Chát mặn nghề biển

Thứ ba, 28/02/2017 09:26

(Cadn.com.vn) - Có lẽ chỉ những người dân vùng biển, mới hiểu và cảm nhận hết sự vất vả, bất trắc của nghề biển. Từ đời này qua đời khác, mồ hôi, nước mắt của ngư dân đã hòa chung vào vị mặn của biển cả mênh mông. Trong mỗi chuyến ra khơi, ngư dân còn là những cột mốc sống chủ quyền biển đảo quê hương.

Ngư dân xã Tiến Thủy, H. Quỳnh Lưu chuẩn bị vươn khơi.

Đi biển, bên cạnh nỗi lo đánh bắt thất bát, ngư dân còn có trăm thứ phải lo: lo thời tiết mưa bão, lo không tìm được luồng cá, lo tàu khác đâm va phải, thậm chí là sự uy hiếp của tàu lạ và phải đối mặt với nhiều rủi ro... Đã gần 5 tháng qua nhưng khi nhắc đến chuyện mình và con trai thoát chết trong một lần đi biển vào tháng 9-2016, anh Nguyễn Bá Báu (1964, trú xã Nghi Thiết, H. Nghi Lộc, Nghệ An) vẫn còn rùng mình. "Hôm đó nếu không có các anh bên Trạm kiểm soát biên phòng Cửa Hội cứu giúp thì cha con tôi đã không có ngày hôm nay. Hôm đó nghe báo bão gió cấp 6, 7 nhưng cha con tôi vẫn quyết định chèo thuyền mủng ra đi đánh cá. Khi gặp gió xoáy, sóng quần, mưa giông, thuyền chúng tôi bị đẩy ra xa chừng 2-3 hải lý. Thấy hai cha con đi đánh cá mãi chưa về, dân làng đã báo với chính quyền địa phương và BĐBP nên chúng tôi may mắn được cứu sống kịp thời"-anh Báu kể. Còn anh Trần Văn Phúc (1990, trú xã Quỳnh Thọ, H.Quỳnh Lưu) chia sẻ: Đi biển chục năm nay nhưng chưa khi nào anh và mọi người gặp sự cố hy hữu như chuyến đi vào ngày 22-12-2016 vừa qua: "Khoảng 6 giờ hôm đó, chiếc thuyền đánh cá chở 7 thuyền viên bắt đầu rời bến. Không ngờ, chỉ sau hai ngày ra khơi, tàu bắt đầu gặp sự cố hư lái, hỏng mô- tơ. Mặc dù ai cũng có kinh nghiệm bám biển lâu năm nhưng việc máy móc liên tục hư hỏng ngoài biển khiến ai ai cũng hoang mang, lo lắng. Mọi người thay nhau sửa chữa nhưng mãi vẫn không được, bộ đàm cũng bị hỏng nên đoàn không có cách nào thông báo địa điểm gặp nạn để nhờ cứu hộ, phải quyết định thả trôi tàu trong thời tiết gió cấp 6, cấp 7. Một chút may mắn cuối cùng là anh Phúc nhớ được số Icom (một thiết bị thông tin của ngư dân-P.V) của ông Trần Văn Thế (chủ tàu NA 90689 TS) ở quê nên đánh điện về thông báo tàu bị nạn. Sau đó, chủ tàu này đã gọi điện cho lực lượng chức năng nhờ giúp đỡ. Một tuần trên biển mà chúng tôi tưởng chừng như cả tháng trời".

Chiếc tàu gặp nạn của anh Phúc đang được sửa chữa.

