Cấu trúc đề thi môn ngữ văn-tốt nghiệp THPT năm 2014: Bất ngờ nhưng không lạ
Dạng đề mở gợi nhiều hứng thú
(Cadn.com.vn) - Có thể nói trong chương trình sách giáo khoa (SGK) mới được triển khai thực hiện từ nhiều năm nay, vấn đề Nghị luận xã hội ở phân môn làm văn được các nhà biên soạn thể hiện khá đa dạng, đầy đủ và hệ thống từ lớp 6 đến lớp 12. Bước cải tiến này thật sự tạo nên không khí tích cực cho việc dạy- học văn, làm cho những tiết dạy-học ngữ văn gần hơn với cuộc sống, với học sinh qua những vấn đề quen thuộc, gần gũi mà thiết thực, ý nghĩa.
Các bài viết, thi học kỳ, thi học sinh giỏi, dạng câu hỏi, đề bài nghị luận xã hội đã có "đất" thể hiện, gợi mở được nhiều ý kiến, suy tư thú vị từ học sinh. Kể từ kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ khối C, D năm 2009 đến nay, dạng đề mở, đề nghị luận xã hội được đưa vào đề thi môn ngữ văn liên tục, không nhàm chán, không trùng lặp, luôn tạo nhiều hứng thú cho thí sinh, người chấm thi và dư luận xã hội.
Theo đó, cách ra đề kiểm tra, đề thi môn ngữ văn ở nhiều trường phổ thông, Phòng, Sở GD-ĐT cũng có chuyển biến tích cực, nhiều câu hỏi, đề thi rất hay, đậm hơi thở cuộc sống, giàu tính thời sự xuất hiện ngày càng nhiều, được học sinh, thầy cô giáo và dư luận đón nhận nồng nhiệt.
Từ cơ sở, kết quả đạt được đó, gần đây, Bộ GD-ĐT đưa ra cấu trúc mới cho đề thi môn ngữ văn và sẽ quyết tâm thực hiện trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2013-2014. Theo đó, đề thi môn Ngữ văn sẽ có hai phần: đọc-hiểu và viết. Cụ thể, kiểm tra kiến thức về tiếng Việt như chính tả, ngữ pháp, chấm câu, dùng từ, logic...; yêu cầu tóm tắt ý chính của một đoạn văn cho trước; chỉ ra các biện pháp nghệ thuật đặc sắc và tác dụng của biện pháp đó trong một đoạn văn/ thơ cho sẵn.
Phần kiểm tra năng lực viết sẽ đưa ra hai yêu cầu, một câu là viết bài nghị luận xã hội, một câu là viết nghị luận văn học. Ở câu nghị luận xã hội, câu hỏi và đáp án có tính mở, có tính chất tích hợp các kiến thức lịch sử, địa lý, đạo đức, văn hóa. Câu nghị luận văn học thì đáp ứng yêu cầu phân hóa cao, hướng tới tuyển sinh ĐH. Đề yêu cầu vận dụng sáng tạo những kiến thức, kỹ năng văn học để thực hành, phân tích, đánh giá, bình luận, bác bỏ một vấn đề văn học, một văn bản, trích đoạn.
Đáng chú ý, phần đọc hiểu, ngữ liệu của đề thi sẽ nằm ngoài văn bản SGK. Còn phần viết nghị luận văn học, có thể đụng đến những văn bản văn học không được đưa vào SGK. So với đề thi tốt nghiệp THPT những năm trước thì cấu trúc đề thi môn ngữ văn năm nay có sự thay đổi cơ bản ở phần câu Đọc-hiểu văn bản và ngữ liệu không nằm trong chương trình, sách giáo khoa ở phần viết.
Thay đổi cấu trúc đề thi môn Ngữ văn-tốt nghiệp THPT sẽ khiến nhiều học sinh lo lắng.(ảnh minh họa) |
Đòi hỏi thầy - trò chủ động, sáng tạo…
Cách ra đề thi theo hướng mở và tích hợp như thế, có nhiều cái lợi: chống được tình trạng học tủ, học vẹt, học thuộc lòng, lạm dụng sách văn mẫu; đánh giá được năng lực học sinh, phát huy tốt khả năng thông hiểu, vận dụng, kể cả năng lực phân tích, đánh giá, sáng tạo ở người học.
