Chuyển đổi số nhìn từ Bảo tàng: Thiếu nhân lực & nguồn lực

Thứ tư, 14/06/2023 21:45
Chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi một thiết chế hoặc dịch vụ vật lý sang dạng số. Đối với bảo tàng, công nghệ kỹ thuật số này sẽ góp phần làm thay đổi cách khách tham quan tương tác với bảo tàng. Tuy nhiên hiện nay, một số bảo tàng, nhà trưng bày trên địa bàn TP Đà Nẵng đang gặp không ít khó khăn trong công tác chuyển đổi số.
Số hóa bảo tàng tạo điều kiện cho việc tiếp cận tác phẩm dễ dàng, thuận lợi hơn. (Ảnh: Các bạn nhỏ đang nghe thuyết minh về tác phẩm "Đời cá" tại bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng).
Số hóa góp phần lưu trữ được rất nhiều hiện vật quý thông qua tạo các bản sao kỹ thuật số (Ảnh: SV khoa Địa lý, Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng đến tham quan và tìm hiểu tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa).

Thời gian qua, Nhà Trưng bày Hoàng Sa phối hợp với các đơn vị truyền thông kỹ thuật số, khai thác tối đa phần mềm chuyển đổi số để giới thiệu đến công chúng, nâng cao hiệu quả công tác. Tuy đã có nhiều nỗ lực, nhưng hiện Nhà Trưng bày Hoàng Sa vẫn chưa có nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) được đào tạo bài bản, đúng chuyên ngành nên công tác quản lý vận hành và khai thác ứng dụng, phần mềm tại đơn vị còn gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu về tư liệu, hiện vật đang được trưng bày tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa chưa được ứng dụng các phần mềm cơ sở dữ liệu có chiều sâu thông tin và các phần mềm mang tính hỗ trợ như: phân tích, tổng hợp, tích hợp thông tin, xử lý; tính toán, thể hiện, giao biên tập, lưu trữ; bảo vệ an toàn thông tin và các phần mềm ứng dụng chính tập trung. Công tác trưng bày các tư liệu, hiện vật tại không gian của Nhà Trưng bày chưa được ứng dụng CNTT nhằm tạo sự tương tác giữa khách tham quan với tư liệu, hiện vật đang trưng bày. Cụ thể; chưa ứng dụng mã code QR để tìm hiểu sâu về thông tin tư liệu, chưa trưng bày 3D thực tế ảo… Về website Nhà Trưng bày, hiện có thiết kế Bảo tàng ảo được mặc định theo mũi tên đã được thiết lập sẵn, nhưng chưa tiếp cận được từng tư liệu hiện vật…

Theo ông Lê Tiến Công- Giám đốc nhà trưng bày Hoàng Sa, đơn vị mới chỉ ứng dụng phần mềm dùng chung của nền tảng ứng dụng chính quyền điện tử thành phố Đà Nẵng. Vì vậy, thời gian tới, đơn vị dự kiến triển khai dự án nâng cấp website bảo tàng ảo lên Bảo tàng 3D và ứng dụng mã code QR nằm trong chương trình chuyển đổi số của của TP Đà Nẵng. "Đặc biệt là công tác nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ về CNTT để đáp ứng công tác chuyển đổi số tại Nhà Trưng bày"- ông Lê Tiến Công nhấn mạnh.

Với lợi thế là Bảo tàng có nguồn hiện vật phong phú, đa dạng về thể loại, có giá trị cao về văn hóa - nghệ thuật, đã được kiểm kê khoa học đầy đủ và được phân chia thành những bộ sưu tập cụ thể, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng gặp thuận lợi về công tác số hóa trong quản lý, bảo quản và giới thiệu đến công chúng hoặc phục vụ cho công tác tìm hiểu, nghiên cứu từ xa. Thời gian, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã chú trọng ứng dụng công nghệ số vào toàn bộ hoạt động như xây dựng website, tiến hành số hóa quản lý hiện vật bằng phần mềm quản lý hiện vật tích hợp với website của đơn vị, làm các video quảng bá, video 3D phục vụ tham quan online, tổ chức triển lãm online, phối hợp làm phim thực tế ảo VR 360 giới thiệu tổng quan điểm đến online, chú trọng giới thiệu, quảng bá, kết nối với công chúng thông qua mạng xã hội... Đặc biệt, vào cuối năm 2022, Bảo tàng đã tiến hành ký kết hợp tác với Công ty Cổ phần Giải pháp Chuyển đổi số (VR360) - thành viên của Bizverse để được tư vấn, hỗ trợ và cung cấp, đưa vào ứng dụng công nghệ mới phục vụ chuyển đổi số đơn vị. Đơn vị vừa hoàn thành xây dựng website thực tế ảo VR 360 chi tiết cho toàn bảo tàng, tích hợp tính năng MC ảo thuyết minh giới thiệu tổng quan...

