Căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên
Nhật kích hoạt cảnh báo
Quân đội Hàn Quốc ngày 3-11 cho biết dường như Triều Tiên đã phóng 1 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và 2 tên lửa tầm ngắn ra vùng biển phía Đông nước này. Tuy nhiên, vụ phóng ICBM của Triều Tiên sáng 3-11 đã không thành công.
Theo Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS), Triều Tiên dường như đã phóng một ICBM từ khu vực Suan ở thủ đô Bình Nhưỡng vào khoảng 7 giờ 40 sáng 3-11 (giờ địa phương). ICBM này bay xa khoảng 760km, ở độ cao khoảng 1.920km với tốc độ tối đa Mach 15. Tuy nhiên, sau khi phân tách giai đoạn hai, dường như tên lửa không thể tiếp tục bay bình thường.
Ngoài tên lửa nói trên, trong sáng 3-11, Bình Nhưỡng cũng phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) từ Kaechon (thuộc tỉnh Nam Pyongan) ra vùng biển phía Đông của nước này. Hai tên lửa này bay xa khoảng 330km, ở độ cao lên tới khoảng 70km và tốc độ tối đa là Mach 5.
Chính phủ Nhật ban đầu cảnh báo tên lửa bay qua bầu trời nước này và khuyến cáo người dân tìm chỗ trú ẩn trong nhà. Hệ thống cảnh báo J-Alert tại một số khu vực đã được kích hoạt sau khi có thông tin tên lửa của Triều Tiên bay qua lãnh thổ Nhật Bản. Hệ thống tin nhắn khẩn cấp Nhật Bản phát cảnh báo người dân ở các tỉnh Miyagi, Yamagata và Niigata trú ẩn trong nhằm tránh các mảnh tên lửa rơi.
Sau đó, Bộ Quốc phòng nước này đã đính chính thông tin cho biết tên lửa đạn đạo đầu tiên do Triều Tiên phóng vào sáng 3-11 về phía vùng biển phía Đông Bán đảo Triều Tiên không bay qua lãnh thổ Nhật Bản. Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, tên lửa của Triều Tiên bay được hành trình khoảng 750km tới độ cao 2.000km. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada cho biết thông tin ban đầu bị nhầm lẫn do nước này "mất dấu tên lửa khi nó bay qua biển Nhật Bản". Theo kênh truyền hình NHK, Tokyo không triển khai biện pháp phá hủy tên lửa.
Liên tiếp phóng tên lửa
Đây là vụ phóng ICBM lần thứ 7 của Triều Tiên kể từ đầu năm đến nay, trong đó lần gần nhất được tiến hành hồi tháng 5 vừa qua. Đây là ngày thứ hai liên tiếp Triều Tiên thực hiện các vụ phóng tên lửa. Trong ngày 2-11, Triều Tiên đã phóng tổng cộng 23 tên lửa ra các vùng biển phía Đông và phía Tây nước này. Đây là đợt phóng có quy mô lớn nhất trong một ngày kể từ trước tới nay của Bình Nhưỡng. Trong số các tên lửa được phóng đi có một tên lửa hạ cánh cách bờ biển Hàn Quốc chưa đầy 60km. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol gọi động thái của Bình Nhưỡng là hành vi "xâm phạm lãnh thổ", trong khi Mỹ chỉ trích đây là hành động "liều lĩnh".
AFP đưa tin số tên lửa Triều Tiên phóng trong 24 giờ qua đã nhiều hơn những tên lửa được Bình Nhưỡng phóng trong cả năm 2017, một năm được mô tả là "lửa và giận dữ" khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un căng thẳng với cựu tổng thống Mỹ Donald Trump. Sau thời gian vài năm ít căng thẳng, "Triều Tiên phóng tên lửa" quay lại thành cụm từ khóa nổi bật trong suốt thời gian gần đây. Điều này đặt ra dấu hỏi về việc tại sao Bình Nhưỡng gia tăng số lượng thử nghiệm vũ khí, thậm chí nhiều khả năng sẽ thử nghiệm hạt nhân.
AFP dẫn lời các chuyên gia cho rằng cuộc tập trận đang diễn ra giữa Mỹ và Hàn Quốc là nguyên cớ cho phản ứng mạnh bất thường của Triều Tiên. Hàn Quốc và Mỹ hiện đang tiến hành cuộc tập trận không quân chung mang tên "Vigilant Storm" kéo dài trong 5 ngày (từ 31-10 đến ngày 4-11), huy động 240 máy bay chiến đấu tàng hình F-35A và F-35B. Bên cạnh đó, quân đội Mỹ cũng triển khai tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Los Angeles Key West (SSN-722, lớp 6.000 tấn) đến cảng Busan (Hàn Quốc).
Kêu gọi kiềm chế
Trước những diễn biến này, Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Cho Hyun-dong và người đồng cấp Mỹ Wendy Sherman đã có cuộc điện đàm, trong đó bày tỏ quan ngại về các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Trước đó, trong cuộc họp với các quan chức Hội đồng Quan hệ đối ngoại trong khuôn khổ đối thoại thường niên cấp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ-Hàn Quốc tại Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Lee Jong-sup một lần nữa khẳng định Seoul và Washington sẽ có phản ứng thích hợp với các hành động của Triều Tiên. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi Triều Tiên kiềm chế và quay lại bàn đàm phán về vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Điện Kremlin cho biết tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang rất căng thẳng và Chính phủ Nga kêu gọi các bên giữ bình tĩnh. Theo hãng tin Tass, phát biểu trước báo giới hôm 2-11, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: "Chúng tôi tin rằng tất cả các bên nên tránh bất kỳ bước đi nào có thể làm leo thang căng thẳng hơn nữa. Tình hình vốn đã rất căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên".
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết Bắc Kinh đang theo sát tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Ông nói việc duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên cũng như việc giải quyết các quan ngại của nhau một cách cân bằng thông qua đối thoại và tham vấn sẽ phục vụ lợi ích chung của khu vực. "Chúng tôi hy vọng các bên liên quan sẽ bám sát phương hướng tìm kiếm giải pháp chính trị, thỏa hiệp và tránh vòng xoáy leo thang" - ông Triệu nói trước báo giới.
AN BÌNH