Hy vọng cho đàm phán hạt nhân Iran
(Cadn.com.vn) - 6 cường quốc thế giới và Iran tiếp tục gặp nhau vào hôm nay (2-4) trong nỗ lực “phải đạt được” thỏa thuận kiềm chế chương trình hạt nhân của Tehran.
Bàn đàm phán được mở rộng sau khi các bên không nhất trí các chi tiết quan trọng như việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt của LHQ nhằm vào Iran khi hết thời hạn chót hôm 31-3.
Trong đó, Iran và Nga bày tỏ lạc quan, một thỏa thuận ban đầu là trong tầm tay. Thỏa thuận sơ bộ sẽ là cột mốc quan trọng tiến đến hiệp ước chính thức, với thời hạn cuối tháng 6, có thể giúp kết thúc bàn đàm phán kéo dài 12 năm và làm giảm nguy cơ chiến tranh Trung Đông. Với việc Iran khẳng định “quyền hạt nhân” và Mỹ đe dọa từ bỏ bàn đàm phán, các cuộc đàm phán bị sa lầy vào các vấn đề nghiên cứu hạt nhân, việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt của LHQ và gia tăng trừng phạt nếu Iran vi phạm thỏa thuận.
Bàn đàm phán hạt nhân Iran kết thúc rạng sáng 1-4 song chưa đạt kết quả như mong muốn. |
Chưa thể đồng thuận
Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc họp, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, nhóm P5+1 và Iran đạt được thỏa thuận trên nguyên tắc về “tất cả các khía cạnh” của thỏa thuận khung. Ngoại trưởng Iran Mohammad Zarif cho biết đã tìm được các giải pháp cho nhiều vấn đề và các tài liệu sẽ sớm được soạn thảo. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng cho biết, các bên đạt “tiến triển đáng kể về các vấn đề mấu chốt”. Dù có nhiều tiến bộ đáng kể, vẫn còn đó nhiều hoài nghi.
Ngoại trưởng Anh Philip Hammond nhận định, vẫn còn nhiều việc phải làm để đạt được thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân Tehran. Một quan chức cấp cao Mỹ cũng khẳng định, các cường quốc tham gia đàm phán vẫn chưa đạt được đồng thuận hoàn toàn về các điểm mấu chốt của thỏa thuận nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Tehran. Nhà Trắng ngày 31-3 (giờ Mỹ) cũng mở cuộc họp trực tuyến với các cố vấn an ninh quốc gia chủ chốt về tiến trình đàm phán hạt nhân với Iran. Thông báo của Nhà Trắng xác nhận, Tổng thống Barack Obama được cập nhật về tiến trình đàm phán hạt nhân từ nhóm cố vấn. Tuy nhiên, Nhà Trắng không cho biết nội dung chi tiết cuộc họp.
Áp lực đè nặng
6 cường quốc nỗ lực ngăn chặn Iran đạt đến khả năng phát triển bom hạt nhân để đổi lấy việc nới lỏng lệnh trừng phạt quốc tế vốn đang làm tê liệt nền kinh tế nước này.
Tuy nhiên, họ bỏ lỡ thời hạn chót ngày 31-3, khi không thể nhất trí về những nội dung chính như dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của LHQ, và phải kéo dài đàm phán thêm 1 ngày. Và nếu các bên vẫn không thể nhất trí về thỏa thuận sơ bộ chi tiết sẽ gieo thêm những hoài nghi trong lòng Quốc hội Mỹ hiện do đảng Cộng hòa kiểm soát. Quốc hội lưỡng viện Mỹ cảnh báo sẽ xem xét áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Iran nếu không có thỏa thuận trong tuần này, tạo áp lực và tính cấp bách lên bàn đàm phán. Đảng Dân chủ và Tổng thống Obama đe dọa sẽ phủ quyết bất kỳ lệnh trừng phạt nào nhằm vào Iran tại Quốc hội.
Một nhà đàm phán cấp cao cho biết, Tehran sẵn sàng đàm phán cho đến khi bế tắc được giải quyết. “Iran không muốn có thỏa thuận hạt nhân chỉ vì lợi ích của việc có một thỏa thuận, và một thỏa thuận cuối cùng phải đảm bảo các quyền hạt nhân của nước này”, nhà đàm phán Hamid Baidinejad, nói với các phóng viên. Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest cũng cho biết, các nhà đàm phán của Mỹ sẽ không chờ đợi cho đến ngày 30-6 từ bỏ bàn đám phán nếu lần này không thể đạt được thỏa thuận chính trị đầu tiên.
Một thỏa thuận gần như chắc chắn sẽ giúp LHQ đi đến quyết định giảm trừng phạt Iran trong từng giai đoạn, giúp quốc gia Hồi giáo từng bước trở lại với ngành công nghiệp xuất khẩu dầu thô hái ra tiền. Các biện pháp trừng phạt làm giảm nửa lượng dầu xuất khẩu của Iran, chỉ còn hơn 1 triệu thùng mỗi ngày kể từ năm 2012.
Rõ ràng, dù chưa thể đạt thỏa thuận chính trị sơ bộ trong cuộc đàm phán hạt nhân, nhưng một thỏa thuận có thể đạt được nếu tất cả các bên thể hiện thiện chí. Các bên cần thỏa hiệp bởi nếu đàm phán bị sa lầy, tất cả các nỗ lực trước đó về giải quyết bất đồng hạt nhân sẽ như đổ sông đổ biển.
Khả Anh