Cậu học trò “ngửi chữ” và tương lai phía trước
(Cadn.com.vn) - Ngay từ lúc sinh ra Thịnh đã bị dị dạng giác mạc và đục thủy tinh thể. Bệnh tật là cản ngại lớn trong hành trình đi tìm con chữ của Thịnh. Nhìn Thịnh học bài, hình ảnh đầu tiên làm chúng tôi kinh ngạc là cuốn sách em cầm trên tay như đang úp vào mặt, tay rà đi rà lại từng con chữ. Thịnh cố mở thật to đôi mắt nhưng cũng chỉ he hé như người đang mơ ngủ, tròng đen chỉ nhỏ gần bằng hạt gạo. Chính vì đặc điểm này mà mọi người tặng cho em biệt danh “ngửi chữ”. Dẫu vậy, với sự nỗ lực kỳ diệu, suốt 12 năm liền Thịnh đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Mẹ Thịnh, bà Lưu Thị Huệ kể: “Lúc Thịnh đến tuổi học mẫu giáo, gia đình không dám cho cháu đi học vì sợ xe cộ đụng hay trâu bò giẫm phải. Thịnh không chịu ở nhà mà la khóc, nằng nặc đòi mua sách vở để đi học, buộc lòng tui phải cho Thịnh đi. Nào hay cuối năm học mẫu giáo, Thịnh được giấy khen xuất sắc. Mang tấm giấy khen về nhà, Thịnh áp sát vào mặt để đọc xem có đúng giấy khen ghi tên mình không. Thương con, vợ chồng tôi quyết định cho con tiếp tục theo học với tâm niệm học được đến đâu hay đến đó”.
Nhà cách trường hơn 8 km nhưng Thịnh chưa từng bỏ một buổi học nào. Điều đáng mừng là từ khi học cấp 2, em đã được người bạn thân cùng trường là em Võ Văn Quốc tự nguyện đưa đón đi học. Nhiều năm liền đôi bạn vùng quê nghèo này đã gắn bó với nhau bằng sự yêu thương, đồng cảm để cùng học tập, cùng đến lớp đến trường. Và chính Thịnh cũng đã giúp đỡ rất nhiều để Quốc cùng tiến bộ trong học tập.
Hằng ngày, Thịnh phụ mẹ mua bán ve chai. |
Đằng sau sự ham học ấy của Thịnh là hình ảnh một người cha, người mẹ hy sinh cả cuộc đời để con được đến trường. Hằng ngày, cha em làm thuê làm mướn, còn mẹ vừa làm công việc đồng áng, vừa mua bán ve chai. Để có thành tích học tập như ngày hôm nay, Thịnh luôn lấy tấm gương của chị gái là Phạm Thị Thu Sen (đang là sinh viên năm 4, Trường Đại học Kinh tế TPHCM) để phấn đấu. “Chị gái em cũng bị cận, loạn thị nặng gần 13 độ nhưng học rất giỏi. Chị dạy cho em phải gạt bỏ mọi tự ti, mặc cảm và lúc nào bản thân mình cũng luôn hướng về phía trước”, Thịnh tâm sự.
Biết được hoàn cảnh của Thịnh, hè năm 2012, một tổ chức từ thiện nước ngoài đã trực tiếp đến tư vấn, đưa em đi khám, chữa trị mắt tại các bệnh viện chuyên khoa lớn trong nước và chịu toàn bộ chi phí. Niềm hy vọng vừa lóe sáng nhưng lại vụt tắt khi các bệnh viện lắc đầu không thể chữa trị mắt cho em. Thậm chí mẹ em còn có ý “nhường” mắt cho em nhưng bác sĩ không cho phẫu thuật vì thần kinh Thịnh rất yếu.
Hành trình đi đến tương lai của em Phạm Phú Thịnh vẫn còn ở phía trước. Hiện tại gia đình em vẫn nằm trong diện hộ nghèo, bản thân lại bị khuyết tật nên ước mơ gắn bó 4 năm nơi giảng đường đại học của em khó thành hiện thực. Trước mắt, mẹ Thịnh dự tính phải bỏ công việc đồng áng theo Thịnh ra Đà Nẵng, đi làm thuê để nuôi giấc mơ đến trường của con.
Chia tay chúng tôi, cậu học trò nghèo tặng bốn câu thơ của nhà thơ Bùi Gia Nội: “Chiến thắng nào chẳng cần có những hy sinh/ Thành công nào không cần gắng sức/ Hạnh phúc chỉ nẩy mầm khi ta nỗ lực/ Hoài bão cuộc đời sáng rực ngày mai”. Thịnh “ngửi chữ” luôn tự dặn dò mình dù gặp bất cứ hoàn cảnh hay bất trắc nào trong cuộc sống, không ai được đánh mất những hoài bão, đánh mất những ước mơ của chính mình.
Lê Quang Quỳnh