CAQ Hải Châu thông tin phản ánh "Tham ô tài sản" tại Văn phòng Báo Giáo dục và Thời đại
Chiều 7-10, Đại tá Trần Phước Hương - Trưởng CAQ Hải Châu, TP Đà Nẵng chủ trì buổi làm việc, thông tin về kết quả xác minh ban đầu liên quan đến đơn đề nghị làm rõ dấu hiệu tham ô, chiếm đoạt tài sản của nguyên trưởng đại diện Văn phòng thường trú của Báo Giáo dục và Thời đại tại Đà Nẵng.
Đại tá Trần Phước Hương khẳng định cơ quan Công an sẽ khách quan, thận trọng trong việc xác minh, điều tra vụ việc. |
Tại buổi làm việc, ông Triệu Ngọc Lâm - Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại (GD&TĐ) đề nghị CQĐT làm rõ dấu hiệu tham ô, chiếm đoạt tài sản của bà Nguyễn Thị Thúy Hồng - Nguyên trưởng đại diện và bà Trương Thị Ngọc Lan - Kế toán trưởng kiêm thủ quỹ Văn phòng Thường trú Báo GD&TĐ tại Đà Nẵng.
Theo Thượng tá Đặng Bảo Tùng - Phó trưởng CAQ Hải Châu, CQĐT đã tiến hành xác minh 4 nội dung mà ông Lâm đề nghị trong đơn gửi trước đó theo quy trình xác minh tố giác tội phạm. Cụ thể, Tổng Biên tập Báo GD&TĐ kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ việc người ký nhận tiền khác với người nhận tiền trên chứng từ của các khoản chi của Văn phòng trong khoảng thời gian từ 2009 đến 2013; chi phí mâu thuẫn về nội dung chứng từ kèm theo; việc ký chi cho cộng tác viên hàng tháng khi không có hợp đồng của Ban Biên tập; một số khoản chi không có hóa đơn chứng từ kèm theo như điện, nước, điện thoại, cước bưu cục...
Về kết quả xác minh, Phó trưởng CAQ Hải Châu cho biết, với nội dung người ký nhận tiền khác với người nhận tiền trong mục nhuận bút và một số chi phí khác thì danh sách bài viết và người viết bài do bộ phận Kế toán của Báo tại Hà Nội lưu giữ các chứng từ gốc, theo dõi, hướng dẫn việc chi này. Đến thời điểm hiện tại, CQĐT xác định có 405 bài viết. Do một số người liên quan chuyển công tác, thay đổi chỗ ở trong thời gian dài nên mới chỉ xác minh làm rõ 210 bài có người nhận tiền xác nhận. Hiện hoạt động này vẫn đang tiếp tục nhằm ghi nhận lời khai để có căn cứ xác định tiền nhuận bút có đến chính xác với người thụ hưởng hay không. Với phản ánh khoản chi phí mâu thuẫn về nội dung chứng từ kèm theo, Thượng tá Tùng cho hay, hầu hết các khoản tiền công tác phí được chi cho người có đi công tác. Hồ sơ của Văn phòng chuyển cho bộ phận kế toán của Báo, do bà Trần Bích Huệ là kế toán trưởng kiểm tra, trình lãnh đạo phê duyệt. Qua kiểm tra, đối chiếu thì chưa có căn cứ xác định sai phạm.
