Cảnh giác trước những trò nghịch dại của trẻ

Thứ hai, 21/08/2017 09:24

Thời gian gần đây, Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng tiếp nhận nhiều trẻ bị ngạt đường thở do nghịch dại và hóc dị vật đường thở nguy kịch đến tính mạng. Tác nhân gây ngạt đường thở, dị vật đường thở ở trẻ rất đa dạng nhưng trong cuộc sống hằng ngày nhiều phụ huynh vẫn còn lơ là với việc cảnh giác tình trạng này đối với con cái.

Do sự lơ là của người lớn, trong thời gian qua, nhiều trẻ đã gặp những tai nạn nguy kịch do nghịch dại.

Những tai nạn thương tâm

Ngày 18-8, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho biết, đơn vị đang cấp cứu tích cực cho cháu H.T.N.H (6 tuổi, trú Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng) bị ngạt thở do thắt dây nịt vào cổ.  Trước đó, cháu H. được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi trong tình trạng suy hô hấp, ngưng tim, ngưng thở. Theo chị N.L.T.T (37 tuổi, mẹ cháu H.), trong lúc chị cắt tóc cho khách ở cửa tiệm trước nhà thì cháu H. và đứa em 4 tuổi chơi đùa trong nhà. Chị T. không hề biết các cháu lấy dây thắt lưng chơi và quàng vào cổ. Cháu H. bị kim của dây nịt lọt vào lỗ và thít lại dẫn đến ngạt thở, tím tái. Nghe cháu nhỏ khóc nhưng do nghĩ hai con giành đồ chơi với nhau nên chị không để ý. Mấy phút sau, chồng chị T. về phát hiện cháu bị thít dây nịt vào cổ, tím tái nên đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Theo Ths.Bs Trần Long Quân - Khoa Hồi sức Nhi, Bệnh viện Phụ sản – Nhi, khi cháu H. được đưa vào cấp cứu ở Trung tâm y tế Q. Sơn Trà thì đã ngưng tim, ngưng thở, được đặt nội khí quản và chuyển sang Bệnh viện Phụ sản - Nhi. Tại đây, mặc dù cháu bé được các bác sĩ cấp cứu tích cực, đặt nội khí quản, điều trị chống phù não, nhưng do thời gian phát hiện và đưa đi cấp cứu muộn nên đã biến chứng hôn mê độ 3, suy hô hấp độ 2, nhiễm trùng huyết tiêu điểm phổi. Bs Quân cho biết thêm: Hiện tại, cháu H. đang trong tình trạng hôn mê sâu, giãn đồng tử, đang được thở máy. Tiên lượng nặng và khó qua khỏi do mất đáp ứng não, chết não. Đây là trường hợp tai nạn vô cùng đáng tiếc trong số các tai nạn ở trẻ nhỏ dẫn đến ngưng tim, ngưng hô hấp.

Không riêng gì trường hợp cháu H., trong thời gian qua, trước sự lơ là, chủ quan của người lớn và những trò nghịch dại tương tự ở trẻ nhỏ đã dẫn đến nhiều tai nạn đáng tiếc như ngạt nước trên cạn và dưới nước, sặc sữa, sặc thức ăn nhưng không được xử lý đúng cách... Theo Bs Quân, trước đó mấy ngày, BV Phụ sản – Nhi cũng đã tiếp nhận một ca ngạt nước từ H. Duy Xuyên (Quảng Nam) đưa ra cấp cứu. Nạn nhân là cháu bé mới 16 tháng tuổi. Cháu đùa nghịch và chúi đầu vào xô nước. Rất may trường hợp này được hồi sức tích cực và cứu kịp. Nhưng một ca khác cũng do nghịch dại lại không được may mắn như vậy. Đó là trường hợp một cháu bé ở TP Đà Nẵng, chơi đu dây và bị quấn vào cổ thắt lại. Dù được cứu sống thì cháu vẫn bị tổn thương não và biến chứng, do thiếu máu lên não...

