"Chảo lửa" Israel-Palestine hạ nhiệt?

Thứ sáu, 21/05/2021 13:21

Chảo lửa giao tranh Israel-Palestine đang chứng kiến dấu hiệu hạ nhiệt đáng mừng khi ngày 20-5, phong trào Hamas - nhóm vũ trang Palestine hiện đang kiểm soát Dải Gaza - tuyên bố đã sẵn sàng nhất trí về một thỏa thuận ngừng bắn với quân đội Israel, nhưng kèm theo 2 điều kiện.

Một đơn vị pháo binh Israel tấn công các mục tiêu ở Dải Gaza hôm 19-5. Ảnh: AP

Facebook lập đội đặc nhiệm xử lý tin giả về xung đột Israel-Palestine

Bà Monika Bickert, Phó giám đốc quản lý chính sách nội dung của Facebook, ngày 20-5 cho biết, tập đoàn này đã lập một trung tâm chiến dịch đặt biệt hoạt động 24/7 để xử lý các nội dung đăng trên nền tảng này về cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. 
Trước đây, Facebook từng thiết lập các trung tâm chiến dịch tương tự để theo dõi tình hình các sự kiện toàn cầu như bầu cử, đại dịch COVID-19…Theo bà Bickert, trung tâm chiến dịch của Facebook quy tụ nhiều chuyên gia, trong đó có cả những người nói tiếng Arab và tiếng Hebrew của người Do Thái. Facebook đã cấm người đứng đầu phong trào Hamas tại Gaza sử dụng nền tảng này, cũng như gỡ bỏ những nội dung ca ngợi Hamas - nhóm Hồi giáo bị chính quyền Israel, Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) xem là tổ chức khủng bố. 

Hôm nay (21-5), sẽ đạt thỏa thuận ngừng bắn?
Phát biểu với ABC News, ông Basem Naim - người đứng đầu hội đồng quan hệ quốc tế của Hamas cho biết: "Chúng tôi đã thông báo với tất cả các bên rằng sẽ chấp nhận một lệnh ngừng bắn chung với Israel, nhưng với hai điều kiện. Thứ nhất, các lực lượng Israel phải chấm dứt xâm phạm đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem và tôn trọng địa điểm này. Thứ 2, Israel phải chấm dứt việc ép buộc người dân Palestine đang sinh sống tại Sheikh Jarah rời khỏi nhà. Đây là những điều kiện phù hợp với luật pháp quốc tế, và được Hamas mong đợi".
Việc Hamas ra điều kiện ngừng bắn như thế này là một tín hiệu tích cực. Và theo giới phân tích, thỏa thuận ngừng bắn với Israel có thể sẽ đạt được vào hôm nay (21-5). Tuy nhiên, cũng có những lo ngại đặt ra khi Israel dường như không quan tâm đến đề xuất này, nhất là trong bối cảnh Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố nhấn mạnh, "Israel quyết tâm tiếp tục tấn công". Một quan chức Israel nói với hãng tin ABC: "Nếu chúng tôi dừng các hành động quân sự sớm thì điều này sẽ mang cho Hamas chiến thắng mà họ mong muốn. Hamas sẽ phải tự tìm đường lui".
"Cuộc chiến ngoại giao" tại LHQ 
Bế tắc trong việc thúc đẩy lệnh ngừng bắn diễn ra khi giao tranh giữa Israel và Hamas bước sang ngày thứ 10 và làm dấy lên thế đối đầu ngoại giao tại LHQ giữa các nước Châu Âu với Mỹ.
Mỹ ngày 19-5 (sáng 20-5, giờ Việt Nam) tiếp tục phản đối một nghị quyết do HĐBA LHQ đề xuất, nhằm kêu gọi ngừng bắn giữa Israel và phe Hamas ở Dải Gaza của Palestine. Khẩu chiến gay gắt đã nổ ra giữa Pháp và Mỹ, đánh dấu những căng thẳng công khai đầu tiên giữa hai quốc gia đồng minh kể từ khi ông Biden nhậm chức Tổng thống hồi đầu năm nay. Bất chấp sự phản đối của Washingon, Paris đề xuất dự thảo nghị quyết lên HĐBA LHQ, trong đó kêu gọi chấm dứt các hành động thù địch giữa Israel và Palestine, cũng như khôi phục các hoạt động nhân đạo tại Dải Gaza. Pháp không đề xuất cụ thể về thời điểm bỏ phiếu đối với dự thảo nghị quyết trên, trong khi văn bản này dường như chưa được lưu hành rộng rãi trong 15 thành viên. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian hy vọng, dự thảo nghị quyết sẽ được HĐBA LHQ thông qua và các cuộc thảo luận được tổ chức nhằm thuyết phục Washington. Mặc dù vậy, phía Mỹ ngay lập tức cho rằng, nghị quyết trên có thể làm suy yếu những nỗ lực của Washington nhằm giảm leo thang cuộc khủng hoảng. 
Theo AP, nghị quyết ngừng bắn mới nhất do Pháp soạn thảo tiếp tục bị Mỹ phản đối, sau khi nước này đã phủ quyết ít nhất 4 nỗ lực khác của HĐBA LHQ trong việc đưa ra một tuyên bố báo chí kêu gọi chấm dứt tình trạng bạo lực ở Gaza. Một tuyên bố báo chí yêu cầu sự đồng thuận của tất cả 15 thành viên HĐBA LHQ, nhưng một nghị quyết chỉ yêu cầu ít nhất 9 phiếu thuận và không có sự phủ quyết từ Mỹ hay bất kỳ thành viên nào khác trong số 4 nước thành viên thường trực.
Nói về việc nhiều lần phủ quyết như vậy, Washington nhấn mạnh họ đang theo đuổi những con đường khác để giải quyết khủng hoảng tại Trung Đông. Do đó, nước này chắc chắn sẽ sử dụng quyền phủ quyết đối với đề xuất mới nhất của Pháp trong trường hợp cần thiết. Tổng thống Biden cũng có cuộc điện đàm thứ 4 với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong 1 tuần qua trong bối cảnh ông chủ Nhà Trắng đang đối mặt với sức ép từ phía đảng Dân chủ, những người muốn ông thể hiện vai trò trung gian một cách tích cực và công khai nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn cho xung đột tại Dải Gaza.   

KHẢ ANH