Chặng nước rút cho hạt nhân Iran
(Cadn.com.vn) - Con đường đi đến một thỏa thuận chính thức cho vấn đề hạt nhân Iran đang vấp phải nhiều trở ngại trong giai đoạn cuối cùng khi các nghị sĩ Mỹ đưa ra “giới hạn đỏ” cho vấn đề này.
Iran và Nhóm P5+1, gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc, đang nỗ lực đạt được một thỏa thuận hạt nhân toàn diện khi thời hạn chót vào ngày 30-6 đang đến gần.
Bởi lẽ, một thỏa thuận hạt nhân như thế này có thể giúp xoa dịu quan ngại của cộng đồng quốc tế về việc Tehran đang tìm kiếm khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân.
Bên ngoài nhà máy hạt nhân Bushehr của Iran. Ảnh: AFP |
CÒN NHIỀU TRỞ NGẠI
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trở ngại khi một thỏa thuận hạt nhân đang đi đến chặng nước rút.
Khi bàn đàm phán đang đi vào đoạn cuối cùng, các nghị sĩ Mỹ bất ngờ cảnh báo sẽ bác bỏ một thỏa thuận “yếu” và đề ra “đường giới hạn đỏ” cho vấn đề này. Động thái này rõ ràng cho thấy, Quốc hội Mỹ sẽ cẩn trọng hơn trong việc thông qua một thỏa thuận vốn được các bên theo đuổi lâu dài như thế này. Một số nghị sĩ có ảnh hưởng cho biết, họ không muốn Nhà Trắng dỡ bỏ bất kỳ lệnh trừng phạt nào trước khi Tehran bắt đầu tuân thủ thỏa thuận. Họ cũng yêu cầu có chế độ kiểm tra gắt gao, trong đó các thanh sát viên có thể vào các cơ sở hạt nhân của Iran bất cứ lúc nào và bất cứ đâu.
Các nghị sĩ Mỹ cũng muốn quốc gia Hồi giáo tiết lộ quy mô quân sự trước đây của chương trình hạt nhân, đặc biệt là sau khi Ngoại trưởng John Kerry dường như làm dịu lập trường của Mỹ vào tuần trước, khi nói rằng, không nên thúc ép Iran vào thời điểm này. “Tôi ngày càng quan tâm đến đường hướng của các cuộc đàm phán và “giới hạn đỏ” này có thể bị vượt qua”, Thượng nghị sĩ Bob Corker, Chủ tịch đảng Cộng hòa trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ cho biết. Ông Corker là “cha đẻ” của dự luật cho phép Quốc hội có quyền nhất trí hoặc bác bỏ bất kỳ thỏa thuận hạt nhân cuối cùng nào.
Khi thời hạn chót gần kề, các nghị sĩ đang chịu áp lực từ các nhóm ủng hộ Israel – đối thủ của Iran. AIPAC, nhóm lợi ích thân Israel có ảnh hưởng ở Mỹ, nỗ lực làm dấy lên nhiều mối lo ngại về thỏa thuận có thể “làm rạn nứt những nguyên tắc cơ bản” của người Mỹ. J Street, một nhóm ủng hộ Israel ôn hòa hơn, phát động chiến dịch riêng, phản bác lập luận của Iran về thỏa thuận này. Một số nhóm khác chi hàng triệu USD cho việc tuyên truyền, kêu gọi các nghị sĩ cần có đường lối cứng rắn hơn.
NHỮNG NGÀY KHÓ KHĂN
Đến ngày 9-7, chính quyền Tổng thống Barack Obama phải chuyển một thỏa thuận hạt nhân cuối cùng lên cho Quốc hội xem xét phê chuẩn. Kể từ đó, Quốc hội lưỡng viện của Mỹ có 30 ngày để xem xét hoặc ra nghị quyết phê chuẩn thỏa thuận, bỏ phiếu tán thành, bác bỏ hoặc không cần bỏ phiếu.
Đây là biện pháp nhằm ngăn cản ông chủ Nhà Trắng bãi miễn bất kỳ biện pháp trừng phạt nào nhằm vào Iran do Quốc hội phê duyệt trong thời gian xem xét. Nếu nghị quyết không chấp thuận của Quốc hội vẫn “sống sót” sau quyền phủ quyết, ông Obama sẽ bị cấm không được bãi bỏ lệnh trừng phạt của Quốc hội. Thời gian xem xét tăng gấp đôi lên đến 60 ngày nếu Quốc hội đạt được một thỏa thuận từ ngày 10-7 đến ngày 7-9. Nếu không có thỏa thuận cho đến ngày 7-9, các nghị sĩ Mỹ sẽ tìm cách thông qua lệnh trừng phạt bổ sung. Một số nghị sĩ đảng Dân chủ bày tỏ tin tưởng sẽ được thoải mái phê duyệt thỏa thuận hạt nhân tương tự như thỏa thuận khung công bố vào tháng 4. Nhưng họ thừa nhận, đây sẽ là chặng đường rất khó khăn.
Tuy nhiên, điều quan trọng trước tiên là cần có thỏa thuận toàn diện về hạt nhân Iran. Hôm nay (27-6), Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif sẽ đến thủ đô Vienna của Áo trong “chặng nước rút” hướng đến thỏa thuận hạt nhân toàn diện với nhóm P5+1. Thành công cho một thỏa thuận hạt nhân dường như phụ thuộc hoàn toàn vào cuộc đàm phán lần này. Nếu vẫn không giải quyết được tất cả vấn đề còn tồn đọng, tất nhiên sẽ không có một thỏa thuận nào cả.
Khả Anh