Câu chuyện giáo dục mầm non ngoài công lập

Thứ ba, 30/01/2018 16:00

Thời gian gần đây, liên tiếp những vụ bạo hành trẻ mầm non bị phanh phui, gây rúng động dư luận mà một phần nguyên nhân do công tác quản lý các cơ sở mầm non ngoài công lập còn nhiều bất cập. 

Trẻ mầm non cần được giáo dục trong một môi trường an toàn, thân thiện để có cơ hội phát triển tốt nhất.

Dễ mở, khó quản lý

Theo tìm hiểu, trên địa bàn TP Đà Nẵng hiện còn khá nhiều các nhóm trẻ gia đình (NTGĐ) hoạt động chưa được cấp phép, chất lượng giáo dục và các kỹ năng sư phạm của bảo mẫu vẫn là một dấu hỏi lớn? Theo tiết lộ của chủ một nhóm trẻ tư thục, chỉ cần vài chục triệu đồng là có thể đầu tư mở được NTGĐ; nhà ở cải tạo lại cho có không gian để trẻ ăn, ngủ, mua sắm thêm ít đồ chơi, cải tạo lại bếp, nấu thức ăn theo quy định để cơ quan chức năng tới kiểm tra, thế là được cấp phép… Các lớp mầm non này thường nhận các em bé độ tuổi 6 tháng - 1,5 tuổi, với mức học phí khoảng 1 triệu đến 1,5 triệu đồng/tháng. Đa phần các gia đình không đủ điều kiện kinh tế hoặc các bé còn quá nhỏ nên các trường công không nhận trẻ thì mới gửi ở đây. Các cơ sở này chủ yếu nhận trông và chăm sóc trẻ bao gồm cho ăn uống, ngủ nghỉ, chơi và không có  các hoạt động dạy học, hoặc giáo dục theo phương pháp hoặc giáo trình nào.

Chị Nguyễn Thu Hoài (công nhân KCN Hòa Khánh), có con trai 14 tháng tuổi đang gửi ở một NTGĐ gần phòng trọ mình ở chia sẻ: "Thời gian qua, theo dõi báo đài, tôi thấy bảo mẫu hành hạ trẻ thật sự quá đau lòng. Tôi rất hoang mang, lo lắng, không biết con mình ở lớp có bị đối xử như vậy không. Cháu còn quá nhỏ, nếu có bị hành hạ, đánh đập chắc gì đã biết kể. Mà không gửi con đến nhà trẻ thì 2 vợ chồng đi làm không có ai trông giữ cháu, chẳng lẽ phải nghỉ việc ở nhà trông con rồi lấy chi mà sống. Tôi chỉ mong các cô bảo mẫu nhẹ nhàng chăm, dạy trẻ vì các cháu còn quá nhỏ, chưa nhận thức được gì nên xin đừng dùng bạo lực với các cháu…".

Đại diện Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng cho biết, trong những năm trước đây, khi có các vụ bạo hành đáng thương tâm tại một số tỉnh thành trên cả nước thì sở luôn kịp thời tham mưu UBND TP ban hành văn bản chỉ đạo, yêu cầu các quận, huyện nghiêm túc triển khai công tác quản lý các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) ngoài công lập, đặc biệt là nhóm, lớp độc lập tư thục. Gần đây, ngay khi vụ bạo hành tại Trường Mầm non tư thục Mầm Xanh, TPHCM đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng thì Sở GD-ĐT đã ban hành Công văn số 3318/SGDĐT-GDMN ngày 30-11-2017 về "Tăng cường việc kiểm tra, rà soát nhằm ngăn chặn tình trạng xâm hại, bạo hành trẻ trong các cơ sở GDMN trên địa bàn thành phố" nhằm chỉ đạo các địa phương tăng cường trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về loại hình nhóm lớp độc lập tư thục trên địa bàn, đảm bảo an toàn tính mạng của trẻ và nâng cao chất lượng giáo dục toàn ngành.

Nâng cao hiệu quả quản lý

Đề án 404 về "Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020" thực hiện tại Đà Nẵng thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với việc chăm sóc, giáo dục trẻ, nhất là con công nhân đang làm việc tại các KCN, khu chế xuất. TP Đà Nẵng hiện có 6 KCN với hơn 70.000 công nhân lao động, riêng KCN Hòa Khánh có hơn 30.000 công nhân với khoảng 60% là lao động nữ, đa số chị em trong độ tuổi sinh đẻ. Nhu cầu gửi con của nữ công nhân, người lao động rất lớn do thời gian làm việc của công nhân thường đi sớm về trễ, tăng ca…, nhưng các trường mầm non lại không giữ trẻ ngoài giờ. Thực hiện Đề án 404 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2014-2017, TP Đà Nẵng đã hỗ trợ 60 nhóm trẻ độc lập tư thục với tổng kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu 300% kế hoạch được giao; thực hiện truyền thông cho hơn 2.000 bà mẹ là công nhân tại các KCN; nâng cao năng lực cho 100% người quản lý, giáo viên, bảo mẫu các nhóm trẻ…

Hiệu ứng của đề án lan tỏa đến các cấp chính quyền, nhiều quyết định được ban hành như: rà soát quỹ đất và huy động nguồn lực xã hội hóa xây các nhà trẻ cho con em công nhân, ban hành đề án Sữa học đường, đề án Đầu tư cơ sở, vật chất cho các trường nhận trẻ trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi trên địa bàn thành phố… tạo điều kiện về giờ giấc, chăm nom; giúp công nhân yên tâm làm việc, chấm dứt tình trạng nữ công nhân nghỉ việc ở nhà chăm con. Hiện học phí mỗi tháng bao gồm tiền bán trú và chăm sóc của nhóm trẻ gia đình cho công nhân chỉ khoảng 1 triệu đồng/trẻ…

