Câu chuyện về “nghệ nhân” may gối trái dựa cung đình Huế

Thứ ba, 16/12/2008 00:00

(Cadn.com.vn) - Lâu nay khi bước vào hoàng cung Huế, nhiều người rất ngạc nhiên khi nhìn thấy những chiếc gối trái dựa đặt ngay trong điện Thái Hòa hay ở lăng Khải Định, Tự Đức được làm rất công phu, từ đường kim đến nét chỉ. Đó là sản phẩm do gia đình bà Công Tôn Nữ Trí Huệ thực hiện. Hiện nay, những người làm gối dựa cung đình giống như bà Công Tôn Nữ Trí Huệ ở Huế chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.

Một gia đình hoàng tộc kiên trung

Bà Công Tôn Nữ Trí Huệ (ở xã Hương Cần, Hương Trà, TT- Huế) năm nay 86 tuổi, là cháu nội của Hoài Đức Quận công Miên Lâm (Phụ chánh thân thần, người cùng họ với vua Hàm Nghi và Thành Thái). Bà sinh trưởng trong gia đình danh gia vọng tộc, yêu nước. Theo tài liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân: “Ngay trong cuộc khởi nghĩa Duy Tân năm 1916, bố của bà Tôn Nữ Trí Huệ là Hường Dẫn đã giúp vua Duy Tân lúc đó còn nhỏ tuổi xây dựng binh quyền để chống Pháp.

Tuy nhiên, cuộc khởi nghĩa không thành, vua Duy Tân và bố của bà bị địch bắt giam tại đồn Mang Cá - Huế. Đáng lẽ ông Hường Dẫn phải bị khép tội chết, nhưng nhờ có người anh con bác ruột là Hường Đề (con ông Tuy An Công Miên Kháp) rất thân với Tân Vương Khải Định nên xin bảo lãnh thoát khỏi tội chết. Hường Dẫn bị giam một thời gian rồi được thả về làm nghề bốc thuốc Bắc tại xã Hương Cần, ngay chính ngôi nhà bà Trí Huệ đang sống hiện nay”.

Từ thuở nhỏ bà Trí Huệ đã học được nghề làm thuốc Bắc của bố, đó cũng chính là kế mưu sinh cho cả gia đình, tiếng tăm chữa bệnh của cụ Hường Dẫn vang đến đô thành. Những người được cụ chữa lành bệnh đến tạ ơn và xin đăng tin trên các bản tin tiếng Pháp lúc đó.  Vì vậy, cụ không còn nằm trong danh sách bị nghi ngờ của binh lính Pháp và chính quyền phong kiến Nam triều. Sau đó cụ Hường Dẫn cùng gia đình lên Huế mở phòng mạch tại số 10 kiệt Chương Đức, P. Thành Cát nay là P. Thuận Hòa  - Huế. Cùng thời gian này, bà Trí Huệ vừa phụ làm nghề thuốc Bắc vừa đi học may vá và làm gối trái dựa ở Nội Cung.

Cách mạng tháng Tám thành công, bà được bầu làm Đại biểu Hội Phụ nữ ở địa phương. Bà kết duyên cùng ông  Nguyễn Văn Lộc chủ tiệm thuốc Tây Trung Việt – một cơ sở cách mạng, nuôi giấu nhiều cán bộ hoạt động trong nội thành Huế.  Bà Trí Huệ đã tổ chức vận chuyển thuốc cung cấp cho các chiến sĩ hoạt động nội thành Huế hoặc dọc theo sông Như Ý về núi Dạ Lê để chuyển thuốc lên chiến khu Dương Hòa. Trong một lần vận chuyển thuốc lên chiến khu, 2 nhân viên của tiệm thuốc Tây Trung Việt bị bắn chết tại làng Vân Dương (nay thuộc xã Thủy Vân –Hương Thủy), từ đó tiệm thuốc Tây của vợ chồng bà Trí Huệ bị giặc Pháp phá nát, chồng của bà cũng do buồn phiền mà chết. Sau đó bà bước thêm bước nữa với ông  Bùi Quang Kiều và có 2 người con.

