Chất lượng & bệnh thành tích trong giáo dục: Hai đường thẳng song song!
(Cadn.com.vn) - Bộ GD-ĐT quyết định đổi mới trong công tác tuyển sinh năm nay với việc gộp chung kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ thành một kỳ thi THPT Quốc gia có thể xem là sự kiện được dư luận quan tâm nhất trong thời gian gần đây. Bên cạnh sự đồng tình, ủng hộ chủ trương kết hợp kỳ thi chung hai trong một này, không ít sở GD-ĐT các tỉnh, thành và các nhà quản lý GD tại cơ sở trường THPT trong cả nước đang quan ngại, dự báo tỉ lệ HS đỗ tốt nghiệp THPT năm nay sẽ thấp hơn so với các năm học trước, nhất là sau khi Bộ GD-ĐT đưa ra một số đề minh họa để HS năm cuối cấp THPT “thi thử”, tỉ lệ HS bị điểm dưới trung bình khá lớn do đề thi quá khó (?!).
Việc ngành GD-ĐT, các thầy cô giáo lo sợ HS rớt tốt nghiệp là điều rất đáng được trân trọng bởi nó thể hiện thái độ, trách nhiệm của người thầy đối với HS của mình. Tuy nhiên, từ vấn đề này lại đặt ra một mệnh đề khác cần được nghiêm túc nhìn nhận. Ai cũng đồng tình trong xu hướng phát triển tất yếu của xã hội hiện đại, việc tổ chức kỳ thi chung hai trong một là nên làm, bởi nó không chỉ tiết kiệm được tiền của, công sức của gia đình và xã hội mà còn giảm áp lực thi cử cho HS. Và nếu kỳ thi này được tổ chức nghiêm túc, chặt chẽ, công bằng sẽ góp phần đáng kể trong việc đưa chất lượng giáo dục phổ thông trở về đúng bản chất của nó.
Theo đó, HS có năng lực thật sự thì tiếp tục bước vào giảng đường ĐH, CĐ. Những HS có học lực kém hơn đành phải chấp nhận thực tế để rẽ sang hướng đi khác trên con đường lập thân. Điều này sẽ góp phần giúp ngành GD-ĐT và xã hội làm tốt hơn công tác phân luồng sau THCS - điều mà nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã làm rất tốt.
Đại học không phải là con đường lập thân duy nhất. Trong ảnh, học sinh Đà Nẵng dự kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2014. Ảnh: P. Thủy |
Xét cho cùng, ĐH không phải là con đường lập thân duy nhất. Trên thực tế, có không ít người chưa học hết phổ thông nhưng vẫn thành công trong cuộc sống, được xã hội ghi nhận. Thành công của mỗi một con người không phụ thuộc vào tấm bằng ĐH, CĐ, mà phụ thuộc vào sự đóng góp công sức của họ trên một lĩnh vực nhất định nào đó cho xã hội... Hình như, ai cũng hiểu được điều này.
Vậy nhưng, có một nghịch lý, khi đối diện với tỉ lệ HS đỗ tốt nghiệp thấp, bản thân ngành GD-ĐT phải hứng chịu sức ép từ nhiều phía. Chính việc bị bủa vây, “trên đe, dưới búa” này đã khiến không ít Sở GD-ĐT chọn giải pháp an toàn cho mình... Và, phụ huynh cũng vậy. Mặc dù lên án, chỉ trích về những tiêu cực, hạn chế, bất cập của ngành GD-ĐT, đặc biệt là căn bệnh trầm kha “chạy theo thành tích dẫn đến chất lượng ảo”, không đồng tình với hiện tượng “nhà nhà, người người đều có thể học ĐH”..., vậy nhưng khi đối diện với việc con em mình rớt tốt nghiệp, không đỗ vào ĐH, không ít phụ huynh chấp nhận được thực tế này.
Thay vì chịu khó tìm hiểu xem năng lực thật sự của con em mình đến đâu để có hướng đầu tư, định hướng và tư vấn cho con trong việc chọn lựa ngành nghề nghiệp học để lập thân sau này, họ lại tìm mọi cách “nhồi nhét” kiến thức cho con thông qua con đường học thêm, buộc con phải thi cho bằng được ĐH. Nếu không đỗ ĐH thì chấp nhận tốn tiền để cho con vào học tại các trường ĐH dân lập không tổ chức thi tuyển... Một trong những nguyên nhân khiến phụ huynh cũng như HS phải cố học cho bằng được ĐH đó chính là do xã hội còn quá trọng bằng cấp trong tuyển dụng lao động. Chính điều này đã khiến không ít phụ huynh dù đã biết năng lực con em mình không thể đỗ ĐH nhưng vẫn cố bằng mọi cách vào học ĐH để sau này dễ có cơ hội xin việc làm...
Chính sự mâu thuẫn này đã dẫn đến một thực trạng đáng buồn, tồn tại bấy lâu nay trong ngành GD đó là: “bệnh thành tích” và chất lượng bao giờ cũng là hai đường thẳng song song, không bao giờ gặp nhau. Điều này đã gây nên một hệ lụy thấy rõ: Ngày càng có quá nhiều người học ĐH, CĐ nhưng khi ra trường lại thất nghiệp hoặc buộc phải làm trái ngành nghề. Không ít cô cậu đỗ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ đàng hoàng, nhưng khi bắt tay vào thực tiễn công việc lại lóng ngóng, không làm được việc. Và hiện tượng “thừa thầy”, “thiếu thợ” có tay nghề ngày càng một trầm trọng.
Thiển nghĩ, một khi bệnh thành tích vẫn còn ngự trị trong tư duy mỗi con người thì chất lượng giáo dục khó mà vực dậy được!
P.T