“Chát” với Phạm Nguyễn Ca Dao: Nhà văn trẻ phải tìm ra con đường đi cho riêng mình

Thứ tư, 21/09/2011 00:00

(Cadn.com.vn) - Sinh ngày 26-2-1994 tại Đà Nẵng. Hiện học lớp 12C1 chuyên Văn Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. 4 năm tham gia Trại sáng tác Văn học dành cho thiếu nhi do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật phối hợp với Sở GD-ĐT TP tổ chức đều có giải, trong đó, 2 năm đạt giải nhất. Nhiều tác phẩm đã được đăng báo, tạp chí, 2 tác phẩm được in chung trong tập “Giao hưởng và đốm  lửa” của Hội Nhà Văn TPĐN năm 2010...

Đó là tiểu sử trích ngang của cô học trò có cái tên rất ấn tượng: Phạm Nguyễn Ca Dao-một trong 2 đại diện của Đà Nẵng tham dự Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII, và cũng là thành viên trẻ tuổi nhất hội nghị. Lần đầu tiên gặp, cô bé viết văn thế hệ 9X này đã để lại nhiều ấn tượng đặc biệt...

 Phạm Nguyễn Ca Dao cùng bố chụp ảnh kỷ niệm với nhà thơ Hữu Thỉnh
và nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán (bìa phải). Ảnh: NET

Học cách cảm nhận cuộc sống từ những việc nhỏ nhất

 Chào Ca Dao! Có ai khen tên em hay, dù rất quen mà vẫn lạ không?

 (cười) Dạ! Mọi người ai cũng thấy lạ. Vì ba em là giáo viên dạy văn mà. Từ nhỏ, em nghe ba nói, muốn dẫn dắt em vào con đường văn chương nên đặt tên em như vậy.

 Em có nghĩ, gương mặt và dáng vóc của mình cũng rất “ca dao” không?

 Dạ! Thực sự em chưa bao giờ nghĩ vậy. Nhưng hôm nay nghe chị hỏi, khiến em cũng phải suy nghĩ...! Em có thể nhận đó là một lời khen được không ạ?

Truyện ngắn của Phạm Nguyễn Ca Dao là những phát hiện có tính đột phá của một người biết quan sát, biết vận dụng vốn ngôn ngữ đời thường để thể hiện trong tác phẩm.
Hội Nhà văn TP Đà Nẵng
Tiếng rừng - tên một truyện ngắn của Phạm Nguyễn Ca Dao được trao giải nhất - càng cần được lắng nghe...Nói không quá, đây chính là một trong những truyện ngắn hay nhất của các em trong nhiều năm qua. Cô học trò lớp 8/8 Trường THCS Nguyễn Công Trứ này còn có 2 truyện ngắn và 1 tùy bút nữa: Ván chọi gà định mệnh, Vết bầm Một chuyến đi. Tác phẩm nào cũng xứng đáng được trao giải. Văn của Phạm Nguyễn Ca Dao tự nhiên, có chất sống và có sức lực...Tác phẩm tựa như rừng cây, nhìn hết, khám phá hết đã khó, huống hồ còn nghe được tiếng của rừng!...
Nhà thơ Nguyễn Minh Hùng
Lỗ hổng là một truyện ngắn có nhiều màu sắc thiếu nhi, sống động nhiều tình tiết khá hấp dẫn. Với truyện ngắn này, một lần nữa Ca Dao đã khẳng định được khả năng quan sát tinh tế với sự vật chung quanh bằng cái nhìn trong trẻo nhạy cảm.
Nhà văn Trần Trung Sáng
Truyện của Ca Dao thật xúc động và ấn tượng. Thật ngạc nhiên khi chúng ta biết rằng tác giả của câu chuyện năm nay mới 14 tuổi. Phải có một tâm hồn thực sự nhạy cảm và nhân hậu mới có thể viết được những trang văn thấm đẫm tình người như thế. Văn phong của Ca Dao trong sáng, hồn nhiên mà không thơ dại, đầy cảm xúc mà vẫn gợi nhiều suy ngẫm.
Lê Trung Kiên

 Là thành viên nhỏ tuổi nhất tại Hội nghị Những người viết Văn trẻ toàn quốc lần thứ 8, em có thấy bị “ngợp” không?

 Dạ có! Ban đầu, khi được tiếp xúc với các nhà văn, nhà thơ đã có tên tuổi, thực sự em cảm thấy rất...ngợp. Nhưng khi được sinh hoạt chung với mọi người, tuy chỉ 4 ngày ngắn ngủi nhưng cho em cảm giác như đang sống trong một đại gia đình, mà em là con út, vì vậy được cưng chiều lắm!!!

