Cảnh sắc miền Trung trong tranh nữ họa sĩ Toba Mika
Trong khuôn khổ những hoạt động chào mừng Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 9 diễn ra tại TP Đà Nẵng, từ ngày 20-10 đến 12-11, tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng diễn ra triển lãm mỹ thuật với chủ đề "Toba Mika - Việt Nam một thế giới thu nhỏ". Đây là triển lãm do họa sĩ Toba Mika (Nhật Bản) tổ chức, với những tác phẩm do chính bà vẽ về cảnh sắc, con người Việt Nam bằng kỹ thuật Katazome.
Nữ họa sĩ Toba Mika gặp gỡ báo chí tại khai mạc triển lãm. |
Tranh của họa sĩ Toba Mika đa phần lấy cảm hứng từ thiên nhiên, cảnh sắc tại các địa danh trên đất nước Việt Nam, mà bà chọn làm quê hương thứ hai. Lần này, với chủ đề "Một Việt Nam thu nhỏ", triển lãm giới thiệu khoảng 20 tác phẩm nghệ thuật của nữ họa sĩ, đặc biệt trong đó nhiều tác phẩm được khởi nguồn từ những cảm hứng rung động trước vẻ đẹp thiên nhiên tại Đà Nẵng, phố cổ Hội An, Cố đô Huế, Thánh địa Mỹ Sơn như: Lên đường từ Đà Nẵng, Cơn giông, Mỹ Sơn nhiệt tỏa, Buổi sớm ở Huế...
Theo Toba Mika, những hình ảnh này ở Nhật Bản, gần như đã hoàn toàn biến mất do quá trình phát triển, tái thiết đất nước với tốc độ cao. Kỹ thuật vẽ tranh Katazome tồn tại gần 1.000 năm tại Nhật Bản, được thực hiện bằng việc sử dụng những nguyên vật liệu thông thường trong cuộc sống như nhựa cây, hồ gạo, đậu tương bằng 18 công đoạn khác nhau. Nét đặc trưng của Katazome là ở các sắc màu tinh tế, sắc sảo, nhuộm rất sâu vào sợi vải dù thoạt trông rất đơn giản. Katazome cũng được tạo bằng khuôn nhưng từ một loại giấy đặc biệt không thấm nước chứ không phải gỗ. Điểm chung của Katazome là không vẽ hình ảnh con người, tranh tập trung phản ánh những vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước hùng vĩ.
Họa sĩ Toba Mika hiện là giáo sư Đại học Tokyo, Nhật Bản. Từ khi đến thăm Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1994, nữ họa sĩ bắt tay vào sáng tác hàng loạt tác phẩm khổ lớn, phác họa những phong cảnh đang dần mất đi của Việt Nam trong quá trình đô thị hóa. Toba Mika cho biết: "Trước khi đến Việt Nam, cũng giống rất nhiều người Nhật khác, đối với tôi, Việt Nam chỉ có 2 màu trắng và đen. Việt Nam dường như chỉ có chiến tranh mà thôi. Tuy nhiên, khi đặt chân đến Việt Nam, tôi lại có một cảm xúc rất mới lạ. Việt Nam từ một đất nước với màu đỏ đi lên từ chiến tranh đã trở nên rất phong phú, đa sắc màu.
Đặc biệt, đối với tôi, sự hấp dẫn nhất về Việt Nam chính là đời sống của những con người bình dân". Hơn 20 năm qua, Toba Mika đã sáng tác khoảng 120 tác phẩm khổ lớn phác họa phong cảnh nhiều vùng miền của Việt Nam và tổ chức 7 triển lãm tranh ở Việt Nam với nhiều chủ đề từ năm 2001 đến nay. Nhờ những đóng góp của Toba Mika trong việc gìn giữ và kế thừa nghệ thuật tranh nhuộm Katazome, bà đã nhận được 19 giải thưởng như "Gương mặt họa sĩ trẻ thành phố Kyoto", "giải thưởng vì sự phát triển văn hóa đô thị" ở Nhật Bản và được Chính phủ Việt Nam trao tặng Huân chương Công lao văn hóa nhờ những đóng góp cho di sản Việt Nam.
