Châu Á đối mặt với bài toán khó về năng lượng

Thứ ba, 28/06/2022 14:41
Tại nhiều quốc gia Châu Á, giá năng lượng tăng vọt đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân, cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh.
Xếp hàng chờ đổ xăng ở thủ đô Colombo hôm 16-6. Ảnh: Reuters.
Người dân xếp hàng chờ mua nhiên liệu để đun nấu tại thủ đô Colombo, Sri Lanka, ngày 17-6. Ảnh: THX

Cạn kiệt nhiên liệu

Bộ trưởng Năng lượng Sri Lanka Kanchana Wijesekera ngày 25-6 cho biết, quốc gia này gần như cạn kiệt xăng và dầu diesel sau khi một số chuyến hàng dự kiến bị trì hoãn vô thời hạn. Bộ trưởng Wijesekera cho hay các lô hàng dầu mỏ đến hạn vào tuần trước đã không xuất bến trong khi những hàng - dự kiến đến vào tuần tới - cũng sẽ không đến được Sri Lanka vì lý do “ngân hàng và hậu cần”. Sri Lanka đang đối mặt tình trạng thiếu ngoại hối nghiêm trọng để chi trả ngay cho những mặt hàng nhập khẩu thiết yếu nhất, gồm thực phẩm, thuốc men và xăng dầu, và quốc gia này đang kêu gọi các khoản tài trợ quốc tế. Theo Bộ trưởng, tập đoàn dầu khí Ceylon (CPC) do nhà nước điều hành không thể cho biết khi nào nguồn cung dầu mới sẽ có trên đảo quốc này. CPC cũng đóng cửa nhà máy lọc dầu duy nhất của mình do thiếu dầu thô.

Hiện hàng trăm ngàn chủ xe mất rất nhiều thời gian xếp hàng chờ mua xăng dầu ở khắp đảo quốc 22 triệu dân này. Các phương tiện giao thông công cộng và sản xuất điện sẽ được ưu tiên hơn. Tuần trước, Chính phủ Sri Lanka đã đóng cửa các cơ sở giáo dục không thiết yếu của nhà nước cùng với các trường học trong hai tuần để giảm lượng người đi làm vì khủng hoảng năng lượng. Một số bệnh viện trên khắp cả nước cho biết số lượng nhân viên y tế có mặt giảm mạnh do tình trạng thiếu nhiên liệu khiến họ không thể đến nơi làm việc. Để tiết kiệm nhiên liệu, Chính phủ Sri Lanka đã yêu cầu các công chức làm việc ở nhà, trong khi trường học thủ đô Colombia và các vùng xung quanh đóng cửa trong ít nhất một tuần.

Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe ngày 22-6 cảnh báo Quốc hội rằng quốc gia Nam Á với 22 triệu dân này sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn trong vài tháng nữa và kêu gọi người dân sử dụng tiết kiệm nhiên liệu.

Trong khi đó, Tại Bangladesh, các cửa hàng đóng cửa lúc 8 giờ tối để tiết kiệm điện. Ở Ấn Độ và Pakistan, tình trạng mất điện buộc các trường học phải đóng cửa, các cơ sở kinh doanh ngừng hoạt động và người dân sống trong cảnh ngột ngạt khi không có điều hòa trong cái nắng với nhiệt độ lên tới 100 độ F (37 độ C). Ngày 28-5 vừa qua, Công ty Than Ấn Độ, một doanh nghiệp Nhà nước, đã phải công bố nhập khẩu than lần đầu tiên kể từ năm 2015 do tình trạng mất điện trên diện rộng kéo dài. Tại Pakistan, Bộ trưởng Thông tin Marriyum Aurangzeb cho biết: "Chúng tôi đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng. Trường học, nhà máy đóng cửa, nhân công được yêu cầu nghỉ thứ sáu trong ba tháng”.

Ngay cả ở những quốc gia phát triển, chẳng hạn như Australia, những lo ngại về kinh tế cũng đang khởi phát khi người tiêu dùng phải gánh chịu chi phí năng lượng cao hơn. Giá điện trong quý I-2022 của Australia tăng 141% so với cùng kỳ năm ngoái, các hộ gia đình đang bị thúc giục cắt giảm sử dụng điện. Ngày 15-6, Cơ quan quản lý thị trường năng lượng Australia (AEMO) thông báo đóng cửa một số thị trường điện giao ngay ở trong nước để kịp thời ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng lan rộng.

Những vấn đề trên chỉ là một vài trong số nhiều vấn đề nghiêm trọng đang diễn ra tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi các quốc gia khác nhau phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất trong nhiều năm và gánh chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.

Xếp hàng chờ đổ xăng ở thủ đô Colombo hôm 16-6. Ảnh: Reuters.

Nguyên nhân

Tình trạng thiếu hụt năng lượng chủ yếu do tác động của đại dịch COVID-19 và cuộc chiến Nga-Ukraine.

Trong đại dịch, mức tiêu thụ năng lượng giảm hơn 3% trong quý I-2020 khi đóng cửa các nhà máy, và hạn chế các phương tiện di chuyển… Nhưng giờ đây, nhu cầu năng lượng lại tăng vọt, bất ngờ đẩy giá than, dầu và khí đốt lên mức cao kỷ lục.

Ngoài ra, cuộc chiến Nga - Ukraine đã đẩy giá nguyên, nhiên liệu tăng mạnh. Bởi vì Nga, nhà sản xuất dầu lớn thứ 3 và nhà xuất khẩu dầu thô lớn thứ 2 trên thế giới, đang bị Mỹ và nhiều đồng minh phương Tây trừng phạt, càng làm cho nguồn cung dầu khí bị hạn chế, khiến giá tăng vọt.

Ảnh hưởng đến môi trường và khí hậu

Tình trạng thiếu hụt năng lượng đã và đang tác động nghiêm trọng tới nhiều quốc gia ở Châu Á, có thể khiến tăng trưởng kinh tế của các quốc gia này suy giảm mạnh do đình trệ sản xuất, giảm giờ làm và ngày làm việc để ứng phó với tình trạng thiếu điện. Nguy hiểm hơn, do thiếu điện trên diện rộng, nhiều quốc gia đẩy mạnh nhập khẩu than. Điều này có nguy cơ làm trầm trọng tình trạng ô nhiễm môi trường.

Tại Australia, Ủy ban An ninh Năng lượng của chính phủ liên bang đã đề xuất tất cả các nhà máy phát điện, bao gồm cả nhà máy nhiệt điện chạy than, phải tăng công suất phục vụ lưới điện quốc gia nhằm ngăn chặn tình trạng mất điện. Tại Ấn Độ, quốc gia 1,3 tỷ dân, phụ thuộc vào khoảng 70% năng lượng than, quyết định tăng nhập khẩu than của chính phủ có thể còn gây ra những ảnh hưởng sâu sắc hơn đến môi trường.

Ông Sandeep Pai, Trưởng nhóm nghiên cứu cao cấp của Chương trình Năng lượng của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết: “Việc các quốc gia tăng cường nhập khẩu than trong bối cảnh giá dầu, khí tăng cao là một phản ứng tạm thời đối với cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, nếu trong một hoặc hai năm tới, các quốc gia này tiếp tục phụ thuộc vào than để sản xuất điện thì sẽ ảnh hưởng đáng kể đến cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu".

AN BÌNH