"Cánh cửa khép hờ" - bất ngờ với vở cải lương về đề tài giả tưởng

Thứ năm, 05/09/2024 10:20

Nhà hát Cải lương Việt Nam vừa gây bất ngờ với khán giả bởi những thử nghiệm táo bạo, khi đưa đề tài về công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo lên sân khấu cải lương, thông qua vở cải lương giả tưởng "Cánh cửa khép hờ". Vở diễn do Tiến sĩ, NSND Triệu Trung Kiên và tác giả Hoàng Song Việt đồng tác giả. NSND Triệu Trung Kiên đạo diễn, với sự tham gia của các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam.

Một cảnh trong vở diễn.
Một cảnh trong vở diễn.

"Cánh cửa khép hờ" kể câu chuyện về cặp vợ chồng doanh nhân Phạm Thắng (diễn viên Minh Hải đóng) và Thanh Huyền (diễn viên Như Quỳnh đóng) đã ba lần sinh con, đều không nuôi được. Phần vì thương vợ, phần vì toan tính muốn có một người con thông minh để lãnh đạo tập đoàn trong tương lai, doanh nhân Phạm Thắng đã đồng ý với ý tưởng "điên khùng" của vị giáo sư Ái (diễn viên Cù Đức Hảo) để cho ra đời một đứa trẻ biến đổi gen, có trí thông minh và năng lực siêu phàm. Như mong muốn, Phạm Tân Kỷ Nguyên - đứa trẻ là sản phẩm của công nghệ biến đổi gen ra đời, lớn lên trở thành một "siêu nhân", ngoài 20 tuổi đã có bằng tiến sĩ vật lý lượng tử, cùng nhiều nghiên cứu khoa học gây chấn động. Đặc biệt, Kỷ Nguyên đã thành công với việc cấy máy móc điện tử vào não của bà Dịu (diễn viên Nguyễn Thị Hà), một người đã hơn 80 tuổi, là dì ruột của ông Thắng, biến một người bị mất trí, bại liệt thành một Cyborg (người lai cơ khí). Nhờ máy móc, công nghệ AI, bà Dịu trở thành một người có trí thông minh siêu phàm và cả năng lực tâm linh, bà tồn tại như một Á thần.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi gen, Kỷ Nguyên dần bộc lộ những tính cách cực đoan, bất chấp hậu quả thực hiện nhiều thí nghiệm phức tạp. Trong quá trình thực hiện dự án dịch chuyển đến hành tinh khác, Kỷ Nguyên đã mở ra cánh cửa xuyên thời gian, không gian, phá vỡ các kết cấu bền vững của vũ trụ, gây ra hàng loạt hệ lụy, đẩy loài người phải đối mặt với những thảm họa khó lường, phải trả giá bằng nỗi đau, bi kịch…

Nhận ra sự bất thường trong con người của Kỷ Nguyên, bà Dịu đã tìm mọi cách ngăn cản, khuyên can Kỷ Nguyên từ bỏ dự án. Một cuộc va đập quyết liệt đã xảy ra giữa hai quan điểm trái ngược về nhân sinh, giữa đúng - sai, thiện - ác… Vở diễn khép lại với cái kết bi kịch, ông Thắng phải trả giá cho những toan tính - mất đi cả vợ lẫn con. Bà Dịu - người lai cơ khí cũng chấp nhận hy sinh thân mình để cứu vũ trụ… Tuy nhiên, cái kết bi kịch ấy đã làm cho người xem nhận ra được giá trị của cuộc sống con người, đó là sự an lành, hạnh phúc…

Với cách dẫn dắt câu chuyện mạch lạc, chặt chẽ, chuyển thể cải lương mượt mà, dàn dựng chắc tay, vở diễn đã để lại ấn tượng mạnh với khán giả…

Vở diễn vừa là thách thức nhưng đồng thời cũng là một "phép thử" với sức chuyển tải của sân khấu cải lương trong nỗ lực tiếp cận, đa dạng tầng lớp công chúng. Thông qua vở diễn, các nghệ sĩ cải lương của Nhà hát đã khẳng định được sức hấp dẫn của nghệ thuật cải lương khi khai thác mảng đề tài mới, làm phong phú món ăn tinh thần, hướng tới tiếp cận nhiều hơn các nhóm đối tượng khán giả.

Phương Hà-B.T