Câu chuyện “treo” ở dự án quy hoạch ga đường sắt Đà Nẵng chưa hồi kết

Thứ bảy, 09/10/2021 20:11

Cuối tháng 5-2021, Sở Giao thông vận tải TP Đà Nẵng đề xuất UBND TP báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, cho chủ trương đưa dự án di dời Ga Đà Nẵng vào danh mục dự án trọng điểm quốc gia cần sớm triển khai, đồng thời ưu tiên bố trí nguồn kinh phí để thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.

Ngập lụt cục bộ xảy ra tại nhiều địa điểm tại dự án quy hoạch ga đường sắt ở P. Hòa Khánh Nam.

Theo Quyết định số 359/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15-3-2021, ga đường sắt và tuyến đường sắt mới dự kiến di dời về phía tây thành phố. Tuy nhiên, vẫn còn đó dự án ga đường sắt được quy hoạch trên địa bàn quận Liên Chiểu, đã bị “treo” gần 20 năm nay, vấn đề giải quyết dự án “treo” này thế nào đang là một câu hỏi đặt ra…

Sống thấp thỏm ở dự án quy hoạch ga đường sắt…

Dự án di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị là một trong số những dự án quan trọng về phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh của TP Đà Nẵng đã được xác định tại Nghị quyết số 33/NQ-TW ngày 16-10-2003. Thế nhưng, do vướng mắc về kinh phí,  đến nay dự án di dời Ga Đà Nẵng ra khỏi trung tâm thành phố vẫn chưa triển khai thực hiện được.

Ông Bùi Trung Khánh- Phó Chủ tịch UBND P. Hòa Khánh Nam cho biết, gần 20 năm trước, dự án ga đường sắt mới của Đà Nẵng được quy hoạch tại địa bàn phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, trên diện tích hơn 70ha, ảnh hưởng đến 19 tổ dân phố với hơn 2.000 hộ dân trong vùng quy hoạch. Dự án “treo” gần 20 năm qua, đã đem đến nhiều hệ lụy… Cho đến hiện tại, toàn khu vực vùng dự án chỉ có hai con đường là đường Mẹ Suốt dài 2km và đường Nam Cao đang thi công  chạy ngang khu vực có chiều rộng 7,5 mét, còn tất cả là đường kiệt hẻm, đường ngang, ngõ tắt tạm bợ…

Cuộc sống của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn bởi 100% không có hệ thống cống rãnh thoát nước vệ sinh môi trường; cơ sở hạ tầng điện, nước sinh hoạt không đồng bộ, nhiều địa điểm tạm bợ, dễ xảy ra sự cố cháy nổ… Mùa mưa bão, ngập lụt cục bộ, nước tràn vào nhà dân, đường giao thông kiệt hẻm lầy lội, ô nhiễm, do nước thải, rác rưởi trôi tứ tung… Chưa hết, nằm trong khu quy hoạch nên nhà cửa của người dân dù đã xuống cấp, dột nát, nhưng không thể sửa chữa. Nhiều gia đình 3-4 thế hệ sống chung trong một ngôi nhà chật hẹp, không thể tách thửa, chuyển nhượng, thừa kế cho con, cháu ra ở riêng…

Cách đây chỉ chưa đầy 5 năm về trước, tại khu vực dự án, đã từng xảy ra vấn nạn xây dựng trái phép ồ ạt đến hàng nghìn căn nhà, gây khó khăn cho công tác quản lý của chính quyền, có những cán bộ phải chịu kỷ luật vì lơ là trong công tác quản lý, tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật… Đấy là hàng loạt những hệ lụy đã và đang diễn ra ở dự án “treo” gần 20 năm này…

Ông Khánh cho biết, cho đến hiện tại, vẫn chưa có bất kỳ một văn bản của chính quyền, ngành chức năng có thẩm quyền nào nói về việc sẽ hủy dự án, thu hồi dự án hay một biện pháp giải quyết nào khác. Có chăng cũng chỉ là một hướng giải quyết vẫn còn “mơ hồ” rằng, khu vực dự án sẽ nằm trong “phân khu” trong quy hoạch tổng thể đang nghiên cứu của thành phố, còn “phân khu” thế nào thì cũng chưa rõ…   

Nhiều khu vực cỏ dại mọc um tùm, nước thải ứ đọng ở dự án quy hoạch ga đường sắt “treo” gần 20 năm qua...

Dự án chồng lên dự án…

Theo sự chỉ dẫn của UBND phường Hòa Khánh Nam, chúng tôi tìm đến tổ dân phố 36, 37 nằm trong vùng lõi quy hoạch dự án ga đường sắt. Như trên đã nói, dự án “treo” đã gần 20 năm, nhưng cách đây 2 năm, người dân một số tổ dân phố, trong đó có tổ dân phố 36, 37 lại nhận được thông báo, sẽ triển khai Dự án đường vành đai phía Tây 2 đi qua địa bàn dự án ga đường sắt. Như thế là dự án trước vẫn còn “treo” lại sắp có dự án mới “chồng” lên dự án cũ…

Nói về vấn đề này, ông Bùi Trung Khánh cho biết, theo quy hoạch Dự án đường vành đai phía Tây 2 sẽ chạy theo hình vòng cung, bọc quanh dự án ga đường sắt ở P. Hòa Khánh Nam, nhưng đến năm 2019, không rõ điều chỉnh thế nào, dự án đường vành đai phía Tây 2  lại xuyên thẳng vào giữa tâm dự án ga đường sắt với chiều dài khoảng 2km, qua nhiều tổ dân phố, trong đó có tổ 36-37.

Ông Nguyễn Thiện Sinh- Tổ trưởng tổ dân phố 36 than phiền: “Người dân đã nhiều lần kiến nghị đến các cấp chính quyền, dự án ga đường sắt bao giờ triển khai, có triển khai hay không, vẫn chưa có câu trả lời, nay lại thêm dự án mới cũng chính trên dự án cũ…”. Tổ dân phố 36 có 122 hộ dân, 421 nhân khẩu, nhưng trong tổ chỉ có khoảng một nửa số hộ dân nhà cửa có giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất (sổ đỏ), còn lại đều chưa có, nguyên nhân do dự án ga đường sắt treo quá lâu, người dân không thể làm thủ tục giấy tờ pháp lý theo quy định luật đất đai. Vậy là, nếu triển khai Dự án đường vành đai phía Tây 2, chỉ những hộ có sổ đỏ được giải quyết đất tái định cư, còn những hộ chưa có sổ đỏ sẽ thế nào…? Cũng như tổ 36, anh Nguyễn Bé- Tổ trưởng tổ dân phố 37 cho biết, tổ 37 đa phần các hộ dân chưa có sổ đỏ, đây là nỗi băn khoăn lớn của toàn tổ…

Chuyện về dự án ga đường sắt “treo” gần 20 năm, chuyện về dự án chồng lên dự án như đã kể trên đang là những bức xúc lớn ở P. Hòa Khánh Nam. Người dân đang rất cần một câu trả lời dứt khoát của chính quyền và ngành chức năng có thẩm quyền thành phố.

Hồng Thanh