Lực lượng chấp pháp Việt Nam làm nhiệm vụ ngăn cản và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 khỏi vùng biển Hoàng Sa. Ảnh: CÔNG HẠNH

Đây là cách Trung Quốc cắm các “chốt” an ninh giả danh dân sự để nắn gân các nước láng giềng, để rồi sẽ “gặm nhấm dần” các vị trí chiến lược trên Biển Đông. Như vậy, yếu tố quân sự thực tế đã được sử dụng trong hành vi của phía Trung Quốc kết hợp đe dọa sử dụng vũ lực trên thực địa.

Năm 2012, chính ông Vương Dĩ Lâm - Chủ tịch Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) đã mập mờ nói: “Các giàn khoan nước sâu cỡ lớn là lãnh thổ quốc gia di động và là một vũ khí chiến lược của Trung Quốc”. Và bây giờ, sự hiện diện của “lãnh thổ di động” này tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc đã phát đi thông điệp: sẵn sàng xâm chiếm vùng biển của Việt Nam - một quốc gia có chủ quyền, một người bạn láng giềng truyền thống.

Rõ ràng, Trung Quốc đang có bước đi nguy hiểm, bất chấp luật pháp và công luận quốc tế, thách thức toàn thế giới. Đặc biệt, trong thời điểm các tổ chức pháp luật quốc tế của Liên hợp quốc đang xem xét vụ kiện về Đường lưỡi bò, thì hành động của Trung Quốc như vậy không phù hợp với “Văn hóa ứng xử” của một quốc gia là thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

 

Lấy cớ tìm dầu, Trung Quốc đang “đổ thêm dầu” đốt cháy hòa bình ở Biển Đông. Đơn phương “dương Đông, kích Tây” như vậy trong suốt thời gian dài vừa qua, Trung Quốc đang đe dọa an ninh và hòa bình không chỉ ở khu vực Biển Đông mà còn cả Hoa Đông và ASEAN.

Trả lời câu hỏi “Việt Nam nói riêng và các nước ASEAN nói chung nên hành động như thế nào để đối phó với dã tâm độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc?”, PGS – TS Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh: Việt Nam chúng ta - một nước nhỏ, để nhỏ mà không yếu thì rất cần sức mạnh đại đoàn kết. Hành vi sai trái của phía Trung Quốc bộc lộ quá rõ ràng, thách thức toàn thế giới, gây bất ổn định khu vực.

Thái độ của Chính phủ Việt Nam cũng thể hiện kịp thời, kiên quyết và rõ ràng. Chính phủ Việt Nam đang có những bước đi cần thiết. Hơn lúc nào hết, người Việt Nam trong và ngoài nước, người dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới hãy sát cánh, làm rõ âm mưu, thủ đoạn ngang ngược của phía Trung Quốc trong việc giải quyết các vấn đề ở Biển Đông nói chung và đối với Việt Nam nói riêng.

“Tôi cho rằng đây là dịp Việt Nam nên “biến thách thức thành cơ hội”: xem xét lại quan hệ với Trung Quốc; sát cánh cùng các nước ASEAN, vì Việt Nam không phải là “nạn nhân” đơn nhất của các thế lực chính trị cường quyền trong khu vực; xây dựng quan hệ đối tác mới trong khu vực Đông Á và trên thế giới để cùng nhau bảo vệ biển, phát triển bền vững đất nước trong dài hạn” - PGS – TS Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh.

Toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc, Vinasat tàu 926 của lực lượng Kiểm ngư Việt Nam bị tàu Trung Quốc tấn công làm hư hại hoàn toàn, thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Ảnh: CÔNG HẠNH

Trong khi đó, theo nữ GS-TS Abanti Bhattacharya, giảng viên tại Khoa nghiên cứu về Đông Á, Trường đại học Tổng hợp Delhi, Ấn Độ hành động hạ đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc thể hiện sự nổi lên không hòa bình và có tính gây chiến ngày càng tăng của Trung Quốc.

Hành động này cũng nhằm thử phản ứng trước “trục xoay” của Mỹ tại khu vực Châu Á và sự ủng hộ của Mỹ đối với Nhật Bản và các nước đồng minh khác nhằm hỗ trợ họ chống lại mưu đồ tấn công của Trung Quốc. Ngoài ra, đây cũng là sự “diễu võ giương oai” của Trung Quốc, chủ yếu nhằm tranh chủ quyền tại Biển Đông, đồng thời để thử sự tín nhiệm và sức mạnh của Mỹ trong khu vực.

Theo giáo sư Abanti Bhattacharya, để duy trì an ninh hàng hải tại Biển Đông, chiến lược tốt nhất là tăng cường hệ thống ASEAN. Các nước ASEAN phải tái thiết lập sự đoàn kết và đấu tranh chống lại sự thống trị của Trung Quốc.

B.T