“Cao thủ” sửa xích lô cuối cùng ở Đà Nẵng

Thứ bảy, 21/01/2023 13:23
Cạnh giao lộ Lê Duẩn - Ông Ích Khiêm, phố chuyên doanh nhộn nhịp của Đà Nẵng, tiệm sửa xích lô của ông Nguyễn Văn Hạ (62 tuổi) nằm sâu trong một con hẻm nhỏ, không có bảng hiệu. Nhiều người gọi ông là “Trung xích lô”, gắn tay nghề sở trường với cái tên thường gọi, không phải bởi bây giờ ông là “cao thủ” cuối cùng của Đà Nẵng còn đủ phụ tùng và ngón nghề để sửa loại phương tiện này, mà nó đã được định danh từ thời cả Đà Nẵng có đến hàng nghìn chiếc vừa chở khách vừa chở hàng.
Với tay nghề thuộc dạng “cao thủ”, ông Hạ thường sửa chữa cho khách với chi phí rẻ, đảm bảo vận hành lâu bền.
Ông Hạ được xem là người thợ sửa xích lô cuối cùng của Đà Nẵng.

Chúng tôi đến vào đúng lúc một người đạp xích lô chở hàng nhễ nhại đưa xe đến cho ông Hạ “bắt bệnh” để báo giá sửa chữa. Chỉ nháy mắt, chiếc xe cồng kềnh được tháo rời bằng các loại phụ tùng chuyên dụng đã qua mấy chục năm hành nghề. Đôi bàn tay thô ráp thao tác nhẹ nhàng như một phản xạ. Thống nhất giá cả thay bố thắng, ông lần bàn tay giữa cả rừng linh kiện và nhanh chóng tìm được đôi bố phanh ưng ý lắp vào. Thêm vài phút kiểm tra hệ thống lò xo và tra thêm dầu mỡ, ông Hạ đứng dậy đẩy mạnh chiếc xe theo quán tính rồi phanh nghe tiếng “kít” cứng ngắc. “Tôi mà nghỉ thì anh em chạy xích lô chở hàng có hư hỏng không biết sửa ở đâu. Tiền công và vật tư đủ ăn sáng, cà phê cho vui. Tôi từng giàu với nghề này mấy chục năm trước, còn giờ làm chỉ để giữ nghề, anh em còn có nơi sửa chữa khi xích lô cả thành phố chỉ còn đếm trên đầu ngón tay”, ông Hạ trò chuyện.

Ở Đà Nẵng bây giờ gần như người đạp xích lô nào có xe bị hỏng thì chỉ còn nơi duy nhất để sửa là ông Hạ.

Người đàn ông đã qua lục tuần, có gần nửa thế kỷ chỉ làm độc nhất nghề sửa xích lô cho biết, nhiều người nghĩ đây là công việc đơn giản, chủ yếu lao động chân tay. Nhưng thực tế thì bao nhiêu người đã phải đổi sinh kế vì không kham nổi, hoặc mất khách vì chữa lành thành què, hoặc sửa trước hỏng sau. Có sức khỏe thôi chưa đủ, sự kiên nhẫn, chỉn chu, hiểu biết về loại phương tiện đặc thù này và thực sự thấu hiểu công việc của người đạp xích lô mới có thể “nhất nghệ tinh”. Qua nhiều năm làm nghề, ngoài những vật tư, phụ tùng buộc phải đặt mua, ông Hạ tự chế bộ đồ nghề chuyên sửa cho những lỗi hỏng hóc thường gặp. Nếu có thể tận dụng được gì mà vẫn đảm bảo cho xích lô vận hành an toàn, hiệu quả, ông sẵn sàng cho không hoặc lấy tiền tượng trưng để giảm chi phí cho những khách hàng quen thuộc hàng chục năm qua.

Nửa thế kỷ sửa xích lô, ông Hạ từng có thời gian tiết kiệm được vàng mỗi tháng.

Từ khi 15 tuổi, ông Hạ và 3 anh em trai trong gia đình được cha là cụ Nguyễn Út truyền nghề khi số người hành nghề đạp xích lô chở khách, chở hàng ngày càng nhiều. Thậm chí, cả gia đình ông đã từng có thời thuê mặt bằng để sửa xe “độc quyền” cho Hợp tác xã vận tải xích lô trên đường Hải Phòng. Những năm sau giải phóng, có thời điểm hợp tác xã lên đến hơn 800 chiếc chuyên chở khách. Nếu tính cả loại chở hàng thì lên đến mấy nghìn. Hành nghề ở lĩnh vực nào phải tuân theo quy định của lĩnh vực đó, nhưng yêu cầu bắt buộc là sức khỏe phải tốt, không có tiền án, tiền sự hay nghiện ngập. Đây cũng là thời kỳ hoàng kim vì xích lô trở thành phương tiện lựa chọn hàng đầu khi cần di chuyển trong thành phố hoặc chở hàng. Cũng vì thế, sửa xích lô cũng là nghề “hot”, thu nhập rất cao nhưng không phải ai cũng làm được. “Trong khi người đạp xích lô có thể kiếm được khoảng 20 nghìn đồng mỗi ngày, đủ nuôi gia đình và có tiền tích lũy thì người sửa xích lô lành nghề có thể thu nhập gấp rưỡi, gấp đôi. Từ khó khăn, gia đình tôi dần có cuộc sống thoải mái, mỗi tháng còn dư cả chỉ vàng”, ông Hạ nhớ lại.

Với tay nghề thuộc dạng “cao thủ”, ông Hạ thường sửa chữa cho khách với chi phí rẻ, đảm bảo vận hành lâu bền.

Những năm cuối của thập niên 90 của thế kỷ trước đánh dấu thời gian biến động của vận tải xích lô. Thời gian đầu là “khủng hoảng thừa” vì thấy nghề hot nên nhiều người mua để mưu sinh, hệt như dân vay ngân hàng đầu tư taxi công nghệ cách đây mấy năm. Phương tiện nhiều mà khách thì vừa phải nên sinh ra nạn tranh giành, phá giá, chèo kéo, ảnh hưởng đến ANTT. Cùng với đó, khách dần có sự dịch chuyển qua đi xe ôm, taxi, việc chở hàng dùng xe cơ giới. Xích lô vào giai đoạn “suy thoái”, số phương tiện tụt giảm chóng mặt rồi dần dần vắng bóng trên đường phố. Đến đầu những năm 2000, Hợp tác xã vận tải xích lô TP Đà Nẵng chính thức giải thể, ba anh em khác trong nhà từng được cha truyền nghề cũng đóng tủ đi làm việc mưu sinh. Chỉ còn ông Hạ nhớ nghề, bám nghề từ đó đến nay. Ngoài mấy chục chiếc được quản lý để phục vụ khách du lịch, giờ rất khó để bắt gặp xích lô trên đường phố, dù là chở hàng. Sửa xe đạp, bơm lốp ngoài vỉa hè còn có đồng ra đồng vào chứ sửa xích lô như ông giờ không đủ ăn. “Mấy năm trước, trên đường Đống Đa còn có ông Sửu làm nghề. Nhưng tuổi cao nên ổng cũng giải nghệ rồi. Giờ cả thành phố vắng bóng thợ sửa xích lô. Rồi tôi cũng giữ lại cho riêng mình cái nghề này chứ con cái cũng kiếm việc khác làm. Không lâu nữa đâu, chiếc xích lô cũng chấm dứt vai trò của nó, như xe lam ngày trước ở Đà Nẵng này”, ông Hạ tâm sự.

ĐÔNG A