Theo Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, năm học 2017-2018, về cơ bản, các trường mầm non trên địa bàn đã đáp ứng được yêu cầu gửi trẻ (trẻ từ 18 tháng - 6 tuổi). Ngoài ra, trên địa bàn thành phố có 1.033 nhóm lớp độc lập tư thục (NLĐLTT) trong đó nhóm NLĐLTT dưới 7 trẻ: 404; nhóm NLĐLTT từ 8-50 trẻ: 629 nhóm; 26 nhóm đang bổ sung và hoàn thiện các điều kiện trong tháng 1-2018. Trong thời gian qua, Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng tăng cường các hoạt động kiểm tra giám sát chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên mầm non…

Những ngôi trường mơ ước

Mô hình Trung tâm chăm sóc và giáo dục mầm non OneSky - Đà Nẵng (Trường Mầm non OneSky) do Tổ chức Hafl The Sky Foundation (Hoa Kỳ) tài trợ, là trường mầm non quốc tế đầu tiên dành cho con em công nhân, người lao động trên địa bàn Q. Liên Chiểu. Chi phí sinh hoạt và các bữa ăn trong ngày cho trẻ hằng tháng là 4,7 triệu đồng/trẻ nhưng phụ huynh chỉ phải đóng 800 ngàn đồng/tháng/trẻ. Chị Hoàng Thanh Vân, hiện đang làm công nhân tại KCN Hòa Khánh, có con trai đang được học tại đây chia sẻ: "Hai vợ chồng tôi đều là công nhân, thuê trọ để sống nên chật vật lắm. Cháu còn quá nhỏ mà các trường tư thì không dám gửi. Nay cháu được học trong một ngôi trường chuẩn quốc tế, được hỗ trợ học phí, đảm bảo an toàn, tôi thật sự rất mừng và yên tâm".

Theo bà Đặng Thị Cẩm Tú - Trưởng phòng GDMN (Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng), hiện nay, Sở GD-ĐT đã trình UBND TP Đề án quy hoạch tổng thể ngành GD-ĐT TP Đà Nẵng đến năm 2020 tầm nhìn 2030. Nội dung đề án có nêu rõ 7/7 quận, huyện ưu tiên dành tối thiểu để xây dựng 5-7 trường mầm non, đề án đã được UBND phê duyệt. Ngoài ra, Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND TP ban hành Quyết định số 7210/QĐ-UBND ngày 26-12-2017 của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng về phê duyệt Đề án đầu tư trang thiết bị, đồ chơi cho trẻ từ 6-18 tháng tuổi tại các trường mầm non công lập trên địa bàn thành phố giai đoạn 2018-2019. Trong quyết định nêu rõ thí điểm thu nhận trẻ từ 6 tháng-18 tháng tuổi vào học tại 21 trường và mỗi một trường bình quân từ 2-4 nhóm trẻ; tổng số nhóm trẻ có thu nhận trẻ từ 12-18 tháng là: 44 nhóm, ưu tiên con công nhân lao động và hộ nghèo, gia đình khó khăn.

Sở GD-ĐT đang tiếp tục kêu gọi Tổ chức Half The Sky tiếp tục xây dựng trung tâm thứ 2 đặt tại Q. Sơn Trà, và Tập đoàn Scavi của Pháp xây dựng trường mầm non tiêu chuẩn quốc tế cho con công nhân nghèo; tiếp tục tìm nguồn đầu tư và tài trợ để tiếp tục duy trì mô hình Trung tâm Chăm sóc, GDMN OneSky khi dự án kết thúc.

Hiện nay, ngoài trường Mầm non OneSky thì tại các KCN, khu chế xuất, lãnh đạo địa phương đang có nhiều động thái tích cực, các kế hoạch xây dựng trường nhằm đáp ứng nguyện vọng gửi trẻ. Tại Q. Sơn Trà, UBND thành phố đầu tư xây dựng cơ sở đầu tuyến Sơn Trà-Điện Ngọc (thuộc Trường MN Rạng Đông - P. Thọ Quang, Q. Sơn Trà) nhằm tăng tỷ lệ huy động trẻ ra lớp tại các địa phương có KCN, khu chế xuất với 5 phòng học, 1 bếp, 2 phòng hiệu bộ, 1 phòng kế toán, hội trường; chỉ đạo các trường mầm non có kế hoạch và thực hiện tuyển sinh trẻ từ 12 tháng tuổi nhằm phấn đấu đến 2017-2018 tăng tỷ lệ huy động trẻ  trong trường mầm non công lập đạt 50%. Tại Q. Cẩm Lệ xây dựng trường Mầm non Sao Mai, công trình với quy mô  nhà 2 tầng; bố trí 6 phòng học, sảnh đa năng, phòng y tế, bếp ăn, kho, khu vệ sinh, hoàn thành, đưa vào sử dụng tháng 8-2016; giải thể 3 điểm trường (cơ sở lẻ) đã xuống cấp; tiếp tục đề xuất UBND quận tham mưu UBND thành phố đầu tư kinh phí xây dựng thêm điểm trường cho MN Sao Mai tại KCN Hòa Cầm…

THANH HOA