Cảnh giác với "ma trận" thực phẩm chức năng, thuốc trôi nổi trên mạng

Thứ ba, 15/08/2023 07:00
Mới đây, vì lý do cá nhân nên một cô gái 19 tuổi ở Hà Nội tự ý mua thuốc phá thai trên mạng để uống và phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch. May mắn được cứu sống nhưng những biến chứng về sau cũng sẽ rất nguy hiểm đối với trường hợp trên. Vụ việc trên lại một lần nữa báo động về “ma trận” thực phẩm chức năng, thuốc tân dược trôi nổi được rao bán trên mạng.
Cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý lô thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc.
Cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý lô thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc.

Thật, giả lẫn lộn

Chỉ cần gõ từ khóa “cà-phê giảm cân” trên Google, các trang quảng cáo đã hiện lên nhan nhản. Cụ thể, một sản phẩm cà-phê giảm cân được nhiều trang giới thiệu có tác dụng: Hỗ trợ giảm cân, giảm mỡ, kiểm soát cân nặng nhanh chóng; giảm cảm giác thèm ăn, giảm hấp thu các chất béo từ bữa ăn đồng thời tăng quá trình đào thải chất béo ra ngoài; tạo năng lượng cho cơ thể; giúp thải độc tố, thanh lọc cơ thể, chống oxy hóa, giúp bảo vệ các tế bào, làm chậm quá trình lão hóa… Sản phẩm này cũng được bán nhiều trên các trang mạng xã hội; một số nhân vật được cho là “hot” trên mạng cũng bán và quảng cáo sản phẩm này một cách chuyên nghiệp với những lời “có cánh”. Tuy nhiên mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) có thông tin cảnh báo về nhiều lô sản phẩm cà-phê giảm cân này có chứa chất cấm là Sibutramin.

Trước đó, Cục An toàn thực phẩm nhận được công văn của Viện Y tế công cộng TP Hồ Chí Minh về sự vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm do sử dụng sản phẩm cà-phê giảm cân có tên G.C. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện các mẫu sản phẩm đang lưu thông trên thị trường có chứa Sibutramin với các mẫu có các ngày sản xuất từ tháng 3-2022 trở đi. Tuy nhiên, khi kiểm tra, làm việc với cơ sở sản xuất sản phẩm này thì cơ sở lại cam kết lô sản phẩm được kiểm tra không phải do cơ sở này sản xuất.

Hay như mới đây, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội tiếp nhận một bệnh nhân nữ (52 tuổi), được phát hiện có khối u tại vú phải, được chỉ định phẫu thuật cách đây 1 năm, nhưng bệnh nhân không nhập viện điều trị, mà nghe lời “thần y” trên mạng, uống thuốc nam và đắp lá. Đến nay, không những bệnh không khỏi mà khối u tăng kích thước, sùi loét, hoại tử, bệnh đã tiến triển giai đoạn 3C, hạch hố nách phải gồm nhiều hạch dính thành chùm. Bệnh nhân gầy mòn, suy kiệt, phải truyền máu và kết hợp xạ trị, hóa chất điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng mới có thể phẫu thuật.

Người dân cần tỉnh táo

Theo PGS. TS Trần Đáng- Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam nhận định: “Thực trạng làm giả, làm nhái, gian lận thương mại trong sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng đã đến mức báo động. Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 17 yêu cầu các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực thực phẩm chức năng. Nguyên nhân là do các bộ, ngành, các địa phương, các lực lượng chức năng chưa nhận thức sâu sắc và đề cao trách nhiệm, vẫn chưa chủ động, quyết liệt trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; có nơi buông lỏng quản lý. Đặc biệt, hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực này vẫn chưa đồng bộ, tính khả thi không cao, chế tài xử lý chưa đủ mạnh, còn thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để quản lý đối với các mặt hàng thực phẩm chức năng, thuốc y học cổ truyền, dược liệu”.

Bà Trần Việt Nga- Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: Các vi phạm tại các website, mạng xã hội đặt máy chủ tại nước ngoài nên khó kiểm soát; khó xác định được chủ thể quảng cáo vi phạm. Việc tạo các clip, video sử dụng hình ảnh các cơ sở y tế, bác sỹ, hình ảnh các kênh truyền hình… để quảng cáo thực phẩm như thuốc chữa bệnh hiện nay rất dễ dàng. Đặc biệt, chiêu trò các đối tượng thuê địa điểm, tổ chức đào tạo nhân viên gọi điện thoại, tư vấn, giả danh bác sỹ, dược sỹ tư vấn bệnh, dọa dẫm khách hàng để tư vấn liệu trình điều trị bệnh, thực tế là bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe... vẫn xảy ra. Thậm chí trên giao diện một số báo điện tử cũng đăng tải hình ảnh sản phẩm, đường link dẫn website quảng cáo sản phẩm vi phạm…

Để ngăn chặn tình trạng này, Bộ Y tế đã đề xuất các Bộ, ngành liên quan siết chặt việc cấp giấy phép kinh doanh; tăng cường quản lý các sàn giao dịch thương mại điện tử, các công ty bán hàng đa cấp, xử lý và công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm; tuyên truyền pháp luật về quảng cáo, kiểm tra xử lý nghiêm các chủ tên miền quảng cáo vi phạm... trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm chức năng.Đặc biệt tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người tiêu dùng; không tự ý mua thực phẩm chức năng không qua tư vấn của cơ quan, đơn vị có chuyên môn; mua theo trào lưu hoặc mua trên mạng. Người tiêu dùng phát hiện thực phẩm chức năng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, kém chất lượng cần phản ánh đến cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.

N.T