Bs Quân khuyến cáo: “Những bậc phụ huynh cần đặc biệt lưu ý khi các cháu bị sặc sữa, sặc thức ăn thì tuyệt đối không được cho tay vào móc trong miệng, phản xạ co thắt lại của cổ họng sẽ khiến tổn thương đường thở. Những trường hợp này phải bồng sấp và vỗ mạnh vào lưng cháu để thức ăn bị hóc theo đường miệng ra ngoài. Một dạng gây ngạt khác cũng nguy hiểm không kém đối với trẻ nhỏ là trò chơi trùm bao ni lông, trùm chăn mền lên đầu, úp gối lên mặt gây ngạt thở. Chúng tôi khuyên phụ huynh nên chủ động, trang bị kỹ năng cho các cháu theo từng độ tuổi, nhận thức. Đặc biệt nên có cảnh báo đến các cháu không chơi, thậm chí tránh xa những sợi dây, chùm dây, những vật nhỏ ở những vị trí gần cổ, mũi, miệng...”.

Dị vật đường thở là tình trạng bệnh lý rất nguy hiểm

Trước đó, bệnh nhi M.A.L.A (12 tháng tuổi, trú TP Hội An, Quảng Nam) vào Bệnh viện Phụ sản – Nhi trong tình trạng khó thở, có cơn ho. Theo người nhà cho biết, trước khi vào viện khoảng 1 tiếng đồng hồ, bé có ăn mãng cầu và trong lúc ăn thì bị ho sặc sụa, tím tái từng cơn. Vào viện, bệnh nhi được khám, chụp phim phổi và theo dõi dị vật đường thở. Sau đó, các bác sỹ đã thực hiện phương pháp nội soi cấp cứu gắp một hạt mãng cầu gây bít hoàn toàn phế quản góc bên phải cho bệnh nhi...

Cách đó 2 tuần, một bệnh nhi 3 tuổi (trú Quảng Nam) bị ngưng thở vì hóc hạt đậu phụng da cá. Theo người nhà, bé ăn đậu phụng da cá với ông ngoại thì xuất hiện triệu chứng ho, khó thở nhưng người nhà không biết, tưởng chỉ là viêm họng bình thường. Sau 3 ngày được uống thuốc tại nhà, bé ngưng thở phải đưa vào cấp cứu tại một bệnh viện ở Quảng Nam nhưng không khỏi nên được chuyển ra Bệnh viện Phụ sản - Nhi. Tại đây, các bác sĩ đã thực hiện phương pháp nội soi gắp ra 3 mảnh đậu phụng trong đường thở của bé. Sau khi được cấp cứu, sức khỏe của cháu bé đã trở lại bình thường. Một trường hợp khác là bé trai 22 tháng tuổi, trú Quảng Ngãi được gia đình đưa đến Bệnh viện Phụ sản - Nhi khám vì thấy cháu khó thở. Theo người nhà thì 10 ngày trước thấy con thường xuyên có những cơn thở khò khè nên đã đưa bé đến một trung tâm y tế huyện khám. Tại đây bé được chẩn đoán viêm phế quản, chỉ định uống kháng sinh. Tuy nhiên, các biểu hiện bệnh vẫn không thuyên giảm, thậm chí còn nặng hơn nên gia đình đành đưa cháu ra Đà Nẵng khám. Vào Bệnh viện Phụ sản – Nhi, cháu bé được chẩn đoán nghi có dị vật đường thở. Các bác sĩ Khoa Hồi sức nhi đã tiến hành nội soi cấp cứu, gắp ra 2 hạt nho, một nằm ở khí quản, một ở phế quản gốc phải. Sau khi gắp dị vật, chứng khò khè khó thở của bệnh nhi mất hoàn toàn.

Các bác sĩ Khoa Hồi sức nhi cho rằng, phụ huynh hãy cẩn thận khi cho trẻ ăn các thực phẩm có hạt dễ gây hóc. Khi trẻ đang cười hoặc khóc thì tuyệt đối không cho trẻ ăn vì đây là thời điểm trẻ dễ bị hóc dị vật nhất. Đồng thời, tránh cho trẻ bỏ vào miệng những đồ chơi. Dị vật vào đường thở có thể gây suy hô hấp nặng, nguy hiểm lập tức đến tính mạng của trẻ; hoặc biến chứng có thể bị lầm tưởng sang các bệnh viêm phổi, viêm họng thông thường, kéo đến tình trạng trẻ bị ngưng thở gây di chứng nghiêm trọng cho não. Nếu nghi ngờ trẻ bị mắc dị vật đường thở, người lớn cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được xử lý kịp thời.

T.DŨNG