Cảnh báo nhiều thủ đoạn lừa đảo
Ngày 5-12, Cơ quan CSĐT CATP Đà Nẵng thông báo đến người dân tình trạng lừa đảo qua mạng xã hội. Hình thức lừa đảo này mới rộ trong thời gian gần đây sau thủ đoạn giả danh công an. Trước đó, Giám đốc CATP Đà Nẵng cũng đã có văn bản gửi các đơn vị liên quan thông báo cho người dân, tổ chức biết và cảnh giác về thủ đoạn của các đối tượng giả danh cán bộ điều tra của CATP Đà Nẵng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
![]() |
Lệnh bắt giả được các đối tượng lừa đảo làm ra để “bồi” thêm nỗi sợ của nạn nhân trong vụ lừa 1 tỷ tại Đà Nẵng vào tháng 4-2018. |
Lừa qua mạng xã hội
Theo CATP Đà Nẵng thời gian gần đây đã nhận được nhiều tin báo, tố giác về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội với số tiền thiệt hại rất lớn, do các đối tượng người Việt Nam, nhiều trường hợp có khả năng là người nước ngoài thực hiện. Phương thức, thủ đoạn chính là thông qua mạng xã hội như: zalo, facebook, skype..., các đối tượng làm quen và kết bạn với nạn nhân, sau đó tự giới thiệu là kỹ sư, quân nhân... và tâm sự chuyện riêng tư nhằm tạo niềm tin. Có nhiều trường hợp, sau khi đồng ý kết bạn, chủ trang facebook được hứa hẹn tặng quà, thậm chí được “cầu hôn”, bảo lãnh đi nước ngoài hoặc ngỏ ý giúp đỡ tạo điều kiện để kinh doanh làm ăn, tìm kiếm cơ hội đổi đời.
Sau khi nạn nhân tin tưởng, các đối tượng thông báo đang chuẩn bị chuyển tiền hoặc đồ vật có giá trị từ nước ngoài về Việt Nam. Tuy nhiên, sau động thái này, đối tượng lừa đảo sẽ cho người đóng giả làm nhân viên hải quan, thuế hoặc công an... gọi điện thông báo với “đối tác” là thùng quà biếu bị tạm giữ khi về đến sân bay, bến cảng đồng thời gợi ý “lót đường”, “bôi trơn” để làm thủ tục nhận. Khi biết cá đã cắn câu, các đối tượng cung cấp số tài khoản để các nạn nhân yêu cầu chuyển tiền rồi chiếm đoạt và cắt liên lạc. Có nạn nhân cả tin đã mất hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng.
Theo Cơ quan CSĐT CATP Đà Nẵng, phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội tuy không mới nhưng vẫn có rất nhiều nạn nhân nhẹ dạ, cả tin bị lừa đảo. Chính vì vậy, người dân cần cảnh giác, không nên tin tưởng và liên lạc, giao tiếp kết bạn với người lạ qua mạng xã hội. Khi không xác minh được thông tin rõ ràng, người dân không nên cung cấp số điện thoại, số tài khoản ngân hàng của mình cho các đối tượng lạ. Đặc biệt, tuyệt đối không chuyển tiền dưới bất cứ hình thức nào khi bị các đối tượng giả danh là cán bộ hải quan, thuế, công an... yêu cầu. Nếu đã chuyển thì nhanh chóng liên hệ ngay ngân hàng phong tỏa số tiền đã chuyển.
Đến giả danh Công an
Cũng trong thời gian qua, CATP Đà Nẵng liên tiếp nhận được hàng chục cuộc điện thoại của người dân từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Ninh Bình... phản ánh về việc có một số người xưng danh là cán bộ điều tra, đang công tác tại các phòng ban nghiệp vụ của CATP Đà Nẵng thông báo là họ có liên quan đến các hoạt động tội phạm.
