Cây xương rồng xanh mãi

Thứ năm, 13/05/2021 19:10

(Đọc tập thơ Đứa con muộn mằn của Lê Lộc Tân)

Bìa tập thơ Đứa con muộn mằn. 

Lệ thường, trước và sau ngày kỷ niệm 30 tháng 4 hằng năm, tôi hay tìm đọc những trang hồi ức về thời chiến tranh, về những cuộc đời của những người từng đi qua những năm tháng khốc liệt nhất của đất nước và mong mỏi họ, ngày hôm nay, có được một cuộc đời an yên, hạnh phúc. Và năm nay, như một cơ duyên, tôi đọc được bài thơ Đứa con muộn mằn của Lê Lộc Tân (tên thật là Lê Ra), để rồi đọc một lần, trọn 83 bài thơ trong tập thơ Đứa con muộn mằn (Nxb Thanh niên, 2021) của anh. 

Lê Lộc Tân sinh ra bên dòng sông Vu Gia, bên này sông là quê anh và bên kia sông là quê của người con gái mà anh yêu mến. Hai tình yêu: yêu dòng sông quê và yêu em, quyện vào nhau và vì thế nhà thơ của chúng ta viết nên những lời thơ gần như giống ca từ của một bài hát, rất thơ mộng và đẹp đẽ:

Anh ở bên tê, em ở bên ni

Sông Vu Gia chảy giữa vùng quê hai đứa

Bên tê lở, cho bên ni bồi thêm nữa

Tình anh bồi lắng hết phương em 

(Anh, em và dòng sông quê hương)

Tôi cũng sinh ra bên dòng sông Vu Gia, đã từng tham gia vào dòng người đông đúc khơi thông lại dòng sông Quảng Huế, nối Thu Bồn và Vu Gia, đã từng mừng vui với những dòng kênh đưa nước về tưới những cánh đồng lúa 3 mùa sau ngày giải phóng, nên tôi rất đồng cảm Lê Lộc Tân, khi anh kể về những cảnh “Đất nứt nẻ chân chim”, “cây lúa chết khô”, “ hạt lúa lép xẹp”, “những trai tráng lên rừng đốn củi, đốt than/Một vạt rừng đổi mấy đồng cân gạo”, để từ đó thấm thía nỗi vui mừng khi nước về đồng:

Lũ trẻ cởi truồng tung tăng bờ kênh chờ trò đuổi bắt

Lão nông tri điền cười rung chòm râu bạc

Chú bê vàng nhảy cẫng lên mắt tròn ngơ ngác

Nước về đồng mênh mông…!

(Nước về)

Và để từ đó có lại được những mùa vui như ngày xưa còn bé trong sự thương yêu đùm bọc của mẹ hiền và quê hương:  

Tháng Hai, Ba nhộn nhịp hội mùa

Mẹ tôi gói cả hương vị đồng làng vào trong nồi bánh nếp

Sớm mai, dắt tôi ra đình

Dâng lên thần Nông

Lũ trẻ chúng tôi mê mải trên đồng

Quanh những ụ rơm vàng thơ ngai ngái!

(Mẹ và cánh đồng) 

Đọc thơ của Lê Lộc Tân, tôi hiểu, anh cũng đã từng trải qua những chật vật trong cuộc sống (nhất là thời “bao cấp”), cũng có những dằn vặt nội tâm khiến anh cất lên tiếng thơ ray rứt, dày vò. Nhưng thơ của Lê Lộc Tân không bi lụy, hay than thở. Anh tìm thấy cái triết lý sống qua hình ảnh của cây xương rồng, “chỉ có cát dưới chân/ nắng gió mênh mông” mà xương rồng vẫn xanh, xanh mãi, tràn đầy sức sống, bền bỉ, thiết tha: 

Cây xương rồng vẫn xanh màu tha thiết

Giữa đất

Trời

Nắng

Gió mênh mông!

(Xương rồng xanh)

Tất nhiên, là tập thơ đầu tay, gói gọn cả một chặng đường dài thơ ca của tác giả, Đứa con muộn mằn, phong phú về đề tài: tình yêu, thế sự, công cha ơn mẹ, tình đất nghĩa sông và theo dòng thời gian – dòng đời rất rõ với những trải nghiệm và nhận thức sâu sắc về công cha, nghĩa mẹ, tình cảm và trách nhiệm gia đình, quê hương, đất nước, về tình bằng hữu, trách nhiệm công dân, và thật nhiều những giãi bày tâm tư, sâu lắng, mang những tính triết lý nhân sinh với những trải nghiệm về cuộc đời và đời người, mà trong một bài viết ngắn này tôi không thể kể ra hết được. Tôi muốn dành những dòng còn lại cho những tự sự của anh về những điều lắng sâu của một con người thời “hậu chiến” (như tôi, như anh) về những nỗi đau chưa dứt của một thời chiến tranh, còn khắc khoải đến bây giờ:

Bây giờ anh ở đâu

Ai có biết, xin nhắn về địa chỉ:

- Hòn Vọng Phu…

Ai có biết, xin nhắn về cho mẹ già:

- Ở làng Mong Đợi…!

(Bây giờ anh ở đâu)

Và có hiểu được những “dòng tin nhắn” như trong bài thơ Bây giờ anh ở đâu, ta mới hiều được cái phần phúc của một con người, mà tác giả đã gửi gắm trong bài thơ Đứa con muộn mằn, để ta sẻ chia, cảm thông, chúc phúc cho nhân vật: “Chị” và đứa con sinh ra muộn mằn của chị, đã cho chị niềm hạnh phúc trong cuộc sống  thời bình. Bài thơ đã thể hiện cái nhìn rất nhân văn của tác giả:   

Đứa con muộn mằn đời chị lớn lên

Trong vòng tay thiêng liêng tình mẹ

Nhìn con vui đùa thơ trẻ

Chị tôi cười… đôi mắt rưng rưng!

Ôi ! Hạnh phúc đơn sơ, hạnh phúc bình thường

Tạo hóa ban cho người phụ nữ

Xin đừng gọi đó là điều lầm lỡ

Người ơi…!

(Đứa con muộn mằn)

Cuối cùng, tôi xin thành thật chia vui với  Đứa con muộn mằn của Nhà thơ Lê Lộc Tân và mong anh lấy sự thành công này làm động lực để tiếp tục sáng tạo và cho ra đời những đứa con tinh thần tiếp theo. 

BÙI XUÂN

(Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam)