“Cày xới” sông Sê San
Chiếc thuyền đưa chúng tôi từ bến làng Ếch ngược dòng Sê San. Khoảng 20 phút lênh đênh giữa dòng sông, qua khu vực sông thuộc làng Jom (xã Ia Khai, H. Ia Grai, Gia Lai) một chiếc thuyền hút cát đang chạy ngược hướng trở lại nhìn về thuyền chúng tôi đầy ý thăm dò. Khi thấy chúng tôi với những chiếc cần câu trên tay, chiếc thuyền trên mới dừng lại tuồn chiếc ống xuống dòng sông nổ máy hút cát lên thuyền.
Một chiếc thuyền hút cát của DNTN Hữu Phước tại khu vực làng Nú (xã Ia Khai, H. Ia Grai, Gia Lai), nằm ngoài vùng khai thác được cấp. |
Cấp một đường, khai thác một nẻo
Ngày 1-8-2018, UBND tỉnh Gia Lai đã có quyết định số 362 về việc Cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho DNTN Hữu Phước (có địa chỉ tại xã Ia Krái, H. Ia Grai, Gia Lai) do ông Hà Trọng Phê làm Giám đốc. Theo quyết định, DN này được khai thác cát xây dựng bằng phương pháp lộ thiên tại mỏ cát xây dựng thuộc xã Ia Khai (H. Ia Grai), mà cụ thể là khai thác dạng cát bồi lắng dưới đáy sông Sê San. DN được khai thác trong khu vực 7ha giới hạn ở 8 điểm góc (có chiều dài 1,2km) trên sông Sê San đoạn qua địa phận làng Ếch (xã Ia Khai, H. Ia Grai) với trữ lượng hơn 101.000m3 trong thời hạn hơn 10 năm. Đây cũng là đơn vị duy nhất được cấp giấy phép khai thác cát xây dựng trên dòng sông Sê San và trên địa bàn H. Ia Grai.
Dù được cấp phép là thế nhưng theo phản ánh của người dân sinh sống dọc bờ sông Sê San, chuyện DNTN Hữu Phước đưa 3 chiếc thuyền hút cát “cày xới” trên dòng Sê San không còn mới. Thậm chí, ngoài cả khu vực vừa được cấp phép, DN này còn đưa thuyền cách đó cả 5-7km để khai thác cát tại khu vực sông Sê San đoạn qua làng Nú, làng Jom (xã Ia Khai). Việc khai thác cát kiểu vô tội vạ đó khiến người dân lo lắng về việc bờ sông bị sạt lở, ảnh hưởng đến đất sản xuất của người dân dọc hai bên bờ sông này khi những chiếc thuyền hút cát có sức chứa 60-100m3 khai thác bất kể ngày đêm.
Bãi tập kết cát của DNTN Hữu Phước tại xã Ia O (H. Ia Grai). |
Để mục sở thị, trong vai những người câu cá, chúng tôi thuê thuyền của người dân đi dọc bờ sông Sê San đoạn qua địa bàn xã Ia Khai. Ngay tại đoạn sông qua làng Ếch im ắng, không xuất hiện một chiếc thuyền nào. “Giờ này, mấy chiếc thuyền hút cát lên tận khu vực bến làng Jom, làng Nú, cứ dọc theo bờ sông này, họ cứ dừng chỗ nào hút chỗ đấy thôi”, người lái thuyền cho biết. Chiếc thuyền đưa chúng tôi từ bến làng Ếch ngược dòng Sê San. Khoảng 20 phút lênh đênh giữa dòng sông, qua khu vực sông thuộc làng Jom (xã Ia Khai) một chiếc thuyền hút cát đang chạy ngược hướng trở lại nhìn về thuyền chúng tôi đầy ý thăm dò. Khi thấy chúng tôi với những chiếc cần câu trên tay, chiếc thuyền trên mới dừng lại tuồn chiếc ống xuống dòng sông nổ máy hút cát lên thuyền.
