Cây xanh mà biết thở than…

Thứ năm, 24/10/2013 23:02

(Cadn.com.vn) - Theo thống kê, tại Đà Nẵng, cơn bão số 11 vừa qua làm 11 người bị thương, gây tổn thất vật chất hơn 869 tỷ đồng. Trong đó, theo báo cáo của Sở Xây dựng, qua kiểm đếm, thành phố đã có 40.000 cây xanh đô thị bị ngã đổ, thiệt hại 30 tỷ đồng.

Mưa bão làm cây xanh ngã đổ là không tránh khỏi, là chuyện đương nhiên. Song cũng chính cơn bão này đã vạch ra rất nhiều nghịch lý...

Sau bão, ai cũng dễ dàng nhận thấy: Vì sao trên cùng tuyến đường, phần lớn cây xanh do dân tự trồng thì “hiên ngang” trước bão, còn cây do Công ty Công viên cây xanh Đà Nẵng (Công ty CVCX) trồng thì nhanh chóng bật gốc. Ai cũng biết, người dân tự bỏ tiền đầu tư trồng cây theo kiểu “tay ngang”, trong khi đó đội ngũ cán bộ quản lý của Sở Xây dựng, Công ty CVCX được đào tạo trong nước hoặc tham gia các đoàn công tác ra nước ngoài tham quan, học tập kinh nghiệm về công tác quản lý và đầu tư phát triển cây xanh.

Công ty CVCX  nắm rõ hơn ai hết về quy định và cách thức trồng cây với các quy định cụ thể về tiêu chuẩn cây xanh, kỹ thuật trồng cây, bầu rễ, hố trồng, cây chống... chính xác đến từng cen-ti-mét. Đồng thời trước bão số 11 đổ bộ, Sở Xây dựng ban hành văn bản yêu cầu Công ty CVCX tập trung kiểm tra, rà soát, xử lý đảm bảo cho cây xanh có thể chống chọi với bão, ngăn ngừa hiện tượng ngã đổ, thậm chí còn quy định cắt đến 30-40% diện tích tán lá cây xanh... Thế nhưng, sau bão, cây đổ đã lồ lộ ra những chùm rễ nhỏ, thậm chí có bộ rễ còn bọc nguyên trong bao ni-lông... Đã nhận thấy sự buông lỏng quản lý, giám sát kỹ thuật và cả sự gian dối trong việc đầu tư trồng và chăm sóc cây xanh!

Đấy là chưa kể còn có đòi hỏi cao hơn đối với Công ty CVCX Đà Nẵng là phải làm thế nào tìm kiếm các loài cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết, khí hậu, cảnh quan môi trường TP Đà Nẵng nhằm đảm bảo ngăn ngừa tối ưu nhất sức tàn phá của thiên tai ở miền Trung khắc nghiệt.

Mới đây qua báo chí, người dân thành phố được biết có đến 95%  cây xanh ngã đổ sau bão số 11 là do “quy định một đằng, làm một nẻo”. Ngoài nguyên nhân mưa bão, việc làm trái quy định, làm dối, làm ẩu của Công ty CVCX đã góp phần gây thiệt hại lên đến 30 tỷ đồng. Thiết tưởng, lãnh đạo TP cũng cần chỉ đạo làm rõ trong thiệt hại ấy có bao nhiêu phần trăm do thiên tai, bao nhiêu phần trăm là do “nhân tai” để từ đó có biện pháp xử lý, chấn chỉnh.

Cách đây không lâu, chúng ta đã nghe nhiều chuyện lùm xùm tại các Công ty hoạt động công ích ở TPHCM. Dù không có ý liên tưởng hay đánh đồng, song từ thực trạng cây xanh ngã đổ la liệt sau bão số 11, không khỏi đặt vấn đề về trách nhiệm của lãnh đạo Công ty CVCX trong việc quản lý, điều hành cũng như hiệu quả các hoạt động công ích. Đòi hỏi này là chính đáng bởi trong nhiều năm qua, dù ngân sách không phải là dư dả nhưng kinh phí duy tu, bảo dưỡng cây xanh, công viên giai đoạn 2011-2013 được TP dự trù 220 tỷ đồng và đã duyệt chi 195 tỷ đồng!

Nói một cách ví von, mọi hoạt động về đầu tư, kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh, chỉ có cây xanh và Công ty CVCX biết rõ nhất. Giả thiết rằng, nếu cây xanh mà... biết thở than, biết phản ánh những bất hợp lý, về “cách đối xử hời hợt” của Công ty CVCX, thì chắc rằng sẽ không có chuyện cây xanh bị ngã đổ thảm thương, tức tưởi như sau cơn bão vừa rồi. Và khi ấy, cũng khó mà nói ra những lời bao biện...

Nguyễn Đức Nam