Chặn đứng vụ lừa đảo hơn 560 triệu đồng
9 giờ ngày 10-5, số tiền 565 triệu đồng sau khi được phong tỏa đã được Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), Chi nhánh TPHCM chuyển cho người bị hại qua Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) Chi nhánh Q. Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Đây là kết quả của sự vào cuộc nhanh chóng của CAP Hòa Khê, Q. Thanh Khê và Agribank chi nhánh Q. Thanh Khê sau khi nhận được thông tin từ chị V.T.X. (một khách hàng của Agibank chi nhánh Q. Thanh Khê) về việc chị bị lừa đảo.
Đại úy Võ Vinh làm việc với lãnh đạo Agribank chi nhánh Q. Thanh Khê. |
Thiếu tá Huỳnh Mến - Trưởng CAP Hòa Khê cho biết, chiều 9-5, CAP nhận được đơn trình báo của chị X. về việc đã chuyển một số tiền lớn qua giao dịch ngân hàng và sau đó thì mất liên lạc. Đại úy Võ Vinh, tổ Phòng chống tội phạm CAP Hòa Khê đã được lãnh đạo đơn vị phân công tiếp cận nhanh vụ việc để phối hợp điều tra làm rõ. Chị X. cho biết, lúc 11 giờ ngày 9-5, chị đang làm việc tại đơn vị thì chuông điện thoại để bàn reo. Vừa nhấc máy lên, đầu dây bên kia nói “VNPT xin thông báo thuê bao quý khách hiện đang nợ cước điện thoại là 8.930.000 đồng” và đề nghị chị ấn số 9 để gặp một người tự xưng là tổng đài viên, cung cấp thông tin tên tuổi, số CMND để nói rõ thông tin về số tiền nợ. Sau đó, người này nói với chị là tên và số CMND của chị bị số thuê bao 0243123... đăng ký ngày 2-2-2018, có địa chỉ tại Q. Hoàn Kiếm, TP Hà Nội đang nợ 8.930.000 đồng. Sau khi nghe tổng đài viên nói thế, chị X. thật sự hoảng loạn nhưng người này nói tiếp “Sẽ kết nối cho chị số điện thoại của Bộ Công an”.
Sau đó, một người xưng là đại úy, đang công tác tại Bộ CA cho biết, số CMND và tên của chị X. nằm trong 2.000 hồ sơ đang được điều tra về tội phạm ma túy và rửa tiền liên quan đến các cán bộ, nhân viên, giám đốc ngân hàng. “Trong đó, tôi đứng tên một tài khoản tại ngân hàng BIDV với số tiền 6 tỷ đồng” - chị X. kể. Nghe vậy, chị X. càng thêm hoảng loạn, đầu óc không còn tỉnh táo nên chỉ hỏi được một câu “Bây giờ tôi phải làm thế nào?” thì được người tự xưng là đại úy của Bộ CA cung cấp số điện thoại 88102... và đề nghị chị giữ máy để liên lạc gặp một người khác. Người này sau khi hỏi chị có bao nhiêu sổ tiết kiệm còn dặn “Không được nói cho ai biết và ra Agribank chi nhánh Q. Thanh Khê chuyển vào số tài khoản của Chính phủ để họ kiểm tra xong sẽ trả hoàn trả lại sau 30 phút với số lãi cộng thêm 0,5%”.
Tuy đã 12 giờ ngày 9-5, chị X., vẫn phải qua Agribank chi nhánh Q. Thanh Khê để làm thủ tục chuyển tiền vào tài khoản 1471000... do một người có tên Đan Văn Quân làm chủ. Tuy nhiên, vào thời điểm này, ngân hàng đã nghỉ làm việc nên người thanh niên nói trên hẹn chị đến 13 giờ 30 sẽ chuyển lại nhưng lại vào một tài khoản khác mang tên Nguyễn Minh Trương làm chủ. Theo hướng dẫn đó, ngay trong chiều chị rút toàn bộ số tiền có trong các sổ tiết kiệm được 565 triệu đồng rồi chuyển hết vào BIDV chi nhánh TPHCM cho tài khoản đứng tên Nguyễn Minh Trương với lời hẹn sẽ nhanh chóng có kiểm soát viên đến gửi biên lại chuyển tiền. Thế nhưng, dù đã quá giờ hẹn lại không thấy có ai liên lạc nên chị X. gọi lại số điện thoại 88102... thì không liên lạc được nên nghĩ là mình đã bị lừa. Ngay sau đó, chị X. vội vàng đến cơ quan CA trình báo.
Đại úy Võ Vinh - cán bộ CAP Hòa Khê cho biết, ngay sau khi nhận được chỉ đạo của lãnh đạo đơn vị, anh đã nhanh chóng phối hợp với lãnh đạo Agribank chi nhánh Q. Thanh Khê liên hệ với Ngân hàng Nhà nước, BIDV chi nhánh Đà Nẵng, BIDV chi nhánh TPHCM phát đi thư rà soát và đề nghị BIDV chi nhánh TPHCM phong tỏa số tiền nói trên, không cho đối tượng lừa đảo rút tiền. Nhờ việc làm kịp thời, nhanh chóng của CAP Hòa Khê và Agribank chi nhánh Q. Thanh Khê, chị X. mới không mất số tiền 565 triệu đồng từ chiêu trò lừa đảo nói trên. Một lần nữa, đây cũng chính là bài học đắt giá cho những ai quá tin vào những lời đồn thổi, hù dọa, mượn danh cơ quan nhà nước để trục lợi.
Phương Kiếm