Chắp cánh cho các dự án khởi nghiệp Đà Nẵng
Đà Nẵng là môi trường tốt, cũng không thiếu ý tưởng khởi nghiệp hay, nhưng vì sao vẫn chưa có nhiều dự án khởi nghiệp thành công? Nguyên nhân là bởi Đà Nẵng vẫn thiếu các Quỹ đầu tư mạo hiểm để chắp cánh cho các dự án này. Và hôm nay, 1-11, tại lễ khai mạc SURF 2019, Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Đà Nẵng lần đầu tiên sẽ ra mắt cộng đồng khởi nghiệp. Đại diện Quỹ, ông Đàm Quang Tuấn sẽ có những chia sẻ xung quanh sự kiện này.
|
P.V: Thưa ông, xuất phát từ mong muốn gì mà các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP đã quyết định thành lập Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo?
Ông Đàm Quang Tuấn: Khởi nghiệp là chương trình phát triển chiến lược của Đà Nẵng. Một số DN đầu tư tại TP mong muốn đóng góp một phần vào chương trình này để hỗ trợ các bạn trẻ khởi nghiệp có ý tưởng mới. Chúng tôi mong muốn thông qua hoạt động này sẽ tạo ra nhiều sản phẩm mới, nhiều giá trị gia tăng lớn cho TP trong tương lai.
P.V: Khởi nghiệp ở Đà Nẵng chưa sôi động như 2 đầu đất nước, việc đầu tư vào lĩnh vực này có mạo hiểm không thưa ông?
Ông Đàm Quang Tuấn: Khởi nghiệp vốn dĩ đã mang tính mạo hiểm, rủi ro rồi. Vấn đề là quy trình đầu tư, hoạt động làm sao để khởi nghiệp thành công. Điều này cần một đề án rất chặt chẽ. Chúng tôi sẽ đi hợp tác với chương trình khởi nghiệp ở 2 đầu đất nước và nước ngoài.
P.V: Xin ông chia sẻ cơ chế vận hành của quỹ? Liệu thủ tục đầu tư cho dự án khởi nghiệp có thông thoáng hơn các quỹ hỗ trợ của Nhà nước từng có tại Đà Nẵng hay không?
Ông Đàm Quang Tuấn: Đây là quỹ mở, sẽ có nhiều DN hợp vốn để đầu tư. Sẽ phân chia ra các ngành nghề về công nghệ, nông nghiệp, xây dựng… Quỹ không giới hạn số lượng dự án khởi nghiệp cũng như số vốn đầu tư cho mỗi dự án. Nếu dự án có ý tưởng hay, hiệu quả tốt sẽ được đầu tư lâu dài. Chính sách đầu tư với các dự án không quá khắt khe, song cũng không dễ dãi, vấn đề là tính thiết thực, hiệu quả của dự án. Tổng vốn sẽ được phân chia theo quá trình phát triển khởi nghiệp theo kế hoạch cụ thể.
P.V: Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị xác định tới năm 2030 Đà Nẵng là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của Đông Nam Á, tới năm 2045 là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của châu Á. Dưới góc nhìn của nhà đầu tư tư nhân về khởi nghiệp, theo ông, Đà Nẵng có lợi thế gì trong lĩnh vực này để được xác định mục tiêu như vậy?
Ông Đàm Quang Tuấn: Trước tiên Trung ương xác định Đà Nẵng là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia thì sẽ có cơ chế thúc đẩy phát triển, đây là một lợi thế lớn. Mặt khác, Đà Nẵng là một trong những trung tâm phát triển công nghệ thông tin tốt của khu vực, lực lượng lao động chất lượng cao ngày càng được cải thiện, định hướng phát triển công nghệ cao được tập trung nguồn lực phát triển mạnh… Vấn đề cốt lõi hiện nay là xây dựng được chính sách phát triển khởi nghiệp hấp dẫn, thực sự là động lực thúc đẩy cho hoạt động khởi nghiệp.
P.V: Để đạt được mục tiêu đó, Đà Nẵng cần triển khai giải pháp gì thưa ông?
Ông Đàm Quang Tuấn: Trong bối cảnh cách mạng 4.0, để tạo sự kết nối, Đà Nẵng cần tập trung vào CNTT, xây dựng các không gian làm việc chung tạo cảm hứng cho các bạn trẻ sáng tạo. Đà Nẵng phải xây dựng là TP có môi trường sống tốt (trong sạch, an bình, tiện nghi…) sẽ tạo cảm hứng, thu hút bạn trẻ khắp nơi về khởi nghiệp. Cuối cùng, việc xây dựng chính sách khởi nghiệp tốt cần gắn với quản lý để các sản phẩm trí tuệ khởi nghiệp được bảo hộ, không bị xâm phạm, ảnh hưởng tới sự cống hiến của họ.
P.V: Cảm ơn ông đã chia sẻ.
HẢI QUỲNH (thực hiện)