Cây xanh ở những con đường nhỏ
(Cadn.com.vn) - Trong những năm qua, diện mạo đô thị Đà Nẵng thay đổi từng ngày cùng với những chủ trương, giải pháp phát triển đô thị theo hướng văn minh hiện đại được Đảng bộ và chính quyền thành phố triển khai, với sự ủng hộ, đồng thuận cao của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đường phố khang trang, phố phường xanh sạch, màu xanh của hoa lá cỏ cây ngày càng hiện hữu và tạo ra những nét rất riêng cho diện mạo đô thị Đà Nẵng. Trong những cái được cái hay đó, vẫn còn những tồn tại một số bất cập liên quan đến việc quản lý cây xanh đô thị ở những tuyến đường, đặc biệt là ở những “con đường nhỏ” có mặt cắt từ 7,5m trở xuống. Nó liên quan đến vấn đề quản lý, bao gồm việc trồng mới, đốn tỉa, chặt hạ cây xanh trên vỉa hè cũng như những chế tài đáng lý ra phải được cơ quan chức năng thực hiện đối với các vi phạm liên quan đến cây xanh đô thị và môi trường.
Sở dĩ nói các bất cập trong những con đường nhỏ là do hiện nay việc quản lý và chăm sóc bảo dưỡng cây xanh những tuyến đường có mặt cắt từ 10,5 m trở lên là do Cty Công viên - Cây xanh chịu trách nhiệm. Còn những con đường từ 7.5m trở xuống đang phổ biến tình trạng cây xanh không người quản lý, đơn giản chỉ vì những con đường này chưa được các Ban quản lý (BQL) dự án bàn giao cho đơn vị có chức năng quản lý là Cty Công viên - Cây xanh.
Thực tế là, do tốc độ đô thi hóa nhanh, các công trình xây dựng dân dụng liên tiếp mọc lên, nhất là vào thời điểm những năm trước và sau năm 2000, dẫn đến tình trạng người dân do nôn nóng đã tự ý trồng đủ loại cây xanh trước vỉa hè của mình để có bóng mát, trong khi đáng lý ra BQL dự án các khu dân cư, con đường phải có trách nhiệm hoàn chỉnh về hạ tầng, bao gồm đường điện, cấp nước cây xanh, thì người dân mới tiến hành xây dựng. Đến khi cả tuyến đường lấp đầy nhà thì hầu như cây xanh cũng đã mọc lên, thậm chí là mọc trước khi đặt viên gạch đầu tiên. Điều đó dẫn đến tình trạng rất nhiều con đường từ 3,5m đến 7,5m ở Đà Nẵng hiện nay đủ loại cây được người dân trồng tự phát. Thôi thì đủ loại từ Trứng cá, đến xoài, khế, Sake, si, bã đậu... Nếu theo danh mục cây được phép và không được phép trồng mà thành phố mới ban hành rất nhiều cây phải bị loại ngay. Thế nhưng do không ai quản lý nên ai muốn trồng gì thì trồng, không ai xử phạt và cũng chẳng ai khuyến cáo phải trồng loại cây gì, kích cỡ ra sao...
Được biết, trên những con đường như vậy, nếu hộ dân nào muốn chặt hạ, đào bỏ cây trước nhà mình đều phải làm đơn xin phép thành phố, cụ thể là Sở Xây dựng và Sở nhận đơn rồi chuyển Cty Công viên - Cây xanh. Cty này cho người kiểm tra để xem có được chặt hạ hay không... Xử lý như vậy nôm na là với “đầu ra” là hợp lý, còn ở “đầu vào” (trồng mới) thì hoàn toàn bỏ ngỏ. Cty Công viên - Cây xanh không được bàn giao, mà thực chất là không thể nhận bàn giao từ các BQL vì thực trạng cây xanh “hỗn tạp”, “xôi đỗ” như vậy. Từ đó, bao năm nay, không ai quản lý cây xanh ở các tuyến đường chưa được bàn giao này, trong khi nhiều BQL dự án đã giải thể hoặc sáp nhập từ lâu!.
Để khắc phục những tồn tại, bất cập này, trong lúc thành phố đang tích cực triển khai chủ trương “xã hội hóa” cây xanh đô thị, thì các bên nên ngồi lại với nhau để thống nhất cách thức xử lý dứt điểm tình trạng trên hoặc giao Sở Xây dựng đề xuất cách khắc phục để UBND thành phố có quyết định cuối cùng. Qua đó, từng bước xóa bỏ những “con đường tạp” về cây xanh, không phù hợp với một thành phố Đô thị loại 1 như Đà Nẵng.
Dân Hùng