Chậm xử lý nhiều vấn đề dân bức xúc

Thứ năm, 24/09/2020 07:27

Trong cuộc họp liên tịch sáng 23-9, Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lê Minh Trung đã liệt kê hàng loạt vấn đề người dân bức xúc, kiến nghị từ kỳ họp này sang kỳ họp khác, từ năm này qua năm khác nhưng TP vẫn xử lý không xong. Có thể kể tới như việc di dời các tuyến xe bus liền kề ra khỏi trung tâm TP, việc xử lý qui hoạch treo, đất nông nghiệp không sản xuất được, xử lý nước thải các khu dân cư ở Hòa Vang, xử lý nuôi cá lồng bè trái phép trên sông Cẩm Lệ...

Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lê Minh Trung điều hành cuộc họp liên tịch.

Xem xét thu hồi 50 dự án

Ông Trung nói rằng, trong kỳ họp HĐND TP cuối năm 2020 (dự kiến từ ngày 7 đến 9-12) sẽ thông qua 71 tài liệu, đồng thời thông qua công tác nhân sự và bộ máy (thành lập mới 2 Văn phòng trên cơ sở chia tách Văn phòng Đoàn ĐBQH-HĐND-UBND TP.Đà Nẵng). Trong số các nội dung đưa ra kỳ họp, có nhiều vấn đề người dân bức xúc, kiến nghị nhiều lần nhưng TP xử lý chậm chạp, thì lần này phải xử lý dứt điểm. Nổi bật trong số đó là các dự án treo. Trưởng Ban Đô thị Nguyễn Thành Tiến nói: Các dự án “treo” ảnh hưởng lớn tới quyền lợi người dân trong vùng dự án, từ tách thửa, xây nhà, chuyển nhượng. Song điều đáng nói, số lượng các dự án “treo” rất lớn, có những dự án chưa qui hoạch, cấp phép, chưa làm nghĩa vụ thuế mà mới chỉ là chủ trương đầu tư, biên bản ghi nhớ đầu tư, mới phê duyệt ranh giới đầu tư... Theo ông Tiến, trong số 1.084 dự án, có 544 dự án đã hoàn thành thì không rà soát nữa mà nên tập trung vào các dự án đang và sẽ triển khai. Cần chia ra cụ thể từng nhóm dự án, mức độ pháp lý, triển vọng triển khai để tính toán, cái nào tiếp tục triển khai, cái nào hủy. Qua xem xét có khoảng 40-50 dự án có thể hủy qui hoạch đất. Đây là các dự án tính pháp lý mỏng, sơ khởi và các dự án không có nhu cầu đầu tư như các trường đại học mới ghi nhận đầu tư nhưng để hàng chục năm không triển khai. Bên cạnh đó, với các dự án chắc chắn triển khai như làng đại học, ga đường sắt mới, công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn... TP cần xây dựng cơ chế hỗ trợ người dân đồng bộ, từ xây nhà, tách thửa, chuyển nhượng... Phó Chủ tịch UBND TP Trần Văn Miên thừa nhận nhiều dự án “treo” kéo dài, gây bức xúc cho người dân, lãng phí đất đai, song việc rà soát, xử lý còn chậm trễ. Tuy vậy, mới đây TP đã rà soát, cho phép người dân trong vùng qui hoạch các dự án có thể được tách thửa theo hạng mức (ví dụ ở Hòa Vang diện tích tách thửa phải trên 150m/thửa), cho phép được xây dựng nhà trên diện tích đất tới 100m2.

Liên quan tới đất nông nghiệp không sản xuất được, ông Trần Chí Cường- Trưởng Ban Kinh tế -Ngân sách cho biết đã đề cập nhiều, có nghị quyết thu hồi, song đến nay mới chỉ thu hồi được hơn 10ha. Trong khi đó, năm 2019, TP vẫn phải chi 9 tỷ đồng hỗ trợ các hộ dân có đất nông nghiệp không sản xuất được do ảnh hưởng bởi các dự án. Ông Cường nói: Trong số 348 ha đất nông nghiệp không sản xuất được có 276 ha nằm trong các dự án “treo”. Đơn cử như dự án Trung tâm hành chính xã Hòa Châu, dân bỏ ruộng hoang không sản xuất, chờ triển khai dự án để bồi thường, nhưng dự án mãi không triển khai. Phó Chủ tịch HĐND Lê Minh Trung nói: Gọi là đất nông nghiệp không sản xuất được (theo hồ sơ) nhưng thực tế là móng nhà hết rồi. Hàng năm, TP hỗ trợ 9 tỷ đồng, không khéo người ta đã làm nhà trái phép trên đó rồi mà vẫn còn được nhận hỗ trợ đất nông nghiệp không sản xuất được. Ông Trung bảo, đi kiểm tra đất nông nghiệp không sản xuất được nhưng không thấy đất mà chỉ thấy móng nhà. Bà Đặng Thị Kim Liên - Chủ tịch MTTQVN TP Đà Nẵng nói: Việc hỗ trợ người dân không sản xuất được do đất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi các dự án là hợp lý, đúng đối tượng. Tuy vậy, việc để đất nông nghiệp biến thành móng nhà, để xảy ra xây dựng trái phép là trách nhiệm của các địa phương. Sau này khi thực hiện dự án, phần nhà xây trái phép này không được đền bù, thiệt hại thuộc về người dân. Bà Liên nhấn mạnh, thời gian thu hồi đất nông nghiệp không sản xuất được phải có lộ trình, phải chốt thời gian hoàn tất không thể để kéo dài được nữa.