Nữ họa sĩ Toba Mika đang thực hiện tác phẩm bằng kỹ thuật Katazome. |
Bà được giới chuyên môn đánh giá là một họa sĩ có tư duy sâu sắc, có cái nhìn cực kỳ tinh tế, có một bút pháp điêu luyện, sự kiên nhẫn kỳ lạ và trên hết là những cảm nhận tuyệt vời với cuộc sống cũng như phong cảnh của Việt Nam. Chính điều đó đã tạo nên một sắc thái Việt Nam trong hơi thở nghệ thuật Nhật Bản. Chúng trở nên hòa quyện và tương thích đến nỗi không thể nhận ra đâu là văn hóa Nhật, đâu là văn hóa Việt. Qua sắc màu tinh tế, tươi sáng của kỹ thuật Katazome, tranh Toba Mika biến ảo đầy sắc màu thơ mộng với đủ các cung bậc vào phong cảnh và văn hóa Việt.
* Rất ít họa sĩ nước ngoài vẽ ở Việt Nam được chú ý và giới thiệu trên nhiều báo chí như Toba Mika. Đó là một cử chỉ đặc biệt của khán giả Việt Nam, khi họ nhận thấy một người nước ngoài có con mắt rất trìu mến đối với cảnh vật nước mình. Có thể nói tranh của Toba Mika cho chúng ta thấy những mâu thuẫn trong sự đi lên hiện đại và những bất cập của đổi thay trong xã hội kinh tế thị trường, những điều mà nước Nhật đã từng trải qua và chắc chắn có những bài học cay đắng, mà chúng ta chưa từng được nếm. Một lo lắng những cảnh vật đẹp đẽ tự nhiên sẽ mất đi như nước Nhật từng có khi công nghiệp hóa. (Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng) |
Chất thơ ấy vẫn đậm nét và đáng yêu ngay cả khi bà vẽ những khu nhà "ổ chuột" trên kênh nước đen vẫn đầy sắc đỏ, vàng, soi bóng xuống dòng kênh trông vẫn đầy thơ mộng... bởi vì Toba Mika nắm được rất rõ thần thái và hơi thở cuộc sống đặc trưng của con người cũng như phong cảnh Việt Nam. Đây là điều mà ngay chính nhiều người Nhật cũng phải thấy ghen tị khi Toba Mika vẽ Việt Nam còn đẹp hơn vẽ Nhật Bản. Xem tranh Toba Mika, dù không thấy bóng dáng con người trong tranh, người ta vẫn nhận ra cuộc sống luôn diễn ra sôi động hay bình yên... Toba Mika cho rằng, mọi hình ảnh, dù rất bình dị nhưng bà thấy được chính xác nhịp điệu sinh hoạt hàng ngày của con người. Khác với những di sản văn hóa thế giới đã được công nhận ở Việt Nam, cuộc sống đời thường đó vẫn hiển hiện ở những ngóc ngách của đời sống xã hội được Toba Mika đặt tên là "di sản thế giới của riêng tôi" và chúng đi vào trong tranh của bà.
Phát biểu tại khai mạc Triển lãm của họa sĩ Toba Mika tại Đà Nẵng, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio nói: "Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc nếu quý vị đến từ khắp nơi trên thế giới trong dịp Hội nghị APEC và những người bạn Việt Nam có thể thưởng thức sự thay đổi trong cảnh sắc của Việt Nam được phản chiếu qua những tác phẩm sử dụng kỹ thuật nhuộm Katazome của nữ họa sĩ Toba Mika". Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ-người chuyên nghiên cứu kiến trúc cổ truyền Việt Nam chia sẻ: "Tôi sẽ còn xem tranh của Toba Mika tại triển lãm này nhiều lần nữa. Bởi phải là một người rất đam mê và có tâm hồn nhạy cảm, Toba Mika mới bắt được những vẻ đẹp, những niềm hạnh phúc bé nhỏ đằng sau diện mạo của đời sống bình dị. Với bàn tay tài hoa, nữ họa sĩ đã khiến người xem tranh của chị cảm nhận đời sống ở Việt Nam đã thực sự hòa quyện trong tranh Katazome như thế nào".
Còn ông Võ văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm bày tỏ: "Chúng tôi hy vọng rằng những bức tranh bằng kỹ thuật Katazome cổ truyền của Nhật Bản cùng với những tác phẩm điêu khắc Chămpa tại Bảo tàng sẽ mang đến cho du khách cảm xúc thẩm mỹ khó quên và cùng chia sẻ lòng quý trọng dành cho thiên nhiên và các giá trị văn hóa của các dân tộc".
TRẦN TRUNG SÁNG