Câu chuyện 2 cựu binh 2 bên chiến tuyến
(Cadn.com.vn) - Homer từng tham gia cuộc chiến tranh phi nghĩa tại Việt Nam. Sau hơn 40 năm sống trong day dứt và tội lỗi, ông đã quyết định sang thăm Việt Nam với ước muốn gặp lại người lính Việt năm xưa và trao trả kỷ vật chiến tranh mà lâu nay ông vẫn cất giữ.
Ký ức chiến tranh
Tham gia nhập ngũ năm 1961, chàng trai Nguyễn Văn Hai (1937, trú tại xã Công Thành, H. Yên Thành, Nghệ An) ngày ấy được phân vào Tiểu đoàn Độc lập, Trung đoàn pháo binh, sau đó được chuyển qua Tiểu đoàn 11, E164, Quân khu 4 và nhận lệnh hành quân vào Quảng Nam- Đà Nẵng để tham gia chiến dịch Mậu Thân 1968. Một ngày, Hai được cấp trên giao nhiệm vụ lái xe vào vùng Plêy Veng, trên đường trở về đơn vị, anh đi cùng một người thợ máy tên là Hoàng Đình Đảm, quê ở Thái Bình. Băng qua chiến tuyến ác liệt, 2 người lính trẻ bị lọt vào ổ phục kích của giặc, đồng đội của Hai bị trúng đạn và hy sinh. Nguyễn Văn Hai đành vứt bỏ lại toàn bộ tư trang, hành lý của mình và đồng đội để thoát thân. Sau đó, Homer - người lính Mỹ đã lấy toàn bộ tư trang, ba-lô, giấy tờ tùy thân của hai người lính Việt làm chiến lợi phẩm.
Chiến tranh kết thúc, Nguyễn Văn Hai trở về với cuộc sống đời thường, lập gia đình và sinh con. Thời gian trôi qua, những chuyện trong cuộc chiến năm xưa dường như bị quên lãng... Cho đến một ngày, ký ức chiến tranh ùa về khi nhận lại từ người lính Mỹ bên kia chiến tuyến những kỷ vật một thời.
Một trong những kỷ vật cựu binh Mỹ Homer trả lại. |
Cuộc gặp gỡ giữa 2 cựu binh
Sau khi cuộc chiến tranh phi nghĩa tại Việt Nam kết thúc, Homer trở về Mỹ và mang theo toàn bộ tư trang, chiến lợi phẩm cướp được từ hai chiến sĩ Việt Nam. Nhưng cũng suốt 40 năm ấy, là khoảng thời gian ông sống trong ký ức kinh hoàng về cuộc chiến tranh phi nghĩa. Ông mắc chứng trầm cảm. Mỗi khi nhìn lại kỷ vật, ký ức năm xưa lại hiện về đã thôi thúc Homer tìm cách trao trả bằng được cho 2 người lính Việt. Thông qua Hội cựu chiến binh Mỹ và Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, Homer đã nhiều lần đến Việt Nam đăng thông tin. Sau lần sang Việt Nam vào năm 2010, Homer đã nhờ đăng tải thông tin về những kỷ vật của 2 người lính Việt. Đó là giấy công nhận dũng sĩ diệt Mỹ, bằng lái xe, và một số giấy tờ, vật dụng, tư trang khác. Trong một lần đọc được dòng thông tin, Thượng tá Nguyễn Thị Tiến, Nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Quân khu 4 đã tìm mọi cách và lần tìm ra địa chỉ của ông Nguyễn Văn Hai nên quyết định làm cầu nối để hai người lính gặp nhau.
Cuộc gặp gỡ của 2 người lính không cùng chiến tuyến. |
Một ngày cuối năm 2011, khi nhận được cú điện thoại của Thượng tá Nguyễn Thị Tiến mời vào Vinh để nhận lại kỷ vật chiến tranh từ 40 năm về trước, ký ức chiến tranh đã sống lại trong lòng cựu chiến binh Nguyễn Văn Hai. Ngay sau đó, tại nhà Thượng tá Tiến (TP Vinh, Nghệ An) hai người lính không cùng chiến tuyến bất ngờ hội ngộ sau hơn 40 năm. "Lúc đó, tôi quá bất ngờ khi được gặp một người Mỹ cao to, ông ấy ôm chầm lấy tôi, khóc nức nở và miệng luôn không ngớt lời xin lỗi. Đó chính là Homer của 40 năm về trước", ông Hai nhớ lại.
Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nỗi đau trong lòng người lính Việt vẫn còn nhưng đối với cựu chiến binh Nguyễn Văn Hai, khi gặp lại người lính năm xưa cùng với những kỷ vật chiến tranh của mình và đồng đội, ân oán đã là chuyện của quá khứ. Qua lời kể của chị Tiến, biết được hoàn cảnh gia đình và nỗi vất vả của người lính Mỹ đánh thuê năm xưa, ông Hai đã cảm nhận được sự day dứt, hối hận và tội lỗi mà Homer đã phải trải qua suốt 40 năm. Cảm thông sâu sắc trước nghĩa cử cao đẹp của Homer, 2 cựu binh đã có cuộc trò chuyện rất thân mật và cùng nhau vẽ lại sơ đồ của trận đánh để tìm mộ liệt sĩ Hoàng Đình Đảm.
Dương Hóa