TP kiên quyết dẹp tình trạng nuôi cá lồng bè dày đặc trên sông Cẩm Lệ.

Không còn đường lùi

Ông Nguyễn Thành Tiến nói, việc di dời xe buýt liền kề từ Quảng Nam ra khỏi trung tâm TP hiện triển khai rất chậm. Kế hoạch tới ngày 30-9 này phải hoàn thành, nhưng mới đây Sở GTVT làm việc với Quảng Nam thì sở GTVT Quảng Nam lại không thống nhất. Ông Tiến nói, quan điểm di dời phải thống nhất, đẩy nhanh, không thể viện dẫn lý do phía Quảng Nam không đồng ý mà trì hoãn. Đồng quan điểm, bà Đặng Thị Kim Liên nói, xe buýt liền kề được ví như tử thần, gây ô nhiễm môi trường, ám ảnh với người dân mỗi khi vào trung tâm TP. Mặc dù TP đã có lộ trình, song việc di dời cứ chậm trễ, kéo rê từ trước Tết, rồi hết tháng 3-2020, hết tháng 6-2020, hết tháng 9-2020, nay lại nói phía Quảng Nam không thống nhất. TP phải thống nhất quan điểm di dời, không phụ thuộc vào việc Quảng Nam có đồng ý hay không. Phó Chủ tịch UBND TP Trần Văn Miên cho biết, quan điểm thống nhất vẫn phải di dời, nhưng do 2 trạm trung chuyển phía Hòa Vang, Ngũ Hành Sơn chưa hoàn thiện nên tạm thời giãn thời gian thêm.

Về vấn đề nuôi cá lồng bè trên sông Cẩm Lệ, ông Lê Minh Trung nói, cả 3 nhiệm kỳ đều có nghị quyết xem xét đi đến chấm dứt. Tuy nhiên, đến nay không chỉ chấm dứt mà thực tế lại tăng thêm. Nếu đầu năm 2006 có 1 hộ, ra quyết định dẹp, thì nay đã mọc lên kín sông. Ông Trung nói, TP đang nạo vét sông Cổ Cò hình thành tuyến du lịch đường sông nối với Hội An, tuyến du lịch đường sông tới Túy Loan, song việc nuôi cá lồng bè trái phép bùng phát không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan, phát triển du lịch, mà còn để lại hệ lụy môi trường. “Tôi rất ngạc nhiên, đã nuôi cá lồng bè trái phép trên sông rồi mà vừa rồi họ lại đi kiện Cty cấp nước Đà Nẵng, sao lại làm đập ngăn mặn, làm ảnh hưởng dòng chảy, cá chết. Rồi lại đề nghị TP hỗ trợ” - ông Trung nói. Do vậy, ông Trung đề nghị UBND TP cần kiên quyết, xử lý dứt điểm tình trạng nuôi cá lồng trên sông. Ông Trần Văn Miên cho biết, TP sẽ kiên quyết dẹp tình trạng nuôi cá lồng trái phép trên sông. Nếu chủ tịch các quận, phường không quản lý, không dẹp được sẽ xem xét trách nhiệm, điều chuyển công tác. Về vấn đề này, Thành ủy Đà Nẵng cũng có chỉ đạo phải xử lý dứt điểm.

Ngoài ra, cuộc họp liên tịch cũng bàn tới một số nội dung cần xử lý dứt điểm như việc thiếu khớp nối các khu tái định cư ở Hòa Vang. Hiện các khu dân cư ở Hòa Vang chưa có hệ thống thu gom nước thải, trong đó có những khu vực rất nhạy cảm. Chẳng hạn khu dân cư trung tâm xã Hòa Bắc, ngay đầu nguồn sông Cu Đê, nguồn cung cấp nước cho nhà máy nước Hòa Liên, hiện TP đã đồng ý chủ trương khẩn trương xây dựng hệ thống thu gom nước thải tại đây. Hay việc đẩy nhanh xây dựng các trạm trung chuyển rác, xây dựng nhà máy xử lý rác thải Khánh Sơn, thu phí đậu đỗ ô-tô tại các tuyến đường trung tâm...

HẢI QUỲNH