 Nghề đánh bắt cá gần bờ còn đối diện với việc trữ lượng cá suy giảm do việc khai thác không có kiểm soát. Trước đây, khi chưa có dự án Cảng nước sâu, dân biển xã Nghi Thiết, H. Nghi Lộc, Nghệ An còn dễ đánh cá, một ngày kiếm chừng 500.000 -1 triệu đồng là bình thường. Nhưng từ khi dự án Cảng nước sâu đi vào hoạt động, dân phải đi ra bãi hoang đánh cá, nước động nên cá cũng ít đi nhiều. Để có thể đánh bắt xa bờ, nhiều ngư dân H. Quỳnh Lưu đã chung nhau đóng thuyền lớn nhưng việc vươn khơi lại chịu rủi ro cao hơn, chi phí cho mỗi lần đi cũng cao hơn nhiều, đối mặt với nhiều nguy hiểm hơn. Anh Nguyễn Văn Dương (1978, trú xã Tiến Thủy, H. Quỳnh Lưu), chủ tàu cá NA9096TS cho biết: "Năm 2014, tôi cùng với 9 người nữa góp vốn và vay thêm vốn ngân hàng đóng được chiếc tàu với công suất 800CV. Tàu ra khơi mỗi chuyến đi từ 1 - 2 tuần, nếu trúng luồng cá thì thu về khoảng 150 - 200 triệu đồng, trừ chi phí, anh em cũng chia nhau được khoảng 10 triệu đồng/người nhưng cũng có những chuyến thất bại anh em chẳng được đồng nào, nghề biển vất vả là thế nhưng thu nhập lại bấp bênh. Đó là chưa kể khi tàu gặp các sự cố hỏng hóc, gặp nạn thì còn nguy hiểm đến tính mạng.

Anh Phạm Bá Liên chia sẻ những nhọc nhằn nghề đi biển.

Nghề đi biển luôn ẩn chứa những bất trắc phía trước. Người may mắn thoát khỏi "cửa tử" rồi lại tiếp tục bám biển mưu sinh. Người xấu số thì không có ngày trở về, để lại nỗi đau không nguôi cho người ở lại. Người đàn ông ra khơi mang theo muôn vàn lời nguyện cầu của mẹ, của vợ. Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nghệ An: Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh có 15 vụ tai nạn tàu cá (trong đó có 5 trường hợp ở TX Hoàng Mai, 7 trường hợp ở H. Quỳnh Lưu và 3 trường hợp H. Diễn Châu). Hậu quả làm 7 người tử vong, tổng thiệt hại tài sản lên đến gần 12,5 tỷ đồng. Nguyên nhân của các vụ tai nạn là do một số chủ tàu chủ quan trong quá trình vận hành tàu, vận hành các trang thiết bị khai thác, sơ ý khi lao động trên tàu, sóng to gió lớn bất ngờ... Tháng 11-2013, tàu cá NA - 90249 - TS công suất 380CVcủa ông Nguyễn Văn Trí, trú xóm Tân An, xã An Hòa, H. Quỳnh Lưu, gồm 10 ngư dân đánh bắt xa bờ đã gặp nạn khi một phần lưới rơi xuống biển làm tàu nghiêng, gặp gió mùa đông Bắc mạnh nên lật, chìm. Trên tàu chỉ có 2 chiếc áo phao và một tấm xốp. 15 giờ bám vào tấm xốp thả trôi tự nhiên giữa trời giá rét mùa đông, 8 thuyền viên phải lần lượt buông tay... Chỉ còn 2 người là Hồ Vĩnh Lai (1978, xóm Hồng Phong, xã An Hòa, H. Quỳnh Lưu và Vũ Viết Hà (1982, ở xóm Thành Công, xã Quỳnh Long, H. Quỳnh Lưu) may mắn sống sót khi được tàu cá Quảng Bình cứu vớt. "Ngày đi 10 anh em hồ hởi, người kéo chài, người lái máy... nhưng ngày trở về chỉ có tôi và anh Hà lặng lẽ. Nhìn thấy đôi mắt đầy hy vọng của người thân các anh em mà lòng tôi quặn lại. Có lẽ cho đến chết tôi vẫn không bao giờ quên được giây phút cận kề với cái chết và chứng kiến cảnh từng người anh em lần lượt buông tay khỏi tấm xốp, trong đó có người anh trai tôi"-anh Hồ Vĩnh Lai rớm nước mắt nhớ lại...

Dẫu biết mỗi chuyến đi biển là một hành trình gian khổ, hiểm nguy rình rập, đe dọa sinh mạng nhưng ngư dân vẫn ngày đêm bám biển không đơn thuần chỉ vì mưu sinh mà họ chính là những cột mốc chủ quyền biển đảo quê hương.

Dương Hóa