Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo giả mạo các công ty công nghệ, chương trình khuyến mãi
Lợi dụng tiện ích của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, các đối tượng tội phạm mạng liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn tinh vi để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó có thủ đoạn giả danh các công ty công nghệ, chương trình khuyến mãi để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Các đối tượng lập các trang Facebook để đăng tải các bài viết về dạy cách làm giàu, đầu tư chứng khoán, đăng tải các thông tin tài chính, mở hội nghị, hội thảo “ảo” để thu hút người đọc. Sau đó, các đối tượng giả danh các công ty công nghệ như Nvidia, Apple, Microsoft, Meta, Amazon.com, VINFAST, Tesla… để chạy chương trình quảng cáo đầu tư cổ phiếu, mua sắm được khuyến mãi với nội dung hấp dẫn như: “Mua xe VINFAST nhận 10 cổ phiếu giá 0 đồng”; “Nhận ngay 10 - 50 cổ phiếu VINFAST khi đăng ký mở tài khoản đầu tư”; “Tặng 10 cổ phiếu Apple khi mở tài khoản chứng khoán – hoàn toàn miễn phí”...
Khi người đọc quan tâm, muốn nhận thông tin và đầu tư, các đối tượng gắn kèm theo một hộp thoại tự động bật lên khi người dùng mở trình duyệt hoặc truy cập vào một website để người đọc có thể nhấp vào cung cấp thông tin địa chỉ email, số điện thoại đang dùng để các đối tượng có thể liên lạc, hướng dẫn.
Khi có địa chỉ email, số điện thoại của người dùng, các đối tượng thường sử dụng các Sim “rác”, số điện thoại 11 số để gọi điện thoại cho bị hại, tư vấn theo kịch bản chuẩn bị sẵn, hướng dẫn bị hại truy cập các trang website giả mạo các công ty công nghệ, đăng ký mở tài khoản người dùng trên website, nạp tiền vào tài khoản ngân hàng để quy đổi ra tiền “ảo” trên website và một số đối tượng lừa đảo hướng dẫn nạn nhân cài đặt các phần mềm độc hại để điều khiển điện thoại nạn nhân, thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Để chiếm được lòng tin của bị hại, các đối tượng dẫn “dụ” nạn nhân vào các nhóm lập trên ứng dụng Zalo, Telegram… với nhiều tài khoản ảo tham gia, đóng nhiều vai khác nhau, cung cấp các thông tin trúng thưởng, giao dịch cổ phiếu thành công, tài khoản ngân hàng nhận được số tiền lớn nhờ giao dịch “khớp lệnh”… để nạn nhân tin tưởng, nạp nhiều tiền đầu tư. Khi nạn nhân muốn rút tiền, các đối tượng lấy nhiều lý do để không cho nạn nhân rút tiền như: đóng các khoản phí đầu tư, thuế thu nhập đặc biệt, nội dung chuyển khoản không đúng và yêu cầu nạn nhân nạp thêm tiền vào tài khoản để hoàn tất… nhưng thực ra là để chiếm đoạt thêm số tiền của nạn nhân.
Để không bị mắc bẫy lừa đảo trên không gian mạng, cơ quan Công an khuyến cáo người dân thận trọng với các lời mời chào đầu tư “việc nhẹ lương cao”, “thao tác đơn giản” thu lợi nhuận cao. Khi có nhu cầu đầu tư cần tìm hiểu thông tin đầu tư từ các nguồn chính thống, không thông qua các kênh trung gian để tránh bị các đối tượng xấu chiếm đoạt tài sản;không bật chế độ cài đặt các ứng dụng từ nguồn không xác định trên điện thoại di động hoặc cài đặt các ứng dụng, phần mềm không rõ nguồn gốc có nguy cơ mất an toàn thông tin. Tuyệt đối không cấp quyền truy cập vào danh bạ, tin nhắn, định vị, thư mục ảnh cho các ứng dụng lạ, không chính thống.
T.H