Cảnh báo mất an toàn giao thông trên đèo Hải Vân
Năm 2005, sau khi khánh thành đưa vào sử dụng hầm đường bộ đèo Hải Vân, tình trạng TNGT ở khu vực này giảm đáng kể. Đường đèo chỉ dành cho xe du lịch, xe chở chất dễ cháy, gia súc, gia cầm... Tuy nhiên, sức hấp dẫn về cảnh đẹp của "Thiên hạ đệ nhất hùng quan" đã thu hút rất đông du khách và gần đây lượng xe chở khách du lịch tập trung nhiều trên đèo đang báo động về nguy cơ mất ATGT. Chưa đầy 2 tháng từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2019, liên tiếp xảy ra 3 vụ TNGT trên đèo đã cảnh báo về nguy cơ mất ATGT tại đây. Ngày 20-12-2018, xe bồn biển số Hà Tĩnh do lái xe Nguyễn Khanh điều khiển đi từ Huế vào Đà Nẵng va chạm với xe bồn chạy ngược chiều, phụ xe nhảy ra ngoài còn lái xe Khanh không thoát được đã tử nạn, xe lăn xuống vực bốc cháy. Cảnh sát PCCC CATP Đà Nẵng phải điều động 10 xe chữa cháy đến dập lửa. Tiếp đó, trưa ngày 8-1-2019, đoàn sinh viên trường Cao Đẳng Kiên Giang đi 2 xe du lịch từ Đà Nẵng ra Huế đã đi đường đèo. Đến Km số 7 gần đỉnh đèo, xe đi đầu mất lái lao xuống vực làm 22 người bị thương, trong đó một sinh viên nữ tử vong. Sau đó 2 ngày, trưa 10-1-2019, vụ TNGT thứ 3 xảy ra tại km 912+600 giữa ô-tô chở khách du lịch Đà Nẵng và xe bồn biển số Quảng Nam, rất may không thương vong về người... Trung tá Nguyễn Ngọc Rạng, Trạm trưởng Trạm CSGT Hòa Hiệp cho biết, đèo Hải Vân địa thế rất hiểm trở với nhiều đoạn đường hẹp, quanh co, khúc cua gấp, che khuất tầm nhìn đòi hỏi lái xe phải có kinh nghiệm. Nhiều lái xe không quen đi đèo khi lên dốc để số lớn hoặc xuống dốc phanh liên tục sẽ hỏng phanh dễ gây tai nạn...
Tình trạng xe khách, xe ô-tô, xe máy chạy lộn xộn không theo luật lệ nào. |
Có mặt trên đỉnh đèo Hải Vân ngày 16-3, chúng tôi ghi nhận tình trạng xe chở khách du lịch đỗ ngay giữa đường, ngược chiều, đỗ ở bất kì chỗ trống nào... khiến xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ. Đỉnh đèo với diện tích hạn chế lại có hai khúc hai đầu, bên dưới là vực sâu, chỉ cần ô-tô mất phanh, mất lái sẽ xảy ra tai nạn dây chuyền hết sức nguy hiểm... Từ khi Hải Vân Quan được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia vào năm 2017, lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến đây tăng nhanh khiến khu vực đỉnh đèo chịu áp lực lớn về trật tự ATGT. Trong năm 2018 đã có hơn 345.000 lượt khách du lịch đến tham quan vì đây là nơi dừng chân thú vị, điểm du lịch hấp dẫn, đầy hứa hẹn trong tour du lịch từ Đà Nẵng ra Huế và ngược lại... Ông Bùi Văn Thành, tài xế xe du lịch Đà Nẵng cho biết, từ đầu năm đến nay tại Đà Nẵng và TT-Huế, lượng khách du lịch trong và ngoài nước tăng mạnh. Hầu hết các tour khách đều yêu cầu lên Di tích Hải Vân Quan nên giao thông tại đây quá tải, không có chỗ đỗ nên nhiều xe đỗ liều giữa đường. Ông Dương Quang Hiển, chủ xe du lịch TP Huế bức xúc: từ Tết đến nay ông chạy 6-7 tour chở khách vào Đà Nẵng thì 4 tour bị tắc đường phải nằm lại nhiều giờ trên đèo. Những đoàn xe nối nhau nằm cách đỉnh đèo gần 2km phải chèn chống vì xe đang lên dốc nên dễ mất ATGT, gây nguy hiểm đến tính mạng du khách.
Xe ô-tô khách BKS 75B-010.19 đỗ ngay giữa đường. |
Theo dự kiến, Dự án quy hoạch tổng thể Di tích Hải Vân Quan sẽ triển khai vào năm 2020, trong đó bao gồm việc xây dựng bãi đỗ xe, nhà vệ sinh phục vụ du khách. Nhưng trong lúc chờ Dự án triển khai thì nguy cơ mất ATGT đang trong tình trạng đáng báo động. Lực lượng bảo vệ ở đây chỉ giữ gìn ANTT, không có chức năng xử lý về ATGT nên việc xe chở khách du lịch đậu đỗ tùy tiện, lấn chiếm đường đèo thực sự gây nguy hiểm cho du khách và các phương tiện giao thông. Để khu di tích là điểm đến ngày càng hấp dẫn với du khách, đề nghị lực lượng chức năng TP Đà Nẵng và tỉnh TT-Huế cần sớm phối hợp, chấn chỉnh tình trạng này. Việc đảm bảo ANTT, ATGT cho du khách, phương tiện giao thông tại đây sẽ góp phần rất lớn trong việc khai thác hiệu quả giá trị lịch sử văn hóa của di tích Hải Vân Quan, để "Thiên hạ đệ nhất hùng quan" thực sự là điểm gắn kết du lịch giữa hai địa phương, là biểu tượng của sự đoàn kết, hợp tác giữa TP Đà Nẵng và TT-Huế.
Bài, ảnh: HIỀN MINH