 Nhưng có khi nào, em cảm thấy mất tự tin không? 

 Thực sự em  thấy có chút áp lực ban đầu, nhưng em tự nhủ sẽ luôn cố gắng để biến điểm yếu của mình thành ưu điểm; xem đây là một cơ hội để học hỏi kinh nghiệm, trau dồi kỹ năng. Em nghĩ, dù chưa thực sự trải nghiệm, chưa nhiều vốn sống, nhưng em sẽ nhìn thế giới xung quanh qua lăng kính của riêng mình, tư duy và viết theo cách của một... cô bé.

Đọc tác phẩm của em, chị cảm nhận em rất yêu thương loài vật, cây cỏ. Điều đó được hình thành từ ký ức nơi em đang ở hay ai đã gieo cho em tình yêu đó?

 Dạ! Cả 2 nguyên nhân đó ạ: nhà em ở ngoại ô thành phố, từ nhỏ và đến giờ em vẫn tiếp xúc với loài vật, nên có cơ hội quan sát và cảm nhận nhiều về thế giới đó. Không chỉ thế, em còn được ba mẹ dạy cách cảm nhận cuộc sống xung quanh từ những việc nhỏ nhất...

Nhà thơ Hữu Thỉnh: “Chuẩn bị cho một thế hệ nhà văn mới xuất hiện…”

 Như em đã nói, ba là giáo viên dạy văn, vậy khi viết, em có được ba... tiếp sức?

 Ba chỉ đọc và góp ý sau khi em viết xong thôi. Chẳng bao giờ ba chịu đọc khi tác phẩm chưa hoàn thành cả. Em còn được thầy cô, các cô, chú ở Hội VHNT góp ý, chỉnh sửa câu từ. Có những ý em vẫn giữ nguyên theo suy nghĩ và cách cảm nhận của mình...

 Em nghĩ sao về lời nhận xét “Nguyên nhân của sự thiếu vắng các tác phẩm thơ, văn học VN hiện đại có sức thuyết phục và lôi cuốn là bởi các nhà văn, nhà thơ hôm nay thường hướng đến cái tôi cá nhân? Tác phẩm của họ thường khắc họa tâm trạng cá nhân, những trải nghiệm cá nhân, những đổ vỡ cá nhân, những bi kịch cá nhân, những nỗi đau cá nhân?”...

 Em cũng chưa đọc được nhiều, nhưng thực sự cũng ít thấy có những tác phẩm thực sự để lại dư luận tốt như văn của chị Nguyễn Ngọc Tư chẳng hạn...

 Suy nghĩ của em về sự gửi gắm hy vọng của nhà thơ Hữu Thỉnh- Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: “Cái quan trọng nhất sau hội nghị này mà chúng tôi mong muốn đạt được là một thế hệ nhà văn mới cảm nhận được trọng trách của nền văn học, của đất nước. Và nhiệm vụ của Hội Nhà văn Việt Nam là bắt tay chuẩn bị cho một thế hệ nhà văn mới xuất hiện...”?

 Thực ra, khi viết em không nghĩ mình làm được điều to tát là phản ánh thời đại vào tác phẩm. Em chỉ cảm nhận và viết ra những gì gần gũi xung quanh cuộc sống  mình thôi. Tại hội nghị, Giáo sư Phong Lê cũng có chia sẻ: nhiều người “lão” mà chưa chắc đã “thành”. Vì thế, các nhà văn trẻ phải cố tìm ra con đường cho riêng mình. Và bác Hữu Thỉnh cũng nói, “các nhà văn trẻ, các bạn đến từ tương lai”...

 Có người nói, Hội nghị Những người viết văn trẻ lần này chủ yếu là để đi chơi. Em nghĩ sao?

Không phải thế đâu ạ. Khi đi tham quan, sinh hoạt chung với nhau thì rất thoải mái, nhưng khi bắt tay vào hội nghị thì rất nghiêm túc... Em đã học được nhiều điều từ đó...

  Em định thi vào trường nào, ngành gì? Em xem nhập cuộc vào giới văn chương là sự thử nghiệm, một cuộc dạo chơi hay là sẽ gắn bó suốt đời?

 Em vẫn đang đi trên con đường viết văn, nhưng đến đâu thì em chưa đoán định được. Tuy nhiên, dù sau này cuộc sống có buộc em phải rẽ sang một hướng khác thì bao giờ văn chương với em cũng là niềm ham thích. Dự định của em là thi vào ĐH KHXH&NV khoa Báo chí truyền thông.

 Cảm ơn em! Chúc Ca Dao sẽ còn bay cao, vươn xa hơn nữa...

 Em xin cảm ơn lời chúc tốt đẹp ấy...

P.Thủy

(thực hiện)