Cảnh giác với thực phẩm Tết tràn lan
(Cadn.com.vn) - Gần đến tết, trước nhu cầu tiêu thụ thực phẩm càng nhiều, vấn đề VSATTP càng"nóng". Từ thành thị đến những khu chợ nông thôn tràn ngập thực phẩm, bánh mứt bày bán khiến người tiêu dùng không biết đâu là sản phẩm "sạch" hay "bẩn"...
Bánh kẹo không nhãn mác tràn lan khắp các khu chợ. |
Thực phẩm "ngậm" hóa chất
Để giữ cho thực phẩm được tươi lâu và kéo dài hạn sử dụng có không ít cơ sở chế biến đã sử dụng hóa chất để "tắm trắng" cho sản phẩm. Chỉ cần ra chợ đầu mối, hỏi những người bán phụ gia về chất tẩy trắng thực phẩm và giữ cho thực phẩm có độ dai thì muốn mua bao nhiêu cũng được.
Chị Trần Thị T. (người từng kinh doanh thực phẩm) cho biết: "Chất "tắm trắng" cho sản phẩm là một loại bột màu trắng không nhãn mác có xuất xứ từ Trung Quốc, giá thành rất rẻ nhưng công dụng thì khỏi phải bàn cãi. Chỉ cần cho một ít dung dịch này vào sản phẩm đảm bảo thịt bò khô sẽ có đủ độ dai như ý và tha hồ để được lâu.
Theo tìm hiểu thực tế của PV thì có rất ít cơ sở làm thịt bò khô đúng thịt bò mà hầu hết đều được tái chế từ thịt lợn hoặc thịt bò kém chất lượng. Một tiểu thương bán thịt bò ở chợ Cồn cho biết: "3 ký thịt bò tươi mới làm được ký bò khô, chưa kể gia vị mà giá chỉ 200 nghìn/kg trong khi thịt bò tươi giá 250 nghìn/kg". Giá thành của những loại thức ăn sẵn này vô cùng rẻ.
Mới đây, lực lượng Cảnh sát Môi trường CA Hà Tĩnh và CAH Can Lộc bắt quả tang một ô-tô khách chở 840 kg nội tạng đã bốc mùi. Trước đó, cuối tháng 12-2013, Phòng CS Môi trường (CATP Đà Nẵng) phối hợp với CAP Hòa Minh (Q. Liên Chiểu) kiểm tra xe giường nằm 36 chỗ BKS 43B-00274 do Trần Công Minh (trú H. Phú Lộc, TT-Huế) phát hiện 2 thùng lá sách bò khoảng 400 kg đã bốc mùi hôi thối cất giấu trong xe chờ vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ... Những thực phẩm ôi thiu này sau khi được tập kết về địa điểm chế biến sẽ được "thanh tẩy" và chế biến thành những gói bò khô rồi chở đi tiêu thụ khắp nơi.
Không chỉ có thịt bò, hải sản mới được tắm hóa chất mà cả những loại rau củ quả cũng được ngâm tẩm chất làm tươi. Để kịp cung ứng rau cho thị trường các chủ hộ trồng rau sẵn sàng phun hóa chất để tăng năng suất cho rau. Những loại rau này thường lớn rất nhanh chỉ sau 2,3 ngày gieo là đã có thể mang đi bán. Những loại xà lách, cải này màu rất xanh và đẹp mắt nhưng nếu rửa không sạch thì chất độc vẫn còn dính trên bẹ lá có thể gây ngộ độc.
Để giữ cho hoa quả tươi trong suốt quá trình vận chuyển, các tiểu thương không ngần ngại tẩm ướp hoa quả vào các loại hóa chất. Những quả ổi xanh mướt, những chùm nho mọng nước bắt mắt người mua nhưng đằng sau đó là cả một công nghệ tẩm ướp. Với tính năng "ưu việt" này, các tiểu thương chẳng ngại gì mà không "hô biến" những sản phẩm này để kiếm lời. Chỉ vì lợi ích trước mắt mà những cơ sở này đã không ngần ngại "đầu độc" người tiêu dùng. Thiết nghĩ mâm cơm của những gia đình Việt chưa bao giờ lại bị đe dọa như hiện nay.
