Cảnh giác trước thủ đoạn mạo danh cơ quan điều tra để lừa đảo

Thứ bảy, 12/01/2019 20:00

Hành vi mạo danh cán bộ an ninh điều tra (ANĐT) công an hoặc kiểm sát viên cao cấp để trục lợi bất chính là phương thức thủ đoạn lừa đảo mà các cơ quan chức năng đã từng nhiều lần cảnh báo người dân. Mới đây, một công dân ở Hà Nội đã gửi đơn tố cáo đến CATP Đà Nẵng phản ánh về một trường hợp tương tự như nêu trên. Để tránh những hậu quả xảy ra, Giám đốc CATP Đà Nẵng đã chỉ đạo lực lượng ANĐT vào cuộc xác minh, đồng thời có cảnh báo đến người dân để kịp thời ngăn ngừa hành vi phạm pháp.

Giấy triệu tập và lệnh bắt bị can để tạm giam được đối tượng tự xưng là cán bộ ANĐT CATP Đà Nẵng làm giả.

Ngày 4-1, ông Nguyễn Ngọc Quang Anh (trú Thịnh Quang, Q. Đống Đa, Hà Nội) gửi đơn tố cáo đến CATP Đà Nẵng về việc một người xưng là thiếu úy Hoàng Mạnh Hùng, cán bộ ANĐT gọi điện thoại yêu cầu ông Anh phải đến cơ quan an ninh điều tra để làm việc. Ngay sau cuộc điện thoại này, ông Anh nhận được “Giấy triệu tập của cơ quan an ninh điều tra TP Đà Nẵng” do Thượng tá Đặng Ngọc Nguyên- Phó trưởng Phòng An ninh điều tra ký gửi qua zalo với nội dung: “Yêu cầu ông Nguyễn Ngọc Quang Anh có mặt tại Cơ quan an ninh điều tra, CATP Đà Nẵng, số 80-Lê Lợi”. Nội dung ghi trong giấy triệu tập có đề cập: “Từ tháng 2 đến tháng 8-2018, ông (bà) đã sử dụng thẻ BHYT đến Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ TP Đà Nẵng khám 260 lần, lãnh 260 hộp thuốc giảm đau Trapadol. Vì thuốc giảm đau Trapadol có thành phần điều chế chất ma túy tổng hợp, cho nên Công an TP Đà Nẵng nghi ngờ ông (bà) có ý đồ điều chế chất ma túy tổng hợp, nên mới yêu cầu ông (bà) đến trình bày rõ. Nếu ông bà không đến, thì bên phòng BHXH sẽ thông qua pháp luật khấu trừ tất cả các tài khoản ngân hàng dưới tên ông (bà) với số tiền 260 hộp thuốc giảm đau Trapadol là 46.800.000 đồng”.

Thấy sự việc quá khôi hài vì ông Anh không hề tham gia khám và nhận thuốc tại 2 bệnh viện này, nên ông chắc chắn đây là một vụ lừa đảo. Những ngày sau đó, ông Anh tò mò vào zalo của đối tượng thì thấy tên tài khoản zalo là “Hoàng Hùng”, trong đó hình nền là một thiếu úy CA, tuy nhiên không phải mặc đồ an ninh mà là cảnh sát, nên ông Anh càng nghi ngờ hơn. Những ngày sau đó, vị “an ninh điều tra” này liên tục nhắn tin cho ông Anh và đến ngày 5-1, gọi điện yêu cầu ông Anh chuyển vào tài khoản của đối tượng 46 triệu đồng và nói rằng, số tiền sau khi gửi vào chỉ là phong tỏa tạm thời. Nếu sau này CA điều tra, chứng minh ông Anh không dính líu đến vụ thuốc thì ngân hàng sẽ hoàn trả lại. Trong đầu biết rõ đối tượng đang lừa đảo và có thể sẽ lừa với nhiều người khác nữa, nên ông Anh quyết định liên lạc với CATP Đà Nẵng cung cấp thông tin và làm đơn tố cáo để CA vào cuộc, có biện pháp tuyên truyền cảnh tỉnh cho người dân.

Tương tự vụ việc trên, “cán bộ an ninh” có zalo tên “Hoàng Hùng” còn gửi giấy triệu tập đến anh Đỗ Thanh Tuyền (trú tỉnh Tây Ninh). Không chỉ giấy triệu tập, đối tượng còn làm cả “lệnh bắt bị can để tạm giam” đối với anh Tuyền do “kiểm soát viên cao cấp” Lê Đức Xuân- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao TP Đà Nẵng ký. Nội dung lệnh bắt thể hiện: “Bắt giam về tội mở một tài khoản ngân hàng VietcomBank dùng để rửa tiền trốn thuế xuyên quốc gia cho đường dây buôn bán ma túy theo lời khai của một tội phạm là Nguyễn Thành Phúc theo khoản 1, điều 3 và điều 194 Bộ luật Hình sự. Với thời hạn là 90 ngày kể từ 17-12-2018 đến hết ngày 19-3-2019. Phân công CA và VKSND tối cao Đà Nẵng thi hành lệnh này và giải bị can đến TP Đà Nẵng để thụ lý vụ án”. 

Theo Thượng tá Phạm Ngọc Nguyên- Phó trưởng Phòng ANĐT CATP Đà Nẵng, các văn bản triệu tập mà đối tượng lừa đảo gửi cho ông Anh và anh  Tuyền hoàn toàn là giả mạo, cụ thể là đối tượng đã sử dụng công nghệ Scan. “Qua kiểm tra, Cơ quan ANĐT CATP Đà Nẵng” xác định mẫu giấy triệu tập mà đối tượng gửi cho ông Anh qua tài khoản zalo sử dụng con dấu giống mẫu dấu Cơ quan ANĐT CATP Đà Nẵng, tuy nhiên quy trình gửi giấy triệu tập hoàn toàn sai so với quy định pháp luật. Mặt khác, trong quá trình điều tra, cán bộ an ninh tuyệt đối không trao đổi qua mạng xã hội. Thêm nữa, Phòng ANĐT CATP Đà Nẵng cũng chưa bao giờ tiếp nhận giải quyết những vụ việc như trên, nên đây là hành vi lừa đảo, ảnh hưởng xấu đến trật tự xã hội”, Thượng tá Nguyên cho hay.

Cũng theo Thượng tá Nguyên, hình thức đối tượng lừa đảo như vậy và tương tự đã xuất hiện rất nhiều tại các địa phương khác trên cả nước. Để làm cho người nghe tin, chúng sử dụng ngôn ngữ điều tra của công an, sau đó tạo bối cảnh gọi báo Tổng đài của ngành CA để thông tin về vụ việc. Cũng có những vụ việc đối tượng biết rất rõ những vi phạm của người mà chúng liên hệ, như có liên quan đến mua bán ma túy, rửa tiền hoặc vi phạm pháp luật khác để hù dọa. Và khi nắm được tâm lý lo lắng từ người nhận điện thoại, các đối tượng yêu cầu họ tạm thời chuyển ngay một số tiền vào tài khoản của chúng được mạo danh là do cơ quan điều tra ủy quyền để thẩm tra, sau này nếu xác định không có liên quan sẽ hoàn trả lại. Chúng còn đe dọa, nếu không thực hiện sẽ bị bắt giữ, xử lý. Hiện Giám đốc CATP Đà Nẵng đã yêu cầu Phòng ANĐT phối hợp với các cơ quan báo chí thông tin kịp thời về những vụ việc này để cảnh báo người dân nhằm phòng ngừa.

CÔNG HẠNH