Chất nhân văn trong “Mỗi lần hoa Anh Đào nở”

Thứ hai, 11/09/2017 11:03

Tập truyện thơ đầu tay của tác giả Giang Hà Vỹ mang tên “Mỗi lần hoa Anh Đào nở” vừa được Văn phòng đại diện Nhà xuất bản Văn học miền Trung-Tây Nguyên tại Đà Nẵng phối hợp Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng và Trung tâm UNESCO nghiên cứu văn chương Việt Nam tại miền Trung – Tây Nguyên giới thiệu đến bạn đọc. Bằng lối kể chuyện lôi cuốn, mang màu sắc tươi mới, hấp dẫn, nội dung ca ngợi về mối quan hệ Việt Nam– Nhật Bản, tập truyện thơ thật sự là một tác phẩm giá trị, đáng đọc. Ở đó, tình yêu được tôn vinh, mọi hận thù được hóa giải để cùng nhau hướng về phía trước.

Truyện thơ "Mỗi lần hoa Anh Đào nở" của Giang Hà Vỹ.

Giang Hà Vỹ là cây bút trẻ với đầy nhựa sống, cống hiến và khát khao dấn thân vào con đường nghệ thuật văn chương. Trong dòng chảy nghệ thuật, Giang Hà Vỹ luôn tìm thấy một nguồn cảm hứng dâng trào, bất tận về tình yêu. Bởi, Vỹ quan niệm “Đi đâu cũng thấy tình yêu bất tận/ Của người phụ nữ luôn trân trọng tình yêu/ Cây đại thụ và hòn Vọng Phu là một/ Chứng kiến biết bao lịch sử can qua/ Ai đến đó mới thấy con người là kỳ vỹ/ Khi tình yêu thổ lộ với tình yêu”. Theo nhà thơ Lê Anh Dũng, Trung tâm UNESCO Nghiên cứu văn chương Việt Nam, “Mỗi lần hoa Anh Đào nở” trước hết là một câu chuyện, một câu chuyện đậm chất dấu ấn lịch sử đất nước một thời khi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II kết thúc, Nhật đầu hàng đồng minh và rút khỏi nước ta và thực dân Pháp chưa kịp quay lại thống trị, dân tộc ta đã đứng lên làm cuộc cách mạng giải phóng.

Thực tế lớn lao ấy được tác giả thu gọn trong hình ảnh một miền quê Quảng Trị bên bờ sông Thạch Hãn đầy biến động với bao đau thương và căm hận mà vẫn đang mở ra hướng đi mới cho cuộc đời. “Câu chuyện là một bức tranh hiện thực phong phú, nhiều màu sắc, nhiều chất liệu sống về đất nước con người, xoay quanh nhân vật trung tâm là người con gái Việt với dáng dấp, phẩm chất và một đời sống nhiều biến động tiêu biểu cho hình ảnh người con gái Việt Nam trong đời thường của dân tộc những năm đất nước trải qua muôn ngàn thử thách”, nhà thơ Lê Anh Dũng nhận xét.  Câu chuyện không chỉ mang tính nhân văn sâu sắc mà còn thể hiện xu thế mới của lịch sử khi con người gác lại quá khứ đau thương để đến với nhau, cùng nhau xây dựng cuộc đời mới...

Đọc “Mỗi lần hoa Anh Đào nở” ta không tìm được mạch liên kết, gieo vần thi ca. Song, là truyện thơ, đâu đó luôn bật lên sự hồi hộp, chờ đợi về nội dung mà Giang Hà Vỹ muốn dẫn dắt. Giang Hà Vỹ mở đầu câu chuyện một cách tự nhiên: “Mỗi lần hoa anh đào nở/ Mỗi lần tôi nhớ lại ngày xưa/ Ngày năm ấy bên dòng sông Thạch Hãn/ Nước khơi trong lặng lẽ chảy mạn thuyền/ Đưa dòng nước trong xanh từ đồi núi/ Góp sức chứa chan tô thắm ruộng đồng...”. Và rồi, qua rất nhiều biến cố, câu chuyện khép lại bằng lời thì thầm của chàng sĩ quan Nhật với Huyên: “Huyên ơi! ta yêu nàng nhiều lắm/ Hiểu sai ta nàng phải khổ cả đời/ Vẫn yêu nàng như ngày xưa mới gặp/ Xin tặng nàng những cái nàng yêu/ Tặng nhánh hoa anh đào mới nở/ Trắng tinh nguyên để tỏ rõ lòng ta/ Tình yêu của ta dành cho nàng mãi mãi/ Mỗi lần nhìn là nhớ chuyện ngày xưa”...

Có thể nói, “Mỗi lần hoa Anh Đào nở” là một câu chuyện trọn vẹn về mặt kết cấu và bố cục, mang đậm tính xã hội và nhân văn về nội dung. Đó là thành công của tác giả, là đóng góp đáng trân trọng khi văn học có trách nhiệm không chỉ làm sống lại trong lòng người đọc hình ảnh lịch sử đất nước một thời đã qua mà còn là đóng góp đáng quý để giáo dục, bồi dưỡng cho người đọc những tình cảm đẹp về đất nước, con người Việt Nam. Cái độc đáo, cái riêng của Giang Hà Vỹ là câu chuyện dài ấy được thể hiện bằng thơ. Dẫu chưa thật hoàn thiện, thành công trong nghệ thuật sáng tác thể loại thơ nhưng chính chuyện thơ đã làm tác phẩm có sức thu hút, có sức hấp dẫn hơn, nhất là với người yêu thơ. Đọc truyện thơ “Mỗi lần hoa Anh Đào nở” của Giang Hà Vỹ, người đọc gặp lại những con người, những miền quê, những đổi thay của đất nước suốt 50 năm để thêm yêu thương, gắn bó, tự hào.

PHI NÔNG