Chậm chuyển tiền từ thiện có vi phạm pháp luật

Thứ hai, 07/06/2021 10:31

Như đã đề cập tại bài viết “Cá nhân có được phép vận động, nhận và phân phối tiền, hàng hỗ trợ” được đăng tải ở kỳ trước về vấn đề đang được khá nhiều người quan tâm hiện nay, đó là việc nghệ sĩ chậm chuyển tiền từ thiện trong 6 tháng có bị xem là vi phạm pháp luật?

Theo Luật sư Phạm Văn Thanh – Phó trưởng Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh tại TP Đà Nẵng: Nếu thiên tai, bão lụt, dịch bệnh đã xảy ra quá lâu, hậu quả về vật chất cơ bản đã được chia sẻ và khắc phục, đời sống đã ổn định trở lại thì việc cứu trợ sẽ không còn ý nghĩa như ban đầu. Tuy nhiên, để khẳng định hành vi chậm chuyển tiền từ thiện có vi phạm pháp luật hay không, cần phải xem xét nhiều khía cạnh. Cụ thể, thứ nhất, hiện nay, việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo được quy định tại Nghị định số 64/2008/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo quy định tại Điều 7 nghị định này, thời gian phân phối tiền, hàng cứu trợ được thực hiện ngay trong quá trình vận động đóng góp và kết thúc chậm nhất không quá 20 ngày kể từ ngày kết thúc thời gian vận động đóng góp theo quy định. Tuy nhiên, như đã phân tích tại bài báo ở kỳ trước, việc vận động, tiếp nhận, phân phối tiền, hàng cứu trợ với tư cách cá nhân không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 64/2008/NĐ-CP. Ngoài ra, hiện nay không có văn bản nào quy định quy trình vận động, tiếp nhận, phân phối tiền, hàng cứu trợ với tư cách cá nhân, do đó, mặc dù người đứng ra kêu gọi, vận động và nhận tiền hỗ trợ mà chậm chuyển tiền kéo dài đến 6 tháng vẫn không vi phạm quy định pháp luật về tổ chức việc từ thiện. Tuy vậy, các nhà hảo tâm đã ủng hộ có quyền yêu cầu người này báo cáo, giải trình việc chậm trễ, cũng như yêu cầu nhanh chóng tổ chức thực hiện việc trao tiền, hàng hỗ trợ hoặc có quyền lấy lại tiền đã ủng hộ. Lưu ý rằng, tiền ủng hộ lúc này không chỉ bao gồm số tiền nhà hảo tâm đã chuyển mà còn bao gồm cả tiền lãi phát sinh theo lãi suất ngân hàng trong thời gian chậm chuyển tiền từ thiện.

Thứ hai, hành vi chậm chuyển tiền không vi phạm quy định về tổ chức từ thiện, tuy nhiên nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm hành vi này vẫn có thể bị chịu truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù hoặc tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân. Do đó, để có thể khẳng định hành vi chậm chuyển tiền của nghệ sĩ có vi phạm pháp luật hình sự hay không, cơ quan chức năng phải điều tra, xác minh và làm rõ mục đích, động cơ chậm chuyển tiền nêu trên.

Chuyên mục này có sự cộng tác về chuyên môn của Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh tại TP Đà Nẵng.

Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3572456, 0903573138