Chàng sĩ quan trẻ tận tâm

Thứ hai, 02/03/2015 10:18

(Cadn.com.vn) - Có lẽ, với nhiều người, công việc khám nghiệm hiện trường không mấy hấp dẫn. Nhưng với Trung úy Nguyễn Viết Hưng - Đội phó Đội khám nghiệm Phòng Kỹ thuật hình sự CATP Đà Nẵng, mỗi dấu vết thu thập được đều “biết nói”, mà đôi khi, những dấu vết nhỏ nhặt này là chìa khóa mở cánh cửa vụ án. Vì vậy, lúc nào, anh cũng làm việc với niềm say mê, tận tâm hết mực.

Tốt nghiệp ĐH Cảnh sát năm 2010 chuyên ngành Kỹ thuật hình sự, đến năm 2012, Trung úy Nguyễn Viết Hưng được điều động về Phòng Kỹ thuật hình sự CATP Đà Nẵng. Được phân công đúng chuyên ngành đào tạo, anh dồn hết tâm huyết vào công việc. Công việc của anh là phát hiện, ghi nhận, thu lượm, bảo quản, đánh giá các dấu vết, vật chứng và các tài liệu khác ở hiện trường.

Trung úy Nguyễn Viết Hưng.

Nhận thức sâu sắc công việc của mình đóng vai trò không nhỏ trong công tác điều tra án nên anh luôn cẩn trọng, tỷ mỉ, không bỏ qua một dấu vết, một chi tiết nào dù nhỏ nhất, ngay cả dấu vết bụi cũng tìm cách thu thập, bảo quản. Điển hình là vụ án mạng xảy ra ngày 2-2-2013 tại đập Ba - ra An Trạch, Hòa Tiến, Hòa Vang. Trên người nạn nhân, ngoài những vết trầy xước còn có 2 lỗ thủng nhỏ do vật nhọn gây ra nhưng kết quả khám nghiệm pháp y cho thấy nạn nhân tử vong không do các vết thương trên người mà do ngạt nước. Do vụ án xảy ra trước đó 2 ngày nên hiện trường có nhiều xáo trộn, trong đó có 2 loại vân lốp mô-tô. Nhận định ban đầu là nạn nhân bị kẻ gian sát hại để cướp tài sản và đối tượng gây án có thể có 2 tên trở lên. Trong quá trình khám nghiệm, Hưng đặc biệt chú ý đến 2 loại vân lốp mô-tô. Sau khi xem xét, đo, vẽ, tính toán, thực nghiệm thử nhiều lần, Hưng cùng tổ khám nghiệm xác định hai vết lốp xe này là của cùng một xe máy tạo nên. Từ điểm mấu chốt này, các điều tra viên đã nhận định lại đối tượng gây án, hướng truy tìm đối tượng. Và 4 giờ sau, vụ án được làm rõ, thủ phạm phải tra tay vào còng.

Quá trình khám nghiệm ngoài yêu cầu tỷ mỉ, chính xác còn phải luôn tuân thủ phương châm: kịp thời. Yếu tố “kịp thời” rất quan trọng để có thể thu được dấu vết “nóng”, giúp cơ quan điều tra truy “nóng” đối tượng. Chậm trễ không những làm hiện trường bị xáo trộn, phải mất nhiều thời gian sàng lọc, đối chiếu, xử lý thông tin mà còn là cơ hội cho đối tượng có thời gian lẩn trốn. Vì vậy, mặc dù nhà ở Hội An nhưng bất kể lúc nào có yêu cầu, anh đều có mặt kịp thời. Nhiều hôm 1 giờ sáng, đang ngủ ngon giấc thì có việc xảy ra, Hưng lại vội vàng chạy xe mấy chục ki-lô-mét đến hiện trường.

Trung úy Nguyễn Viết Hưng đang khám nghiệm hiện trường.

Ngày 3-4-2014, trên đường Trường Sơn, tại địa phận Dốc Võng, Q. Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng xảy ra vụ tai nạn giữa 3 ô-tô làm 11 người bị thương và 1 người tử vong. Tổ khám nghiệm đã có kết luận về nguyên nhân vụ tai nạn và kết luận cũng đã gửi cho CQĐT. Nhưng Trung tá Võ Hoàng Trung - Phó trưởng phòng Kỹ thuật hình sự CATP vẫn mong muốn Hưng nghiên cứu vẽ “một mô hình để minh họa cho kết luận khám nghiệm”. Chưa bao giờ làm việc này nhưng câu nói của lãnh đạo cứ thôi thúc, khiến anh nghĩ ngợi mãi. Hưng mất cả tuần lễ mày mò nghiên cứu, tìm kiếm sách báo, tra google, dựng đi dựng lại mô hình. Cuối cùng, mô hình một phim hoạt hình diễn tả lại toàn bộ quá trình lưu thông, va chạm của 3 xe đã hoàn thành. Khi trình chiếu mô hình, lãnh đạo khen ngợi còn các điều tra viên Q. Cẩm Lệ ai cũng trầm trồ thán phục.

Không được đào tạo bài bản về khoa học công nghệ nhưng tinh thần ham học hỏi, tự nghiên cứu, mày mò sáng tạo đã cho anh “vốn liếng” kha khá về công nghệ, khoa học, trợ giúp đắc lực cho công việc. Ngày 1-10-2014, tại ngôi nhà số 7-Hoàng Sỹ Khải, An Hải Bắc, Sơn Trà, Đà Nẵng, anh Trần Trường Thành (1973) bị sát hại. Thông qua camera giám sát giao thông, các điều tra viên phát hiện hình ảnh đối tượng khả nghi lưu thông trên đường trong thời gian trước và sau khi xảy ra vụ việc. Đối chiếu những hình ảnh này với mô tả của các nhân chứng gần nhà nạn nhân cung cấp thấy có nhiều điểm trùng khớp, nhưng hình ảnh từ camera quá mờ. Các điều tra viên nhờ Hưng tách ảnh từ phim, tăng độ phân giải để nhận dạng, nhận diện đối tượng. Từ các tấm ảnh Hưng chuyển cho, cùng với các biện pháp nghiệp vụ,  các điều tra viên đã “lùng” ra được thủ phạm.

Từ đó, các điều tra viên, cảnh sát hình sự hay nhờ Hưng trích xuất ảnh từ phim, camera, làm rõ ảnh để nhận dạng đối tượng, hay nhờ Hưng khôi phục lại dữ liệu bị mất trong máy tính, USB... Ai nhờ gì Hưng cũng nhận và cố gắng làm. Hỏi kinh nghiệm, Hưng cười khiêm tốn: “Mình mạnh dạn nghiên cứu cũng nhờ lãnh đạo và đồng nghiệp tin tưởng, động viên. Mình nghĩ, cái gì cũng phải chịu khó học hỏi để phục vụ công việc tốt hơn”. Hiện Hưng đang lên kế hoạch xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử để quản lý vụ việc khám nghiệm, phục vụ cho quá trình truy cập, tìm kiếm thông tin khi cần cũng như công tác quản lý, tổng hợp, báo cáo.

Với những nỗ lực vượt bậc trong công tác, năm 2014, Trung úy Nguyễn Viết Hưng được bình bầu là Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở. Tháng 8-2014, anh được lãnh đạo bổ nhiệm làm Đội phó Đội khám nghiệm. Đó chính là sự ghi nhận xứng đáng cho những thành tích của Nguyễn Viết Hưng - chàng trung úy trẻ tận tâm với nghề.

Sông Hoài