Tiếp tục ngược lên dòng Sê San, thêm 2 chiếc thuyền khác đang dùng máy hút có công suất lớn hút cát từ dòng Sê San lên và đây là đoạn sông thuộc địa phận làng Nú (xã Ia Khai). “Chiếc thuyền to kia có thể chứa khoảng 100m3 đấy, khoảng hơn 2 giờ đồng hồ là chiếc thuyền trên lại về bãi cát ở bên dưới cách đây khoảng 10-12km cho cát xuống rồi lại đi. Họ hút cát cả ngày lẫn đêm!”, một người dân ở xã Ia Khai đi cùng thuyền cho biết. Theo quan sát của chúng tôi, những chiếc thuyền trên khá lớn và hầu như mọi sinh hoạt ăn uống, ngủ nghỉ của những công nhân đều diễn ra ở đây. Từ thông tin tìm hiểu của chúng tôi, DNTN này có 3 chiếc thuyền hút cát, chiếc nhỏ nhất có thể chứa khoảng 60m3, chiếc lớn nhất chứa khoảng 100m3.
Những chiếc xe ben chở cát từ bãi tập kết của DNTN Hữu Phước cày nát đường dân sinh. |
Chưa đủ thủ tục vẫn ồ ạt hút cát
Rời đường sông, chúng tôi theo lên đường bộ, băng qua những con đường đất đỏ lầy lội qua các lô cao su đến khu vực Đội 18 (xã Ia O, H. Ia Grai) nơi được DNTN Hữu Phước xây dựng điểm tập kết cát, cách địa điểm những chiếc thuyền khai thác khoảng 12-15km. Dù chỉ có vài ki-lô-mét nhưng con đường đất dẫn vào điểm tập kết này lầy lội bởi những chiếc xe ben chở cát ngất ngưỡng ra vào liên tục. Qua thông tin tìm hiểu, đa phần những chiếc xe ben này vận chuyển cát từ đây qua khu vực H. Đức Cơ (Gia Lai). Chưa kể, hầu như những chiếc xe ben này đều chở cát trong tình trạng quá tải.
Ngày 6-8, trao đổi với PV, ông Thái Anh Tuấn, Phó trưởng phòng Tài nguyên môi trường H. Ia Grai cho biết: DNTN Hữu Phước đã được UBND tỉnh Gia Lai cấp giấy phép khai thác. Tuy nhiên, thời điểm này DNTN Hữu Phước vẫn chưa có báo cáo về địa phương các số liệu liên quan như: số lượng tàu thuyền khai thác, nhân công, số lượng cát khai thác mỗi ngày. Đồng thời, đơn vị này vẫn chưa cắm mốc bằng phao tiêu tại 8 điểm góc tại các tọa độ đã được quy hoạch để xác định ranh giới. Sau khi hoàn tất các thủ tục trên, DNTN Hữu Phước mới được đi vào hoạt động khai thác.
Điều đó có nghĩa DNTN này đã bất chấp các quy định, rũ bỏ các trách nhiệm mà UBND tỉnh quy định đối với một đơn vị khai thác khoáng sản khi được cấp phép. Bởi khi chưa thực hiện các trách nhiệm trên: cắm phao tiêu xác định tọa độ, trình kế hoạch khai thác, chế biến... DNTN này đã đưa các phương tiện vào khai thác cát và bán đi nơi khác mà không đơn vị chức năng nào kiểm soát được. Thậm chí, đơn vị này còn khai thác ồ ạt cả ngay ngoài vùng được quy hoạch được phê duyệt bất chấp các quy định của pháp luật. Nguy hại hơn, tại những điểm mà đơn vị chức năng khảo sát đã xuất hiện một số điểm sạt lở cục bộ, xâm thực vào bờ từ 2-3m. Với việc khai thác ngoài vùng quy hoạch này, không ai dám chắc liệu tình trạng sạt lở này có còn dừng lại, đặc biệt khi Tây Nguyên đang vào mùa mưa lũ.
Phóng sự: MINH TÂN