Số hóa bảo tàng tạo điều kiện cho việc tiếp cận tác phẩm dễ dàng, thuận lợi hơn. (Ảnh: Các bạn nhỏ đang nghe thuyết minh về tác phẩm "Đời cá" tại bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng).

Thuận lợi là vậy, nhưng hiện Bảo tàng Mỹ thuật vẫn đang đối mặt nhiều khó khăn. "Chúng tôi đang đối mặt với nhiều khó khăn, khó nhất là về con người, cơ sở vật chất và kinh phí thực hiện. Hiện tại, trong đội ngũ cán bộ nghiệp vụ của Bảo tàng thiếu hẳn cán bộ có chuyên môn sâu về CNTT, truyền thông và chuyển đổi số. Các máy tính có cấu hình cao, và các thiết bị chuyên dụng và đặc biệt là việc hợp đồng với các công ty công nghệ thông tin để đưa công nghệ mới vào thực hiện số hóa đáp ứng yêu cầu hiện nay đều cần nguồn kinh phí không nhỏ", bà Nguyễn Thị Trinh - Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ Thuật cho biết. Thời gian tới, bà Trinh cho hay, sẽ tiếp tục nâng cấp giao diện, cập nhật tính năng mới cho website thực tế ảo VR 360 và tiến hành thực hiện số hóa chi tiết từng hiện vật của Bảo tàng, đồng thời tích hợp công nghệ QR code và MC ảo thuyết minh cho mỗi tác phẩm tại các không gian trưng bày. "Ngoài ra, chúng tôi cũng dự định sẽ tạo không gian triển lãm cho Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng trên Metaverse để mở rộng trưng bày, giới thiệu các bộ sưu tập của bảo tàng hiện chưa có điều kiện trưng bày tại các không gian trưng bày cố định hoặc có thể hỗ trợ giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật, tạo các cuộc triển lãm nghệ thuật online cho các họa sĩ, nhà điêu khắc"- bà Trinh chia sẻ thêm về dự định sắp tới của Bảo tàng.

Theo ông Phạm Định Phong - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT& DL, bảo tàng số sẽ giúp người xem dễ dàng truy cập từ mọi nơi trên thế giới, vào bất kỳ lúc nào bằng máy tính hoặc thiết bị di động. Điều này giúp những người sống xa bảo tàng hoặc những người hạn chế về khả năng di chuyển có thể dễ dàng trải nghiệm các cuộc triển lãm và bộ sưu tập hơn. Bên cạnh đó, bảo tàng ảo thường mang lại trải nghiệm tương tác và hấp dẫn, chẳng hạn như triển lãm đa phương tiện, chuyến tham quan ảo và tài nguyên giáo dục. Qua đó, có thể nâng cao trải nghiệm học tập, khiến nó trở nên thú vị và đáng nhớ hơn. Cùng với đó, bảo tàng ảo có thể tiết kiệm chi phí hơn để phát triển và duy trì các bảo tàng thực tế, vì chúng không yêu cầu cùng một mức đầu tư vào cơ sở hạ tầng, bảo trì và nhân sự. Đặc biệt, bảo tàng ảo có thể giúp bảo tồn di sản văn hóa bằng cách tạo các bản sao kỹ thuật số của di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, tài liệu và các trưng bày. Điều này có thể giúp bảo vệ những tài nguyên quý giá này khỏi bị hư hại, xuống cấp hoặc mất mát.

Vì vậy, để từng bước số hóa bảo tàng, nhà trưng bày, cần phải "chuyên nghiệp hóa nguồn nhân lực trực tiếp thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản văn hóa, xã hội hóa để huy động tối đa các nguồn lực trong điều kiện nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước còn hạn chế và hợp tác quốc tế theo định hướng "đi tắt đón đầu" để không bị bỏ lại phía sau trên sân chơi công nghệ"- ông Phạm Định Phong nhấn mạnh.

Lê Anh Tuấn