Cảnh giác nạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội

Thứ hai, 20/07/2020 10:08

Thời gian gần đây, CAP Tân Chính (Q. Thanh Khê, Đà Nẵng) liên tục nhận được trình báo của người dân bị một số đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng xã hội. Mặc dù thủ đoạn lừa đảo không mới nhưng vẫn có nhiều người mất cảnh giác nên trở thành nạn nhân của những đối tượng lừa đảo.

Công an tuyên truyền phòng chống tội phạm công nghệ cao cho người dân.

Theo CAP Tân Chính, chiều 29-4-2020, anh V.Q.Đ (1989, trú Q. Thanh Khê) đến CAP trình báo về việc bị một người lạ thông qua tài khoản trên mạng xã hội Telegram nói chuyện và nhờ anh chuyển số tiền 33.500.000 đồng vào tài khoản số 19022949446012, tên Nguyễn Thị Quỳnh Mai. Cứ đinh ninh đây là tài khoản của người quen nên anh V.Q.Đ vui vẻ nhận lời mà không hề gọi điện thoại xác minh. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền xong thì tài khoản Telegram trên đã xóa toàn bộ tin nhắn và không thể liên lạc được. Anh Đ. nghi ngờ nên đã liên hệ với người quen thì người này không biết việc trên đến lúc này anh Đ. mới vỡ lẽ bị lừa đảo.

Một vụ việc điển hình khác, vào lúc 13 giờ 30 ngày 26-5-2020, chị N.T.K.V (1981, trú P. Tân Chính, Q. Thanh Khê) nhận  cuộc gọi từ số thuê bao 80019054374 nói chị có 1 thẻ tín dụng nợ số tiền 36.709.000 đồng vào ngày 10-1. Sau đó đối tượng chuyển máy cho chị V. nói chuyện với một người xưng tên Đinh Quốc Bảo và tự xưng là  cán bộ CATP HCM. Đinh Quốc Bảo thông báo chị V. đã dùng số tiền trên kết hợp với đối tượng Nguyễn Văn Long để buôn bán trái phép chất ma túy và yêu cầu chi V. vào TPHCM để phục vụ điều tra. Chị V. từ chối không đi thì người này tiếp tục chuyển máy cho một người tự xưng là Nguyễn Hoàng Minh (trưởng Phòng CSHS CATP HCM) và gửi “Lệnh triệu tập” và “Lệnh bắt giữ” qua tin nhắn facebook cho chị V. Tưởng thật, chị V. quá sợ hãi nên đã nhờ Nguyễn Hoàng Minh giải quyết, đối tượng yêu cầu chị V. chuyển tiền để làm tin, nếu điều tra không có liên quan sẽ trả lại.

Công an TP Đà Nẵng bắt một đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội.

Trước một kịch bản đầy tinh vi của các đối tượng lừa đảo, 16 giờ cùng ngày, chị V. đã rút 307.000.000 đồng tiền tiết kiệm và chuyển vào tài khoản số 50210000228411, tên Nguyễn Khắc Dương. Sau đó 15 phút, Nguyễn Hoàng Minh gọi điện yêu cầu chị V. tiếp tục chuyển tiền nên chị V. tiếp tục chuyển khoản 60.000.000 đồng vào tài khoản trên. Sau đó, chị V. thấy nghi ngờ và kiểm tra tin nhắn thì đã bị đối tượng thu hồi, liên lạc lại không được. Chị V. biết mình bị lừa đảo và số tiền tích cóp của gia đình “không cánh mà bay”.

Ngoài những phương thức và thủ đoạn như trên, lợi dụng tâm lý cả tin, mất cảnh giác của người dân, bọn tội phạm còn lập chương trình khuyến mãi ảo, mạo danh nhà mạng lừa đảo trúng thưởng. Cũng có những trường hợp các đối tượng lừa đảo đóng giả là kỹ sư, bác sĩ, quân nhân Mỹ và đưa các hình ảnh giới thiệu là thương gia đang sinh sống tại Anh, Mỹ hoặc quân nhân đang chiến đấu tại Afghanistan, Syria. Các đối tượng lân la làm quen, kết bạn, hứa hẹn kết hôn và bảo lãnh đi nước ngoài, ngỏ ý gửi tặng quà có giá trị lớn, trong đó có nhiều tiền, vàng để mua nhà tại Việt Nam, làm từ thiện. Tiếp đó, chúng sẽ cho người đóng giả là nhân viên giao nhận hàng, Hải quan, Thuế, Cảng Hàng không gọi điện thông báo cho người bị hại có quà tặng từ nước ngoài gửi về và thùng quà tặng bị tạm giữ vì trong đó có nhiều ngoại tệ, hàng hóa có giá trị. Bọn chúng yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản của bọn chúng cung cấp để đóng phí, lệ phí, nộp phạt, lo lót để nhận quà rồi bọn chúng rút ra để chiếm đoạt.

Trung tá Bùi Thanh Tùng – Trưởng CAP Tân Chính khuyến cáo người dân, đối với hành vi giả danh cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án... người dân nên dứt khoát từ chối làm việc qua điện thoại, yêu cầu họ gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập hợp lệ. Cùng với đó, người dân không thực hiện các yêu cầu và hướng dẫn của đối tượng như: bấm phím số trên máy điện thoại, xác minh số điện thoại... tuyệt đối không chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng theo yêu cầu của đối tượng, và báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất.

NGUYỄN LIÊN