Cắt giảm điều kiện kinh doanh trước giờ G
(Cadn.com.vn) - Được Quốc hội thông qua với sự đồng thuận gần như tuyệt đối vì mục tiêu tạo xung lực mới cho doanh nghiệp chuyển mình, song để triển khai thi hành Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Chính phủ phải ban hành hàng loạt Nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trước thời điểm 1-7-2016.
Để đưa hai đạo luật này thực sự đi vào cuộc sống, một đợt tổng rà xét các quy định pháp luật về kinh doanh, các điều kiện kinh doanh và giấy phép kinh doanh đang diễn ra trong sự quan tâm đặc biệt không chỉ của các cơ quan quản lý mà còn cả cộng đồng doanh nghiệp và xã hội trước giờ G.
Là người đồng hành với các hoạt động đầu tư, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều năm qua, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhìn nhận: “Điểm đột phá lớn nhất trong Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp lần này là đã ghi nhận quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực không cấm theo đúng tinh thần Hiến pháp 2013. Điều này đặc biệt ý nghĩa trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang rất cần động lực mới cho sự phát triển”. Luật Đầu tư lần này đã tổng hợp, thu gọn và quy định rõ danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện để doanh nghiệp, người dân chủ động lựa chọn ngành nghề, lĩnh vực đầu tư, kinh doanh theo tiềm năng và lợi thế cạnh tranh sẵn có. Tất cả những ngành nghề luật không cấm, không hạn chế, doanh nghiệp, người dân được tự do đầu tư, kinh doanh.
Theo nguyên Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh – một trong những nhà kiến tạo của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, với tinh thần tạo thuận lợi nhất cho công cuộc đầu tư, kinh doanh của mỗi doanh nghiệp và cả cộng đồng xã hội, hai đạo luật mới được thiết lập trên nền tảng tiếp cận hoàn toàn mới thay vì phương pháp “chọn cho” như trước đây - nghĩa là cái gì “cho” thì ghi trong luật, thì phương pháp tiếp cận của luật lần này là “chọn bỏ” - nghĩa là cái gì cấm, hoặc hạn chế thì ghi trong luật. Không chỉ đánh dấu một tầm cao mới trong công tác lập pháp, sự ra đời của hai đạo luật này thể hiện những sự thay đổi nhận thức rất mạnh mẽ của Chính phủ, Quốc hội, hay ở một góc nhìn rộng hơn, đây thực sự là một cuộc cách mạng về tư duy quản lý Nhà nước theo hướng tiến bộ và cởi mở hơn.
Theo quy định của Luật Đầu tư, các bộ ngành, địa phương không được phép ban hành điều kiện kinh doanh và từ ngày 1-7 tới đây, các điều kiện kinh doanh quy định tại thông tư của cấp Bộ sẽ hết hiệu lực thi hành. Như vậy, phải xây dựng các nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh để thay thế các thông tư hết hiệu lực. Một sức ép nặng nề trong công tác xây dựng thể chế đã lập tức xuất hiện đi kèm với những tư duy mới trong quản lý, điều hành. Theo tổng hợp của Văn phòng Chính phủ về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành các Luật có hiệu lực từ ngày 1-7 và các văn bản thi hành Luật đầu tư và Luật Doanh nghiệp thì tổng số văn bản cần ban hành là 51 văn bản, số văn bản đã ban hành là 21, số văn bản còn phải ban hành là 30 văn bản. Với gần 6.000 điều kiện kinh doanh, trong đó có tới một nửa sẽ không còn căn cứ pháp lý để tồn tại sau ngày 1-7 tới, đã có những ý kiến đề nghị Chính phủ xin lùi thời hạn đến sau ngày 1-7-2016, tiếp tục áp dụng các thông tư để có thêm thời gian xây dựng nghị định. Tuy nhiên, với tinh thần quy chuẩn hóa một Chính phủ kiến tạo, phát triển và phục vụ doanh nghiệp, phục vụ nhân dân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu bằng mọi biện pháp phải hoàn thành công việc này trước ngày 1-7, đúng thời hạn giờ G, luật định.
Mặc dù khối lượng công việc rất lớn, song, chỉ đạo công tác này, Thủ tướng vẫn đặt yêu cầu cao nhất cho mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, giải phóng sức sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Người đứng đầu Chính phủ cũng đã định hướng việc ban hành các văn bản hướng dẫn này phải gỡ bỏ được “rào cản” đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, kiên quyết không để tình trạng lợi ích nhóm chi phối chính sách. Đón bắt được nguy cơ hiện hữu do quá tải về hoàn thiện thể chế, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo các bộ, ngành phải đảm bảo chất lượng các văn bản luật, không chạy theo số lượng. “Văn bản nào sau này ban hành mà có sai sót, phải sửa đổi thì Bộ trưởng chủ trì phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ thị.
Theo các chuyên gia, bên cạnh các văn bản pháp luật, vấn đề tất yếu và cũng là điều kiện không thể thiếu để thể chế tốt đem lại hiệu quả tốt, phát huy được tiềm năng chính là vấn đề con người, chất lượng cán bộ. Sẽ là rất lãng phí cho Nhà nước, thiệt thòi cho doanh nghiệp và xã hội nếu một thể chế tốt không thể phát huy chỉ bởi rào cản là trình độ năng lực, ý thức trách nhiệm kéo chậm sự phát triển của đất nước, đó cũng chính là ảnh hưởng đến lợi ích doanh nghiệp, lợi ích của quốc gia.
Quang Vũ