Chàng trai Việt khiến các hãng sản xuất máy ATM ngả mũ thán phục!

Thứ ba, 09/06/2015 10:48

(Cadn.com.vn) - Hiểu được máy ATM của một hãng đã khó, “bắt” máy ATM của các hãng phải “chui” vào một chương trình máy tính để quản lý càng khó hơn. Vậy nên khi chàng trai Trần Đình Vũ (32-Hà Tông Quyền, Q. Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) làm được điều đó thì các hãng sản xuất ATM trên thế giới đều bất ngờ và thán phục.

Trong một hội thảo về ATM toàn cầu tại London (Anh) năm 2010, Vũ vinh dự được chọn để báo cáo về ATM Monitoring System- chương trình quản lý ATM do anh sáng tạo ra. Đại diện nhiều hãng sản xuất ATM sau đó đã gặp Vũ để bày tỏ thán phục bởi một lẽ họ không ngờ có một người ngoài hãng lại hiểu “con đẻ” của họ hơn chính bản thân họ. Càng ngạc nhiên hơn, người đó lại có thể kết nối máy ATM của các hãng vào cùng một chương trình để quản lý hiệu quả hơn. Không phải thời điểm năm 2010, cho tới nay, mỗi hãng sản xuất ATM đều có một chương trình quản lý riêng. Nếu một ngân hàng dùng máy ATM của 3 hãng thì phải chạy 3 chương trình quản lý khác nhau. Những phiền phức, lãng phí, kém hiệu quả cũng vì thế luôn tồn tại.

Quay lại chuyện mười mấy năm trước, thời điểm những chiếc máy ATM đầu tiên được lắp đặt tại Việt Nam. Một trong số máy ATM đó của ngân hàng Đông Á và Vũ chính là người lắp đặt.  Lúc đó, Vũ là “đệ tử ruột” của tiến sĩ Đỗ Đức Cường, cố vấn cao cấp của Đông Á bank, chuyên gia hàng đầu về ATM, cũng có nhiều tài liệu cho rằng ông chính là “cha đẻ” của ATM. Khi số lượng máy ATM của Đông Á bank tăng lên hàng chục, hàng trăm thì việc quản lý nó rất khó khăn. Chàng trai trẻ Trần Đình Vũ lúc đó đang làm việc ở bộ phận quản lý ATM cho ngân hàng Đông Á luôn trăn trở phải tìm ra một công cụ để quản lý nó hiệu quả hơn.

ATM Monitoring System được thai nghén rồi ra đời ngay sau đó không lâu, vào năm 2004 với những tính năng bước đầu khá sơ sài. Nó được đưa vào thử nghiệm ở Đông Á bank và cho hiệu quả tức thì. Trung bình ở ngân hàng khi đó nhận được khoảng 6.000 khiếu nại của khách mỗi tháng với hàng chục lỗi từ nuốt thẻ, không in hóa đơn, không nhả tiền... nhưng khi sử dụng chương trình của Vũ giảm xuống chỉ còn 300 khiếu nại. Đến nay thì những khiếu nại trở nên hiếm hoi mặc dù số lượng ATM của ngân hàng đã tăng gấp bội.

Trần Đình Vũ theo dõi hệ thống ATM hoạt động trên máy tính bằng chương trình sáng tạo của mình. 

Cũng xin nói thêm để hiểu vì sao sản phẩm sáng tạo này của Vũ lại được những người trong nghề “nể” đến thế. Hãy cứ hình dung chẳng hạn ngân hàng Vietcombank có khoảng 6.000 máy ATM, việc quản lý các máy này thế nào cho hiệu quả rất khó khăn, nếu không nói rằng sẽ tốn kém nhiều công sức, kinh phí. Tuy nhiên, nếu sử dụng chương trình của Vũ thì tất cả các máy ATM của các hãng dùng trong ngân hàng sẽ kết nối với nhau, mọi thông tin nhận được từ máy ATM bất kỳ sẽ được phân tích và tự động báo lỗi đến người quản lý.

Chẳng hạn, người quản lý ATM đang nạp tiền cho một máy ở Cẩm Lệ, đột nhiên nhận được trong điện thoại tin nhắn từ một cây ATM ở đường Lê Duẩn- Q.Hải Châu, nội dung: Tôi đang bị lỗi nuốt thẻ, không nhả ra được. Ngay lập tức nhân viên sẽ được điều đến xử lý gấp. Hoặc trong lúc người quản lý đang uống bia với bạn bè ở Huế thì một cây ATM trên đường Thái Phiên (Đà Nẵng) báo trong điện thoại di động rằng đang bị lỗi mất kết nối giữa camera, router, ATM, như vậy có thể đang bị trộm tấn công, cần ứng phó ngay. Trong trường hợp rủi ro, nếu gặp sự cố thiên tai, cháy nổ thì toàn bộ dữ liệu trong các máy ATM đều được lưu giữ trong sản phẩm sáng tạo của Vũ.

Một tính năng hữu ích khác của sáng tạo này chính là việc tham mưu cho ngân hàng sử dụng tiền mặt hiệu quả. Đơn cử, một ngân hàng ở Đà Nẵng sẽ phải nạp khoảng 30-50 tỷ đồng/ngày đêm cho hệ thống ATM của họ, trong thực tế số tiền này có thể dư ở một số cây ATM lại cũng có thể thiếu ở một số ATM. Nhưng số tiền 30-50 tỷ đồng là rất lớn, nếu để kinh doanh chỉ trong 1 ngày đêm cũng cho lợi nhuận, thay vì để nó nằm im trong ATM. Chương trình của Vũ sau khi phân tích thông số từng cây ATM sẽ tham mưu cho ngân hàng biết mỗi ngày đêm chỉ nên nạp vào đó bao nhiêu tiền là vừa, chẳng hạn máy ATM ở cây xăng Thái Phiên chỉ cần nạp khoảng 2,1 tỷ đồng/ngày đêm là đủ.

Năm 2012, Vũ đã mang sáng tạo của mình “xuất ngoại”, bán cho ngân hàng đầu tư phát triển của Lào với dự định lắp đặt trong 1 tuần tuy nhiên mới chỉ 3 ngày thì mọi việc đã xong xuôi, chương trình chạy ổn định đến mức suốt 3 năm qua anh không nhận được bất cứ cuộc điện thoại nào phàn nàn từ phía đối tác. Hiện tại nhiều đối tác ở Malaysia, Myanmar đang mong muốn hợp tác với Vũ để có thể được sử dụng sáng tạo này. Tại Việt Nam, Vũ mới chỉ đồng ý cho ngân hàng duy nhất sử dụng sáng tạo này, đó là Đông Á, bởi một lý do khá tế nhị, anh đang là Giám đốc ngân hàng Điện tử tại đây. Theo chia sẻ của Vũ, mặc dù có gần chục năm làm việc tại trụ sở chính của Đông Á ở TPHCM, song anh quyết định từ bỏ tất cả để về quê hương Đà Nẵng. Lý do đơn giản bởi anh cảm thấy môi trường sống của thành phố quê hương khá lý tưởng. Tuy vậy, Đông Á cũng không muốn mất anh nên họ đã tạo cho anh một ngoại lệ, để anh làm giám đốc của Ngân hàng điện tử có trụ sở ở TPHCM, nhưng anh lại điều hành công việc, sống ở Đà Nẵng.

Hải Quỳnh