Thượng tá Đặng Bảo Tùng thông báo kết quả ban đầu trong xác minh thông tin mà Báo Giáo dục và Thời đại đề nghị. |
Đối với nội dung chi cho cộng tác viên Nguyễn Văn Huế mỗi tháng 1 triệu đồng khi không có hợp đồng với Ban Biên tập, kết quả xác minh cho thấy, các ông Nguyễn Danh Bình, Nguyễn Ngọc Nam - nguyên Tổng Biên tập Báo GD&TĐ, bà Trần Bích Huệ xác định có việc ký hợp đồng và thanh lý hợp đồng. Ông Huế được phân công nhiệm vụ tham gia các hội nghị, làm công tác từ thiện, viết tin bài tại khu vực miền Trung. Thời gian ông Huế được nhận tiền là 44 tháng, tương đương số tiền 44 triệu đồng. Bà Hồng với tư cách là vợ ông Huế đã nhận thay số tiền này, bản thân ông Huế không có ý kiến gì. CQĐT xác định chưa có cơ sở để kết luận hành vi này là chiếm đoạt. Về thông tin nội dung các khoản chi phí với tổng số tiền 173 triệu đồng chênh lệch từ 2009 đến 2013 tại Văn phòng không có hóa đơn, chứng từ kèm theo, Thượng tá Tùng cho hay: "Kết quả xác minh cho thấy tất cả các mức chi đều nằm trong định mức khoán hàng tháng. Báo cáo thu chi của Văn phòng Thường trú được gửi về Tổng Biên tập thông qua bộ phận kế toán và được phê duyệt theo chứng từ báo cáo".
Trao đổi về quan điểm của Ban Biên tập Báo GD&TĐ, ông Triệu Ngọc Lâm đề nghị CQĐT làm rõ hành vi của bà Hồng và những người liên quan để xem xét dấu hiệu tham ô, chiếm đoạt tài sản. Vì "Việc chi tiền phải có chuyển khoản hoặc phải có giấy biên nhận. Đề nghị xác minh bao nhiêu người đã nhận tiền, bao nhiêu người chưa nhận, bao nhiêu người không nhận. Nếu không nhận thì có phải đã bị chiếm đoạt hay không?".
Đại tá Trần Phước Hương khẳng định, trong nhiệm vụ đảm bảo ANTT của lực lượng CA thì việc xác minh, giải quyết thông tin tội phạm là công việc rất quan trọng. Nhưng thông tin tội phạm rất đa dạng, nhiều lĩnh vực, nên phải xử lý đúng quy trình, nghiêm túc, khách quan. "Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, lực lượng đã tập trung trinh sát, xác minh rất kỹ. Quá trình gặp rất nhiều khó khăn vì vụ việc xảy ra khá lâu, số người liên quan là rất lớn, hơn 300 người. Chúng tôi vào cuộc quyết liệt và đến nay cơ bản có tài liệu làm cơ sở ban đầu để xem xét, xử lý đúng quy định pháp luật. Đây là một số nội dung đã xác minh bước đầu, chưa có kết luận cuối cùng, công việc vẫn đang tiếp tục. Với những gì đang có là chưa thể kết luận được bà Hồng có hành vi phạm tội hay không. Khi có kết quả sẽ công khai", Đại tá Hương cho hay.
Trưởng CAQ Hải Châu một lần nữa nhấn mạnh là CQĐT sẽ xác minh kỹ để tìm ra sự thật khách quan. Để làm được điều này, phải có sự phối hợp của nhiều cơ quan, nhiều cấp, đặc biệt là Báo GD&TĐ. Sau đó sẽ xem xét chứng cứ kỹ lưỡng với mục đích không bỏ lọt tội phạm, nhưng cũng không làm oan người vô tội. Kết quả thanh tra, kiểm toán và thông tin do Báo GD&TĐ cung cấp, phản ánh là một kênh thông tin quan trọng. Nhưng CQĐT đánh giá chứng cứ khách quan, bằng kết quả xác minh của mình, theo đúng quy định, có sự giám sát của Viện Kiểm sát. "Chúng tôi nhấn mạnh là chắc chắn sẽ không bao che tội phạm. Rồi đây, vụ việc sẽ được làm rõ và có kết luận chính thức. Chúng tôi chịu trách nhiệm về kết quả xác minh, điều tra của mình. Nhiệm vụ của Công an là đấu tranh với tội phạm chứ chẳng ai đi bao che tội phạm cả", Đại tá Trần Phước Hương khẳng định.
CÔNG KHANH