Cần xử lý nghiêm hành vi dụ dỗ trẻ em bỏ học đi làm thuê
(Cadn.com.vn) - Lợi dụng sự thiếu hiểu biết và hoàn cảnh khó khăn của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), vài năm gần đây, tình trạng "cò lao động" về vùng sâu, vùng xa của xã Hòa Phong (H. Krông Bông, Đắc Lắc) dụ dỗ trẻ em bỏ học đi làm thuê tại TP Hồ Chí Minh. Với chiêu thức "đưa đi học nghề để làm việc cho các công ty may mặc" kèm theo những bản hợp đồng "vô thưởng, vô phạt" để lừa phỉnh, dụ dỗ các em nhỏ đi làm thuê, nhất là sau dịp Tết Nguyên đán. Trước tình trạng này, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắc Lắc và chính quyền địa phương phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, vận động người dân không để các em bỏ học đi làm thuê, song tình trạng này vẫn còn tái diễn sau Tết Đinh Dậu 2017.
Với danh nghĩa là người đi tuyển lao động cho các công ty may mặc ở TP Hồ Chí Minh, bà N.T.K (1958, trú P. Bình Hưng Hòa, Q. Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) đã về buôn Ngô A (xã Hòa Phong) lôi kéo 9 trẻ em đi lao động ở TP Hồ Chí Minh, trong đó cháu nhỏ tuổi nhất sinh năm 2005 và cháu lớn tuổi nhất sinh 2002. Ông Y Suôm Niê, Trưởng buôn Ngô A cho biết: Hầu hết các cháu bỏ học đi lao động sớm đều có chung hoàn cảnh là con hộ nghèo hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Để tạo niềm tin cho cha mẹ các em, bà K. câu kết với 1 người trong buôn, nắm rõ hoàn cảnh của từng gia đình, rồi "ngon ngọt" dụ dỗ và làm hợp đồng để các gia đình đồng ý cho bà K. đưa các cháu đi học may để sau này có tay nghề làm việc với thu nhập cao.
Tình trạng này tiềm ẩn nhiều nguy cơ như: trẻ em bị bóc lột sức lao động hoặc có thể bị dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc, lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, điều đó không chỉ gây ra nhiều vấn đề xã hội bức xúc mà còn làm xáo trộn cuộc sống của người dân ở các buôn làng. Vì vậy, ngoài sự vào cuộc của hệ thống chính trị các cấp thì cần có biện pháp chế tài, đủ sức răn đe đối với những người chuyên làm nghề môi giới tuyển lao động trẻ em.
Mai Viết Tăng