Cảnh giác với thủ đoạn giả danh shipper

Thứ ba, 23/07/2024 07:49

Thời gian qua, cơ quan Công an cũng như các cơ quan thông tin đại chúng liên tục đăng tải các thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo. Trong đó nổi lên là tình trạng giả danh cán bộ cơ quan pháp luật để hù dọa; dụ dỗ hoặc dùng nhiều thủ đoạn khác để nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng… nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Mặc dù thủ đoạn không mới nhưng chỉ cần mất cảnh giác là người dân tự biến mình trở thành "con mồi"… Dưới đây, xin được đăng câu chuyện của chị N. (trú TX Điện Bàn, Quảng Nam) để bạn đọc gần xa cảnh giác.

Người mua hàng trên các trang thương mại điện tử cần cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo “giao nhầm hàng”. Ảnh có tính chất minh họa.
Người mua hàng trên các trang thương mại điện tử cần cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo “giao nhầm hàng”. Ảnh có tính chất minh họa.

Theo chị N., chị vẫn hay đặt mua hàng trên các trang thương mại điện tử, như: Tiktok, shoppee... Sáng 9-7-2024, có 1 người nói giọng Bắc gọi điện cho chị N., để thông báo: “Em đang ở Điện An, chị ở đâu để em đến giao hàng”. Tuy nhiên, do nơi làm việc và nơi nhận hàng cách xa nhau nên khi có thông tin giao hàng, chị N. thường thanh toán ngay bằng hình thức chuyển khoản. Lần này cũng vậy, thực hiện việc chuyển 151.000 đồng vào tài khoản người giao hàng vừa cung cấp. Thế nhưng, một lát sau người giao hàng nói trên điện thoại lại cho chị N. thông báo: "Chị ơi! Em giao nhầm đơn, đơn hàng đó không phải của chị... Nhờ chị gửi lại số tài khoản để em nhờ công ty chuyển trả lại”.

Trao đổi xong, người này gửi đường link trên tin nhắn số điện thoại có chữ GHTK (giao hàng tiết kiệm). Cứ thế, theo phản xạ, chị N. kích vào đường link vừa được cung cấp mà không phân biệt thật, giả. Đồng thời, người giao hàng điện thoại hướng dẫn các thao tác, yêu cầu chỉ dẫn chia sẻ màn hình trên ứng dụng facebook, gửi 1 đường link mới yêu cầu kích vào lấy mã số của ngân hàng tự chuyển tiền về. Nghe phương pháp thực hiện như cách chuyển khoản bình thường nhưng không ghi số tiền phải chuyển nên chủ quan, cứ thế thực hiện… Khi thực hiện sinh trắc học xong, tiền trong tài khoản cá nhân bị tự mất một ít. Lúc này, đối tượng bên kia điện thoại, bảo: “Chị làm sai rồi, thao tác lại giúp em, lệnh trừ tiền khi nãy sẽ tự động hoàn lại”. Tiếp tục làm theo lời hướng dẫn thì toàn bộ số tiền có trong tài khoản của chị N. cũng đi theo kẻ lừa đảo…

Theo quy định, từ ngày 1-7-2024 muốn thực hiện lệnh giao dịch chuyển tiền từ 10 triệu đồng trở lên và 20 triệu trở lên với nhiều giao dịch trong ngày, các tài khoản phải có sinh trắc học kết nối với căn cước công dân. Cụ thể, người dân phải được ghi nhận hình ảnh gương mặt trùng khớp với căn cước công dân đã được xác thực bởi lực lượng chức năng. Các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng việc thực hiện sinh trắc học phải trải qua nhiều công đoạn, một số người không am hiểu phải thao tác nhiều lần… để giả danh cán bộ ngân hàng, nhân viên công ty… để hướng dẫn. Tuy nhiên, khi thao tác theo hướng dẫn này sẽ để lộ những thông tin cá nhân, như: số tài khoản, số CCCD, mã pin… và tự biến mình trở thành “miếng mồi” cho những đối tượng lừa đảo.

Các chuyên gia khuyến cáo, trong mọi giao dịch bằng hình thức chuyển khoản cần được xác thực một cách rõ ràng, không nên nghe theo bất kỳ hướng dẫn nào của người lạ. Trong trường hợp không thực hiện được việc xác thực sinh trắc học, các chủ tài khoản cần liên hệ với cơ quan chức năng để được những người có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể. Đồng thời, khi phát hiện có những dấu hiệu bất thường phải dừng giao dịch ngay, không tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn để tránh việc sa bẫy của những kẻ lừa đảo.

M.T