Bà Công Tôn Nữ Trí Huệ cùng người con trai trao tặng chiếc gối dựa
cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh tư liệu gia đình) 

Lặng lẽ giữ nghề làm gối dựa

Trước khi theo cha lên Huế mở tiệm thuốc Bắc, là con cháu của hoàng tộc, bà Trí Huệ được phép vào Đại Nội học may vá thêu thùa như các Công Tôn Nữ khác. Công việc bà yêu thích là thêu thùa, cắt từng miếng gấm, kết hợp những miếng xốp nhỏ để bọc ngoài vỏ gấm, rồi thêu rồng, phụng làm thành từng chiếc gối dựa phục vụ cho hoàng tộc. Sau cách mạng tháng Tám, loại gối này cực kỳ nổi tiếng cả trong và ngoài nước, mỗi lần có dịp đi công tác tại Huế là các quan binh nước ngoài đều không quên mua một chiếc gối dựa về làm kỷ niệm.

Sau năm 1954, bà Trí Huệ được hoàng tộc Triều Nguyễn xin về ở tại cung An Định để phục vụ Đức Từ Cung (mẹ vua Khải Định), đây chính là thời gian bà tích lũy kinh nghiệm nghề làm gối dựa. Lợi dụng cung An Định lúc đó được sự bảo hộ của chính quyền Ngô Đình Diệm, ban ngày bà kết gối dựa, đêm về bí mật đưa cán bộ cách mạng vào cung An Định để hoạt động, nhiều người giờ đã là cán bộ có chức quyền tại tỉnh TT- Huế. Riêng với bà cuộc đời vẫn phẳng lặng giống hệt những luống quýt Hương Cần ngọt dịu, trong xanh từ bao đời nay. Sau khi kết thúc công việc làm phụng sự (chuyên lo hương khói, dọn dẹp và giới thiệu cho du khách tham quan) tại lăng Tự Đức năm 1976, bà lại về với việc đồng áng...

Sung sướng khi được gặp tướng Giáp

“Có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên cái ngày ra Hà Nội gặp được Đại tướng Võ Nguyên Giáp”- bà Huệ tâm sự. Vào khoảng tháng 10-2000, lần đầu tiên bà cùng người con trai ra Hà Nội được Ban Liên lạc đồng hương Huế tạo điều kiện gặp Đại tướng. Bà kể: “Tôi nói với mọi người, tôi có làm một chiếc gối dựa, món quà bao nhiêu năm qua tôi đã ấp ủ để tặng Đại tướng ngồi đọc báo, hoặc có thể nằm để thư giãn”.  Vậy là ý định của bà đã được Ban Liên lạc đồng hương Huế làm việc với đồng chí Huyên, thư ký riêng của Đại tướng, đồng chí cho biết Đại tướng đồng ý gặp bà.

“Vừa gặp Đại tướng tôi đã xưng hô “kính thưa cụ con từ Huế ra”, ngay lập tức Đại tướng ngắt lời: Bà đừng gọi thế! Đại tướng bảo: Tôi rất mừng được biết, gia đình bà cũng có những đóng góp cho sự nghiệp chung... Khi tôi tặng Đại tướng chiếc gối dựa, Đại tướng  xem và khen “món quà của bà đẹp... và công phu lắm...”. Sau bao ngày đợi mong, cuối cùng tôi đã gặp được người mà cả dân tộc tự hào và trân trọng, tôi vui sướng khi thấy Đại tướng vẫn minh mẫn, khỏe mạnh”.

Đã gần bước sang tuổi 90, bà Trí Huệ vẫn sống khỏe mạnh và bình an cùng người con trai tàn tật. Ngày ngày, bà vẫn nhẫn nại làm từng chiếc gối dựa cung đình để mưu sinh.

n Dương