“Chảo lửa” Triều Tiên

Thứ tư, 12/04/2017 09:14

(Cadn.com.vn) - Căng thẳng đang leo thang trên bán đảo Triều Tiên, trong bối cảnh dấy lên các đồn đoán Triều Tiên có thể thử tên lửa hạt nhân lần 6 hoặc phóng tên lửa tầm xa trong tháng này, nhân kỷ niệm các sự kiện lớn, trong khi Mỹ lại điều đội tàu chiến đến vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên.

Bình Nhưỡng ngày 11-4 thề sẽ chống lại bất kỳ động thái quân sự nào từ Mỹ, trong bối cảnh lo ngại khả năng Triều Tiên rơi vào tình huống giống Syria sau khi Lầu Năm Góc điều đội tàu chiến đến vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên.

Theo AFP, tuyên bố của Bình Nhưỡng đưa ra khi căng thẳng trên bán đảo bị chia cắt này bùng nổ gay gắt do Mỹ và Hàn tập trận trong khi Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục thử các tên lửa đạn đạo. Bình Nhưỡng xem các cuộc diễn tập hàng năm này như là một cuộc tập trận xâm lược trong khi việc Triều Tiên phóng tên lửa là vi phạm các nghị quyết của LHQ.

Binh sĩ Mỹ-Hàn trong một cuộc tập trận chung. Ảnh: AFP

Triều Tiên thề trả đũa

Ngày 11-4, hãng thông tấn KCNA dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triều Tiên nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ buộc Mỹ phải chịu trách nhiệm về những hậu quả thảm khốc gây ra bởi các hành động tiêu cực của họ”.

Tuyên bố này được đưa ra ngay sau khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết, các cuộc tấn công tên lửa của Mỹ vào căn cứ không quân Syria nhằm trả đũa cho một cuộc tấn công vũ khí hóa học mà Washington cáo buộc do chính quyền Tổng thống Bashar Al-Assad gây ra, chính là “thông điệp cho bất cứ quốc gia nào hoạt động ngoài các quy tắc quốc tế”. Ông không chỉ đích danh Triều Tiên, nhưng bối cảnh này rõ ràng cho thấy, vị thủ lĩnh ngoại giao Mỹ đang ám chỉ đến Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, Triều Tiên từ lâu tuyên bố Mỹ đang chuẩn bị cho các cuộc tấn công nhằm vào họ và khẳng định, chương trình vũ khí hạt nhân của họ là biện pháp phòng thủ trong tự nhiên. “Điều này chứng minh rằng, những động thái thiếu thận trọng của Mỹ trong kế hoạch xâm lược Triều Tiên đã đạt đến một giai đoạn nghiêm trọng”, tuyên bố của Triều Tiên nêu rõ. “Nếu Mỹ dám chọn hành động quân sự, họ sẽ phải hứng chịu hậu quả thảm khốc. Triều Tiên sẵn sàng phản ứng với bất kỳ phương thức chiến tranh nào mà Washington muốn”, tuyên bố của Bình Nhưỡng nhấn mạnh.

Trước tình hình căng như dây đàn này, mọi chú ý đổ dồn vào kỳ họp Quốc hội khóa XIII của Triều Tiên. Kỳ họp này kéo dài một ngày và là kỳ đầu tiên kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-Un được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ vào năm 2016. Giới phân tích cho rằng, nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể đưa ra thông điệp nào hướng đến Mỹ hay Hàn Quốc tại kỳ họp này.

Đối đầu hay đối thoại?

Triều Tiên chính là bài toán đau đầu nhất hiện nay trên sân khấu địa chính trị thế giới. Nhiều người quan ngại, Tổng thống Trump sẽ không giữ được bình tĩnh nếu Triều Tiên tiếp tục thử hạt nhân lần 6 và có thể tìm cách tấn công phủ đầu Bình Nhưỡng giống như vụ bắn 59 quả tên lửa Tomahawk vào căn cứ không quân của Syria hồi tuần trước.

Lo ngại còn đặt ra về khả năng Bình Nhưỡng có thể tiếp tục khiêu khích khi Mỹ điều nhóm tác chiến tàu sân bay đến gần bờ biển ngoài khơi Bán đảo Triều Tiên. Bình Nhưỡng đang phản ứng rất gay gắt trước động thái này của Lầu Năm Góc. Nhóm tàu trên do tàu sân bay Carl Vinson dẫn đầu, rời Singapore hôm 8-4 và tiến về vùng biển gần Bán đảo Triều Tiên.

Vậy nên giải bài toán này như thế nào? Washington đang ở thế “tiến thoái lưỡng nan” khi cho rằng, hiện chưa phải thời điểm thích hợp để thảo luận và tất cả các lựa chọn, kể cả hành động quân sự, vẫn được đặt lên bàn đàm phán để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Trong khi đó, cả Trung Quốc và Hàn Quốc tất nhiên đều không muốn nói đến giải pháp quân sự cho vấn đề Triều Tiên. Yonhap dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 11-4 cho biết, chính quyền ông Trump sẽ không có bất kỳ hành động quân sự đáng kể nào chống Triều Tiên mà không có “sự hợp tác chặt chẽ” với Seoul. Ứng viên số 1 cho chức vụ Tổng thống ở Hàn Quốc Moon Jae-in cũng nhấn mạnh, Washington không nên tấn công phủ đầu Triều Tiên mà không được sự chấp nhận của Hàn Quốc.

Giới quan sát cũng cho rằng, với việc Triều Tiên và Mỹ đều sở hữu vũ khí hạt nhân, giải pháp tốt nhất cho bài toán này là đối thoại. Khó khăn đặt ra là làm thế nào để có thể nối lại bàn đàm phán về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, vốn đã bị đình trệ từ năm 2008.

Khả Anh

Hàn Quốc trấn an người dân về tình hình Triều Tiên

Quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn ngày 11-4 kêu gọi giới chức và người dân nước này bình tĩnh và kiên định, trong bối cảnh các mối quan ngại đang gia tăng về khả năng Triều Tiên có thể thực hiện thêm các hành động khiêu khích.

Phát biểu tại cuộc họp nội, ông Hwang nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường tinh thần cảnh giác đối với Triều Tiên “dựa trên cơ sở mối liên minh an ninh Hàn – Mỹ”. “Điều quan trọng hơn hết là phải đối phó với các vấn đề ngoại giao và an ninh bằng sự bình tĩnh và kiên định”, ông Hwang cho biết.

Trong khi đó, trước những lời đồn đoán về cuộc khủng hoảng chiến tranh đang có nguy cơ sắp nổ ra, quân đội Hàn Quốc kêu gọi đánh giá đúng tình hình an ninh trên Bán đảo Triều Tiên. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã kêu gọi người dân không để bị “mắc lừa” trước các thông tin vô căn cứ như vậy.

Thúy Ngọc