Cảng Đà Nẵng: Duy trì tăng trưởng trong áp lực cạnh tranh
Theo ông Vũ Ngọc Tăng - Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng, trong 6 tháng đầu năm 2019, sản lượng hàng hóa thông qua Cảng Đà Nẵng đạt gần 4,6 triệu tấn, tăng 7,22% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, sản lượng container tăng trưởng cao nhất với mức tăng 19,13%, đạt gần 190.000 TEUs.
Tàu SITC Danang của Hãng tàu SITC cập Cảng Tiên Sa (Cảng Đà Nẵng). |
Tín hiệu khả quan
Lượng hàng hóa qua cảng tiếp tục tăng trưởng ổn định giúp cho tổng doanh thu 6 tháng đầu năm của Cảng Đà Nẵng đạt 385 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 110 tỷ đồng, đều đạt hơn 52% so với kế hoạch cả năm và tăng lần lượt 13% và 19,82% so với cùng kỳ năm 2018. “Có được sự tăng trưởng này là do Cảng Đà Nẵng đã tích cực hoàn thiện, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng và tìm kiếm, thu hút khách hàng mới, nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng”, ông Trần Lê Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cảng Đà Nẵng chia sẻ.
Đơn cử, Cảng Đà Nẵng đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để phát triển thêm 500m chiều dài cầu bến, nâng tổng số bến cảng của Cảng Đà Nẵng lên con số 8 bến với tổng chiều dài gần 1.700m chiều dài cầu bến, có khả năng tiếp nhận các tàu hàng tổng hợp có trọng tải lên đến 70.000 DWT, tàu container đến 4.000 TEUs và tàu khách đến 150.000 GRT cùng với các trang thiết bị, máy móc xếp dỡ và kho bãi hiện đại, bảo đảm năng lực khai thác của Cảng Đà Nẵng lên đến 12.000.000 tấn/năm. Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm có thêm nhiều hãng tàu vận tải quốc tế lớn mở tuyến vận tải hàng hóa đến Cảng Đà Nẵng. Điển hình, từ tháng 3-2019, Hãng tàu SITC đã mở tuyến vận tải hàng hóa quốc tế với hành trình Đà Nẵng - Trung Quốc - Nhật Bản bằng tàu SITC Danang, cập bến tại Cảng Tiên Sa (Cảng Đà Nẵng). Tàu SITC Danang có trọng tải hơn 18.000 DWT, chiều dài 162m, rộng hơn 25,6m, sức chở hơn 1.000 TEUs.
Trước đó, trong tháng 1-2019, Hãng tàu SITC cũng đưa vào hoạt động tuyến vận tải hàng hóa đến Cảng Đà Nẵng với lịch trình: Đà Nẵng - Ningbo - Shanghai - Hakata - Moji (Nhật Bản) bằng tàu Lantau Beach có trọng tải 12.400 DWT, chiều dài hơn 140m, sức chở hơn 1.000 TEUs. “Việc có thêm nhiều hãng tàu quốc tế đưa các tuyến vận tải hàng hóa mới đến Cảng Đà Nẵng không chỉ góp phần làm cho thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên đến các cảng lớn trên thế giới sôi động hơn, mà còn tạo sự lựa chọn đa dạng cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ tại cảng, đưa Cảng Đà Nẵng tiếp tục phát huy được sự tăng trưởng mạnh mẽ sau giai đoạn cổ phần hóa, giữ vững vị thế là cảng số 1 ở khu vực miền Trung”, ông Trần Lê Tuấn chia sẻ thêm.
Đặc biệt là đồng hành cùng với ngành Du lịch TP Đà Nẵng trong công tác thu hút khách du lịch nước ngoài đến TP bằng đường biển, trong 6 tháng đầu năm 2019, Cảng Đà Nẵng tiếp tục có những nỗ lực thiết thực nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ cho khách hàng là chủ các tàu chở khách du lịch. Nhờ đó, số lượng tàu chở khách du lịch nước ngoài cập Cảng Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt 137 lượt tàu với hơn 130.000 lượt hành khách, tăng 5,38% về lượt tàu cập cảng so cùng kỳ năm 2018.
Áp lực cạnh tranh
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2019 và những tháng còn lại của năm nay, Cảng Đà Nẵng cũng gặp phải những khó khăn, thách thức, nhất là công tác thị trường, sản lượng hàng hóa qua cảng trước áp lực cạnh tranh đến từ các cảng biển trong khu vực. Đơn cử, hiện tại, khoảng cách từ các khu công nghiệp (KCN) lớn thuộc các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế đến Cảng Tiên Sa thuộc Cảng Đà Nẵng trung bình luôn dài hơn gấp đôi khoảng cách từ các KCN này đến các cảng khác như: Chu Lai, Dung Quất, Chân Mây dẫn đến việc cạnh tranh gay gắt về chi phí logistics.
Ông Lê Hồng Nam - Trưởng phòng Kinh doanh Cảng Đà Nẵng cho biết thêm, mặc dù Cảng Đà Nẵng vẫn đang chiếm ưu thế về cầu bến, luồng ra vào cảng và năng lực khai thác của các trang thiết bị nhưng nếu so sánh về giá cả và khoảng cách của các KCN lớn, mới nổi và có tốc độ tăng trưởng cao trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thì Cảng Chu Lai (Quảng Nam) có lợi thế hơn rất nhiều khi giá cả, chi phí logistics thấp hơn so với Cảng Đà Nẵng và khoảng cách từ các KCN này ngắn hơn nếu đi đến cảng Chu Lai thay vì đến Cảng Đà Nẵng. Nếu Cảng Chu Lai tăng năng lực khai thác bằng cách đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng thì trong tương lai, lượng hàng container của Quảng Nam và cả Quảng Ngãi sẽ đổ về Cảng Chu Lai.
Nhằm vượt qua khó khăn, trở ngại đến từ áp lực cạnh tranh trong việc thu hút nguồn hàng qua cảng, hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2019 và đảm bảo đời sống của người lao động, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Cảng Đà Nẵng Trần Lê Tuấn cho biết: trong 6 tháng cuối năm 2019, Cảng Đà Nẵng sẽ tiếp tục tìm kiếm thị trường mới, nguồn hàng mới, nhất là nguồn hàng từ các nhà máy nằm trên Hàng lang kinh tế Đông Tây (EWEC), đặc biệt là Lào; tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở hạ tầng như nạo vét luồng lạch nhằm đảm bảo đồng bộ luồng ra vào và độ sâu cầu bến để có thể tiếp nhận các tàu lớn hơn cập cảng, đặc biệt là đối với tàu container; đảm bảo phương tiện, thiết bị, nguồn nhân lực đầy đủ để duy trì năng suất xếp dỡ và chất lượng dịch vụ cao, ổn định và chuyên nghiệp.
Đối với công tác bán hàng, phân quyền sâu hơn cho phòng kinh doanh để có thể đưa ra quyết định về giá cả nhanh chóng và chiết khấu phù hợp nhằm đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của khách hàng, nhất là các khách hàng ở trong các KCN bị cạnh tranh và xa khu vực Cảng Đà Nẵng như: Tam Thăng, Tam Anh, Chu Lai (Quảng Nam), VSIP và Dung Quất (Quảng Ngãi), Tây Nguyên và các nhà máy nằm trên EWEC.
PHÚ NAM