Chàng trai Ê Đê làm giàu từ đất 132
Năm 2000, Y Chăm Niê ở buôn Niết, xã Ea Tul (Cư Kuin), nên vợ nên chồng với chị H Bluen Byă, rồi cùng nhau định cư ở buôn Cư Phiăng (Hòa Phong), vùng đất “chưa mưa đã thấm, chưa nắng đã khô”. Ngày ra ở riêng, vợ chồng anh được bố, mẹ vợ chia cho 3.000m2 đất để sản xuất. Cũng như bao nông dân khác trong buôn, vợ chồng anh trồng những loại cây nông sản, thực phẩm, tuy nhiên, đất đai nơi đây vốn là vùng đất cát kém dinh dưỡng, dễ bị xói mòn, nên những năm gặp thời tiết thuận lợi thì còn có cái để thu, còn những năm mưa, nắng thất thường, mùa màng thất bát, vợ chồng Y Chăm Niê phải đi làm thuê kiếm sống qua ngày.
Vợ chồng Y Chăm Niê trước căn nhà mới xây. |
Năm 2004, khi đứa con thứ hai chào đời, mọi nhu cầu cuộc sống tăng lên gia đình anh càng lâm vào cảnh túng thiếu. Giữa lúc khó khăn nhất, anh được nhà nước cấp 10.000m2 đất (theo Quyết định 132 của Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết đất sản xuất và ở cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, gọi tắt là đất132) để khai hoang sản xuất. Bên cạnh niềm vui có đất làm ăn thì kèm theo đó là nỗi lo, bởi vì chung quanh anh có nhiều người sau khi được cấp đất 132 lại bỏ hoang, do vị trí đất ở xa nhà và lúng túng không biết nên trồng cây gì mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Y Chăm Niê cho biết: được Nhà nước cấp cho 1 ha đất, vợ chồng anh vui lắm, sau nhiều đêm suy nghĩ, anh quyết định mượn tiền của cha mẹ mua cây giống về trồng 4.000m2 cà-phê, số diện tích còn lại anh trồng sắn. Để có tiền mua phân bón mà không phải vay mượn đầu tư ứng trước của tư thương, vợ chồng anh vào rừng hái măng đem về phơi khô bán hoặc đi làm thuê, anh còn tham dự các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật do khuyến nông tổ chức để mở mang kiến thức. Thế rồi, đất đã không phụ công người, nhờ chịu thương, chịu khó và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất các loại cây trồng của gia đình anh thường đạt cao hơn so với vườn nhà khác. Sau thời gian lao động bền bỉ, vợ chồng anh tích lũy được một số vốn nho nhỏ mua sắm một chiếc máy cày, làm phương tiện “câu cơm”. Ngoài những lúc sản xuất cho gia đình, anh còn nhận vận chuyển thuê sản phẩm cho bà con trong buôn.
Đến nay, gia đình Y Chăm Niê đã có 2 ha đất sản xuất, với 9.000m2 cà-phê trong đó có 4.000m2 cà-phê kinh doanh, mỗi năm thu được 1 tấn cà-phê nhân, 1.000m2 ruộng thu được 1,5 tấn lúa, diện tích đất trồng sắn thu được từ 60 đến 80 tấn sắn/ năm, cùng các khoản thu khác, trung bình mỗi năm cho thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Vợ chồng Y Chăm Niê vừa xây dựng được một ngôi nhà khang trang, mua sắm được nhiều phương tiện sinh hoạt và sản xuất có giá trị, 2 con được đến trường, đứa lớn năm nay học lớp 12 và đứa nhỏ học lớp 9.
Năm 2016, anh được Đảng ủy xã Hòa Phong tặng Giấy khen về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, gia đình anh cũng được công nhận gia đình văn hóa tiêu biểu 3 năm liền (2015 đến 2017). Từ đói nghèo vươn lên thành hộ khá giả, vợ chồng anh Y Chăm Niê là tấm gương điển hình về sản xuất giỏi tại địa phương.
MAI VIẾT TĂNG