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT đưa ra cấu trúc mới về đề thi môn ngữ văn trong thời điểm cận kề, chỉ còn 2 tháng là đến kỳ thi tốt nghiệp, ít, nhiều gây bất ngờ và khó khăn nhất định đối với nhà trường, học sinh và thầy cô giáo dạy môn Ngữ văn. Giá như có kế hoạch, đưa sớm hơn, ngay đầu năm hoặc đầu học kỳ 2 thì định hướng, ôn tập của thầy- trò sẽ thuận tiện và đạt hiệu quả cao hơn.
Em Lê Anh Duy, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Quảng Ngãi) cho biết: "Em và các bạn khác rất tự tin khi làm dạng đề mở vì từ lớp 6 đến nay, chúng em đã được học và làm nhiều rồi. Hơn nữa, dạng đề mở, người viết ít bị áp lực phải thuộc nhớ dẫn chứng, chi tiết cụ thể, chính xác như trong nghị luận văn học. Tuy nhiên, nó cũng đòi hỏi thí sinh phải biết tư duy, vận dụng, chọn lọc dẫn chứng, cách thể hiện cho phù hợp với yêu cầu của từng đề mới đạt được điểm cao".
Thầy Lê Chấn Thi (Bình Sơn, Quảng Ngãi), giáo viên lâu năm, từng nhiều lần tham gia chấm thi tốt nghiệp, tuyển sinh đại học, nhận xét: "Trong kiểm tra bài viết tại lớp, lẫn thi tốt nghiệp, tuyển sinh đại học, tôi nhận thấy, phần lớn, các em làm hoàn thành nhanh dạng câu đọc- hiểu, nghị luận xã hội này trong khoảng 40-50 phút. Tuy nhiên, khi chấm thi, lại thấy ít có bài viết tốt, hoàn chỉnh. Nhiều bài, thí sinh viết rất lung tung, luận điểm, ý tứ rời rạc, dẫn chứng quá vụn vặt, không phù hợp. Có lẽ, nhiều thí sinh, chưa được rèn luyện tốt về kỹ năng và kiến thức đời sống, thực tế còn hạn hẹp".
Nhiều thầy cô giáo khác chia sẻ: Mặc dù, câu hỏi, đề bài về dạng đọc- hiểu, dạng đề mở về xã hội lẫn văn học hiện diện khá nhiều, đa dạng trong chương trình, SGK THCS và THPT, đặc biệt là lớp 11 và 12, song thời lượng, số tiết để hướng dẫn, rèn luyện cho các em trên lớp còn quá ít. Ví dụ ở chương trình chuẩn lớp 12, có 2 bài riêng về nghị luận một tư tưởng, đạo lý và nghị luận một hiện tượng đời sống, chương trình nâng cao, có thêm 1 bài nghị luận về vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học.
Mỗi bài chỉ có 1 tiết, rất khó cho người dạy và người học. Cô Nguyễn Thị Phương Lan, giáo viên văn, Trường THPT Chư Sê (Gia Lai) nói: "Càng dạy, mới thấy dạy dạng đề mở, nhất là về xã hội, đời sống, ngoài SGK khó hơn dạng đề văn học, mang tính khuôn mẫu trước đây. Văn bản, nghị luận văn học, mọi cái gần như có sẵn trong sách, giáo án. Còn dạng đề mở, nghị luận xã hội lại mông lung, mỗi đề có yêu cầu riêng, dường như không có mẫu số chung.
Ngoài kỹ năng, phương pháp, muốn dạy tốt dạng đề mở, giáo viên cần trải nghiệm, tìm hiểu, huy động nhiều từ vốn sống thực tế và các phương diện đời sống. Nếu chủ quan, ít chịu khó đọc, tìm hiểu sẽ gặp khó khăn trong giảng dạy. Qua thực tế dạy học, chúng tôi thấy được cái "bí" của học trò, cái khó của thầy giáo khi "đụng" vào dạng đề mở, đề tích hợp, đề nghị luận xã hội. Kể cả, đến lúc đi chấm thi, câu đề mở, đề xã hội cũng là câu khiến các giám khảo "đau đầu" khi đánh giá, cân nhắc cho điểm. Sắp tới, khi đề thi tốt nghiệp, đại học đưa thêm những văn bản, ngữ liệu bên ngoài thì cả người dạy, người học cần chủ động, tư duy, vận dụng sáng tạo hơn, mới mong có kết quả tốt".
Đỗ Tấn Ngọc