Các loại thực phẩm màu không rõ nguồn gốc tràn lan các nơi. |
La liệt bánh kẹo không nguồn gốc
Những ngày này, lượng bánh kẹo từ các nơi đổ về Đà Nẵng rất lớn. Từ những quầy tạp hóa lớn đến những khu chợ quê có đến hàng trăm loại kẹo bánh màu sắc lấp lánh, đa dạng về cả kiểu dáng và mùi vị.
Những loại bánh kẹo này rất hút người mua bởi giá khá "bèo" và mẫu mã đa dạng. Tuy nhiên những hiểm họa đằng sau đó với sức khỏe người tiêu dùng thì không lường trước được. Sôcôla thỏi được bọc trong những lớp giấy bạc đến những viên kẹo dẻo hình trái cây không có bất kỳ nhãn mác nào.
Dạo một vòng quanh các chợ lớn như chợ Hòa Khánh, chợ Cồn... đã xuất hiện những sạp bán bánh kẹo di động với hàng chục loại: kẹo trái cây, kẹo hương vani, mứt các loại và cả các loại hạt sấy khô. Theo quan sát của PV thì những loại kẹo này có giá "mềm" hơn rất nhiều so với bánh kẹo của Bibica hay Kinh Đô.
Cụ thể kẹo dẻo Chip chip của Bibica có giá 12 nghìn/200gr thì cũng với giá tiền ấy có thể mua được nửa ký kẹo dẻo bán rong. Kẹo dẻo không nhãn mác này có màu sắc thẫm hơn và có nhiều hình thù thu hút những "thượng đế" trẻ em. Riêng sôcôla thì ngọt và có màu nâu chứ không đắng nhẫn như sôcôla chính hãng. Các loại bánh kẹo khác có giá dao động từ 30 đến 40 nghìn/ký.
Những tiểu thương trong chợ Cồn cho hay những loại bánh kẹo này được nhập từ Thái Lan, Singapore nhưng do nhập số lượng lớn nên không mất tiền bao bì vì vậy có giá thành rẻ. Tuy nhiên khi P.V ngỏ ý được xem nguyên kiện hàng thì những người bán hàng đều không chịu lấy lý do là bán lẻ chứ không bỏ sỉ. Điều đáng quan tâm là mặc dù trên các phương tiện truyền thông vẫn khuyến cáo người dân về việc chú ý khi mua các sản phẩm không nhãn mác, nguồn gốc nhưng nhiều người vẫn lựa chọn sản phẩm này vì rẻ và dễ mua.
Các hãng bánh kẹo trong nước không nhận được nhiều sự ưu ái của người dân nghèo vì giá thành cao hơn so với hàng nhập. Hãng Kinh Đô tung ra thị trường 4.500 tấn bánh, Bibica là 1.250 tấn bánh và sôcôla các loại. Những hãng bánh kẹo trong nước đầu tư mẫu mã và chất lượng cho dòng sản phẩm chất lượng cao được dùng để làm quà tết là chủ yếu.
Vì vậy bánh kẹo tết ở nông thôn vẫn là thị trường của hàng Trung Quốc. Tâm lý ham rẻ ham nhiều đã tạo điều kiện cho những loại bánh kẹo không rõ nguồn gốc này phát triển rộng khắp. Những hàng hóa này được tiểu thương nhập với số lượng lớn rồi chia nhỏ ra bán, có trường hợp còn tự ý in nhãn mác Việt Nam để đánh lừa khách hàng.
Lực lượng kiểm tra VSATTP chỉ có thể kiểm tra bao bì nhãn mác còn chất lượng của từng sản phẩm như thế nào thì phải đợi đến cơ quan chuyên môn kiểm duyệt vì vậy rất khó trong việc xử phạt.
Sự nhập nhằng giữa cơ quan kiểm định chất lượng sản phẩm và quản lý thị trường là khe hở để những sản phẩm không đảm bảo chất lượng đến tay người tiêu dùng. Phải nói rằng thị trường hàng Việt đang bị thao túng bởi quá nhiều hàng giả, hàng kém chất lượng.
Những sản phẩm 3 không này ngang nhiên dùng thương hiệu Việt để tạo uy tín cho mình mà không chịu bất kỳ sự kiểm định, quản lý nào. Đây là bất cập từ khâu nhập khẩu hàng hóa đến quản lý thị trường, nếu không kịp thời có biện pháp xử lý và ngăn chặn thì hàng Việt vẫn sẽ vô cùng "vất vả" để đến tay người tiêu dùng.
Hà Dung