Một số cái tên tự xưng mà người dân còn ghi nhớ được là Lê Thanh Ngọc, Lê Thanh Tùng, Phạm Tuấn Anh, Lê Thành Nam... gọi đến bằng số điện thoại giống như của CATP Đà Nẵng yêu cầu phải chuyển tiền vào tài khoản để xử lý các vụ việc liên quan đến pháp luật. Ngoài ra, những đối tượng này còn thông báo cho người dân có một bưu phẩm nhưng gửi không thành công và yêu cầu làm việc với tổng đài để nắm rõ sự tình. Tuy nhiên khi kết nối với tổng đài thì có người xưng là người của tòa án, công an đang xác minh dấu hiệu tội phạm liên quan đến bưu phẩm và dọa nạt, yêu cầu phải chuyển tiền. Tổng hợp thông tin trình báo của người dân, cơ quan công an xác định đến hiện tại đã có 2 trường hợp thực hiện chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo bằng thủ đoạn này.
Trao đổi với chúng tôi, một điều tra viên thuộc Đội Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao (Phòng Cảnh sát Kinh tế CATP Đà Nẵng) cho biết, đến thời điểm hiện tại đã có hơn 20 người trình báo là nạn nhân của các vụ lừa đảo kiểu này. Thủ đoạn lừa đảo được thực hiện tinh vi, chuyên nghiệp và có tính liên hoàn để đánh vào tâm lý lo lắng, sợ liên lụy của các nạn nhân. Ban đầu, chúng đóng giả là nhân viên bưu điện để liên hệ qua số máy bàn của nạn nhân, thông báo về việc họ nợ cước điện thoại, có bưu phẩm hoặc nợ tiền ngân hàng với mục đích lấy số điện thoại di động, thông tin cá nhân. Nếu bị hại không tin hoặc bán tín bán nghi, thì các “nhân viên bưu điện” sẽ chuyển cuộc gọi để họ nói chuyện với cơ quan “công an”. Khi đang phân vân thì nạn nhân sẽ nhận được điện thoại của người giả danh công an gọi đến để thông báo về việc đang xác minh thông tin về việc số tài khoản ngân hàng của người này đã nhận tiền từ tội phạm, hoặc người buôn bán ma túy chuyển vào. Để chứng minh mình trong sạch, vô can thì nạn nhân phải thực hiện chuyển hết tiền trong các tài khoản mình đang có qua một tài khoản của “công an” để xác minh. Một số nạn nhân thiếu bình tĩnh, lo sợ liên quan đến pháp luật đã thực hiện chuyển tiền và mất trắng.
Theo các lực lượng nghiệp vụ thuộc CATP Đà Nẵng, nhóm lừa đảo đã sử dụng công nghệ cao cài đặt số điện thoại ảo. Khi gọi cho cho các nạn nhân, trên điện thoại di động sẽ hiển thị số trực ban CATP Đà Nẵng. Nếu người dân lên mạng tra số thì sẽ thấy đúng. Điều này khiến nhiều người tin cuộc gọi đó là của công an. Với những thủ thuật về công nghệ, các đối tượng đã thực hiện gọi đi bằng số ảo, nhưng người nhận và gọi lại thì số này hoàn toàn trùng khớp với số của CATP Đà Nẵng. Nhóm này còn tạo hiện trường giả khi nói chuyện điện thoại với các nạn nhân bằng tiếng bộ đàm, tiếp nhận thông tin, giải quyết công việc xung quanh giống như trong hoàn cảnh thật. Trong số hàng chục người bị lừa, phần lớn đã gọi điện đến cơ quan công an tìm hiểu, xác minh và biết đó là hành vi lừa đảo nên không chuyển tiền. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại đã có 2 nạn nhân sập bẫy lừa và bị mất tiền.
Đại tá Nguyễn Đức Dũng- Trưởng phòng Tham mưu CATP Đà Nẵng cho biết, thủ đoạn sử dụng công nghệ mạng điện thoại để lừa đảo đang diễn ra rất phức tạp trong thời gian qua tại nhiều tỉnh thành trên các nước. Liên quan đến địa bàn Đà Nẵng, Giám đốc Công an thành phố đã giao lực lượng nghiệp vụ vào cuộc điều tra.
“Chúng tôi khẳng định những cái tên xưng danh để lừa đảo không phải là người của CATP Đà Nẵng. Người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác và tỉnh táo với các thủ đoạn như thế này. Tuyệt đối không chuyển tiền hay cung cấp thông tin cá nhân cho đối tượng mà cần nhanh chóng liên hệ với Đội Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao (Phòng Cảnh sát kinh tế CATP Đà Nẵng) theo số điện thoại 0694260260 để phối hợp xử lý”, Đại tá Dũng khuyến cáo.
ĐÔNG A