Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên... mặt nước?

Thứ tư, 07/09/2016 10:14

(Cadn.com.vn) - Năm 2011, ông Trần Duy Vũ (1978, trú tổ 55, P. Chính Gián, Q. Thanh Khê, Đà Nẵng) mua lại lô đất đã được UBND Q. Cẩm Lệ (Đà Nẵng) cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với mục đích sử dụng là đất ở đô thị, đất có diện tích rộng 184,4m2 (số thửa 2867, thuộc tờ bản đồ số 11) tại tổ 38, P. Hòa Xuân (Q. Cẩm Lệ). Thủ tục mua bán lô đất trên được thực hiện theo hình thức hợp đồng ủy quyền tại Phòng Công chứng số 1 TP Đà Nẵng. Thế nhưng, khi kiểm tra thực tế lô đất, làm các thủ tục xây dựng nhà ở thì ông Vũ mới biết lô đất do mình sở hữu bị sạt lở xuống sông từ lâu. Bức xúc vì việc đất không còn trên thực tế nhưng vẫn được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên ông Vũ đã gửi đơn khiếu nại đến UBND Q. Cẩm Lệ nhờ can thiệp, giải quyết. Tuy nhiên, đã 3 năm trôi qua, vụ việc vẫn chưa được giải quyết rõ ràng.

Tìm hiểu sự việc, chúng tôi được biết: Sau khi nhận đơn cứu xét của ông Trần Duy Vũ, ngày 19-8-2013, ông Trần Quốc Hùng, nguyên Phó phòng TN&MT Q. Cẩm Lệ đã có buổi làm việc với ông Vũ để ghi nhận sự việc và không đưa ra một biện pháp giải quyết nào. Ngày 21-10-2013, ông Đinh Thanh, nguyên Trưởng phòng TN&MT Q. Cẩm Lệ tiếp tục làm việc cùng ông Vũ và đề nghị ông Vũ nhận 85 triệu đồng tiền khắc phục thiệt hại do các cá nhân có liên quan đến vụ việc đóng góp. Ông Vũ không thống nhất cách giải quyết như vậy nên từ đó đến nay, sự việc cũng không được các cơ quan chức năng tại Q. Cẩm Lệ xử lý.

Vậy tại sao đất đã bị trôi theo dòng nước nhưng vẫn được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với mục đích sử dụng là đất ở? Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2009, hộ bà Huỳnh Thị Rân (trú tổ 38, P. Hòa Xuân) được các cơ quan chức năng cho phép tách thửa đất số 776 (thuộc tờ bản đồ số 11) có tổng diện tích 1.232m2 thành 4 thửa đất mới mang số hiệu 2867, 2868, 2869, 2870. Điều đáng nói, thời điểm năm 2009, khi các cơ quan có thẩm quyền tại Q. Cẩm Lệ cho phép bà Rân tách thửa đất số 776 thành 4 thửa đất khác nhau thì một phần diện tích đất này đã bị sạt lở xuống sông Cẩm Lệ. Thực tế là đất đã bị trôi theo dòng nước nhưng khi thụ lý hồ sơ, các cán bộ tại P. Hòa Xuân và một số cán bộ tại Phòng TN&MT Q. Cẩm Lệ không kiểm tra và chỉnh lý biến động cho phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể, những cán bộ này bỏ qua một công đoạn quan trọng là đo đạc, xem xét thực tế hiện trạng đất để có phương án tách thửa hợp lý, phù hợp với hiện trạng sử dụng. Họ tổ chức đo đạc, lập hồ sơ... trên giấy và tham mưu cho nguyên Chủ tịch UBND Q. Cẩm Lệ ký, ban hành Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới. Chính sự "vô tư" của những cán bộ này đã đẩy ông Trần Duy Vũ vào tình trạng dở khóc, dở cười là mua phải đất ở dưới lòng sông. Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, những cán bộ liên quan đến vụ việc trên đã bị UBND Q. Cẩm Lệ kỷ luật khiển trách và chuyển công tác khác.

3 năm trôi qua nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết một cách thấu tình, đạt lý cho thấy một số cán bộ tại UBND Q. Cẩm Lệ chưa làm hết chức trách của mình trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và điều đó đã gây không ít phiền hà cho người dân. Mong rằng, các cơ quan chức năng tại Q. Cẩm Lệ cần có những động thái tích cực hơn nhằm giải quyết dứt điểm vụ việc và tránh phiền hà cho người dân.

M.T